Trước bất cứ một ca mổ nào, người bệnh hoặc thân nhân cũng phải ký vào giấy cam kết phẫu thuật. Đây là một trong những thủ tục hành chính bắt buộc, có tính pháp lý trong hồ sơ bệnh án. Nội dung chính của tờ cam kết này được hiểu là người bệnh hoặc thân nhân đã được nghe giải thích và hiểu về cuộc phẫu thuật cũng như những nguy cơ có thể gặp phải trong quá trình mổ. Việc làm này sẽ thuận tiện cho cả hai bên trong trường hợp có các vấn đề phát sinh liên quan đến chuyên môn, tài chính hay pháp luật…
Bỗng dưng bị… mổ
Khi phải đi khám bệnh, hoặc đôi khi chỉ là kiểm tra sức khoẻ định kỳ, ít ai chuẩn bị tâm lý để nghe động từ “mổ”. Nhưng có những bệnh lý mà khi phát hiện ra, phương pháp điều trị được đề nghị là phẫu thuật. Có thể người bệnh cảm thấy lo sợ, nghĩ đến tình huống xấu, đôi khi suy sụp. Không chỉ vậy mà người thân của bệnh nhân cũng rất dễ bị ảnh hưởng tâm lý một cách nặng nề. Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu: mổ là cuộc đánh đổi một nguy cơ rõ ràng hoặc tiềm tàng với việc bệnh được điều trị triệt để hoặc ít nhất là những nguy cơ liên quan đến tính mạng được giải quyết ngay lập tức. Khi mà việc dùng thuốc hay các liệu pháp can thiệp không còn ý nghĩa hoặc không còn mang lại tiên lượng tốt hơn cho chất lượng cuộc sống trước mắt và lâu dài của bệnh nhân, việc phẫu thuật là lựa chọn thích hợp.
Những bác sĩ liên quan và quyết định tới kết quả cuộc mổ là: bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê, bác sĩ hồi sức và bác sĩ trực tiếp điều trị (trước và sau mổ – đôi khi là chính bác sĩ phẫu thuật – hay một bác sĩ có chuyên môn và trách nhiệm tương đương). Ngoài ra, đội ngũ giúp việc cho bác sĩ có vai trò rất quan trọng, tất cả sẽ làm việc theo một nhóm thực hiện việc mổ xẻ và luôn mong muốn đạt được kết quả tốt nhất.
Cuộc mổ nào cũng có thể gặp biến chứng
Đối với bác sĩ, sẽ không có cuộc mổ nếu như biết trước hay dự đoán biến chứng chắc chắn xảy ra. Bất kỳ cuộc mổ nào cũng có nguy cơ, tai biến, kể cả những cuộc mổ đơn giản nhất, thời gian mổ ngắn nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ của tai biến này là nhỏ và xác suất thành công của cuộc mổ thường cao hơn rất nhiều so với biến chứng.
Vì vậy, trước một quyết định đúng đắn của bác sĩ phẫu thuật, người bệnh nên chủ động tìm hiểu để có những thông tin thiết yếu về cuộc mổ, vì đó là những gì liên quan trực tiếp đến tính mạng người bệnh và cuộc sống của người thân.
Đừng ngại đặt câu hỏi
Trước khi đọc, nghe giải thích về cuộc mổ, rồi quyết định ký tên vào tờ cam kết phẫu thuật, người bệnh hoặc người thân bệnh nhân hãy biết cách bảo vệ quyền lợi chính mình và người thân bằng cách đặt những câu hỏi thiết yếu cho bác sĩ. Việc này giúp chính bản thân người bệnh được chuẩn bị tinh thần tốt, và cũng giúp các bác sĩ làm việc nghiêm túc và trách nhiệm hơn với bệnh nhân và đúng với đạo đức nghề nghiệp.
Ngày nay, phương tiện truyền thông rất phong phú và đa dạng đã giúp ích nhiều hơn cho người bệnh. Tuy vậy, bệnh nhân vẫn nên chọn lọc và đừng ngần ngại đặt câu hỏi cho bác sĩ trực tiếp điều trị mình về những thắc mắc chưa được giải đáp hay giải đáp chưa thoả đáng trước một cuộc mổ. Hãy là những người bệnh có trách nhiệm, biết yêu, biết nâng niu cơ thể và cảm xúc của chính mình bằng cách đặt câu hỏi cho bác sĩ. Việc này sẽ góp phần không nhỏ làm cho chất lượng điều trị bệnh ngày một hoàn thiện.
Với những câu hỏi của mình, thông tin người bệnh thu được sẽ giúp người bệnh hiểu hơn về cơ thể mình, tình trạng sức khoẻ hiện tại và chuẩn bị tốt hơn tâm lý cho cuộc mổ. Ngược lại, bệnh nhân và người thân cũng được bác sĩ đặt các câu hỏi liên quan đến cuộc mổ, từ đó lượng giá được nguy cơ bằng các thang điểm đã được in trong y văn và sử dụng rộng rãi trên thế giới, đồng thời dự đoán được tỷ lệ thành công của cuộc mổ.
BS.CK1 Bùi Hạnh Tâm
(SGTT)
Nên hỏi bác sĩ những gì?
Với bác sĩ phẫu thuật: Tại sao phải mổ? Nếu không mổ, có cách điều trị khác không? Mục đích cuộc mổ là gì? Sau khi mổ, kết quả cuộc mổ tốt nhất/ xấu nhất là gì? Trong và sau khi mổ có thể có biến chứng gì? Xác suất mỗi biến chứng là bao nhiêu? Tiến trình cuộc mổ diễn ra như thế nào? Chi phí thông thường cho cuộc mổ ước tính là bao nhiêu? Chi phí phát sinh trong trường hợp có biến chứng? Nguy cơ tử vong của cuộc mổ là bao nhiêu? Khả năng phải mổ lại là có hay không? Chi phí mổ lại được tính thế nào?
Với bác sĩ gây mê – hồi sức: Nguy cơ của gây mê là những gì? Xác suất của mỗi nguy cơ là bao nhiêu? Tiến trình bình thường của việc gây mê – hồi sức sau mổ diễn ra như thế nào? Nguy cơ tử vong do gây mê là bao nhiêu? Thời gian gây mê là bao lâu? Thời gian hồi sức là bao lâu? Ngay sau cuộc mổ, bệnh nhân phải đối mặt với những khó chịu gì? Sau khi ra khỏi bệnh viện, liệu những vấn đề liên quan đến gây mê còn tồn tại không, nếu có thì có hướng giải quyết hay không? Biến chứng của gây mê là gì? Xác suất là bao nhiêu?
|
Bình luận (0)