Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cấm kinh doanh bia, rượu sau 22 giờ: Có khả thi?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều ý kiến không đồng tình với gợi ý của Cục CSGT về đề xuất cấm kinh doanh bia rượu sau 22 giờ tại các thành phố lớn nhằm giảm tai nạn giao thông.

Nhiều ý kiến cho rằng, cấm kinh doanh bia rượu sau 22 giờ để giảm tai nạn giao thông là không khả thi, thiếu thực tế. Ảnh: T.A

Từ hôm qua (16-8), tại 4 thành phố lớn Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và Đà Nẵng bắt đầu tổ chức đợt cao điểm ra quân kiểm soát điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống bia, rượu. Theo đó, từ 16-8 đến 15-9, lực lượng CSGT tại 4 thành phố này lập chốt giao thông tại các điểm đen giao thông, đặc biệt là khu vực gần nhà hàng, quán nhậu thực hiện đo nồng độ cồn người tham gia giao thông. Đây cũng là hoạt động nhằm đảm bảo an toàn đi lại trong dịp lễ Quốc khánh 2-9.

Bước lùi của du lịch

Cục CSGT cũng đã chỉ đạo công an các thành phố lớn tham mưu UBND về việc cấm kinh doanh bia rượu sau 22 giờ. Lý do cục này đưa ra là người sử dụng bia rượu sau thời gian này sẽ gây mất an ninh trật tự, không làm chủ tay lái và gây tai nạn giao thông.

Dù mới chỉ là gợi ý, còn đang chờ lấy ý kiến của các cơ quan chức năng có liên quan nhưng ngay lập tức có những ý kiến trái chiều, đa phần cho rằng việc cấm kinh doanh bia, rượu sau 22 giờ là không khả thi. Ông Nguyễn Hữu Long, đại diện hệ thống một chuỗi nhà hàng tại TP.HCM ủng hộ CSGT tăng cường các biện pháp nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, trong đó có việc đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, cấm kinh doanh bia, rượu sau 22 giờ rất khó. Bởi một thành phố du lịch, năng động như TP.HCM, Đà Nẵng… rất cần hàng quán để phục vụ du khách về đêm.

Năm 2014, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín đã bác đề nghị của Phòng CSGT đường bộ đường sắt, Công an TP.HCM về việc cấm kinh doanh rượu bia sau 22 giờ. Theo đề xuất này, chỉ cho phép kinh doanh mặt hàng này ở một số điểm nhất định nhằm hạn chế tai nạn giao thông. Lúc bấy giờ, ông Tín cho rằng đây chưa phải là một giải pháp hay bởi chúng liên quan đến nhiều vấn đề khác.

Nghị định 46/ 2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ có hiệu lực từ 1-8 có nhiều lỗi bị phạt nặng. Theo đó, với nhóm vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển ô tô, tăng mức phạt từ 10-15 triệu đồng lên 16-18 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4mg/lít khí thở (mức 3), tước giấy phép lái xe 4-6 tháng. Riêng người điều khiển mô tô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn, mức phạt cũng tăng. Vi phạm ở mức 3 sẽ bị phạt 3-4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3-5 tháng.

Nhiều năm trước, Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) cũng đã có dự thảo đề xuất cấm bán rượu bia sau 22 giờ. Tuy nhiên, dự thảo này ngay lập tức đã gặp phản ứng mạnh từ một số cơ quan, ban ngành và người dân.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Trần Thảo Uyên (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: “Nhà hàng, quán ăn, tụ điểm ăn uống… được cấp phép hoạt động đến 24 giờ nhưng lại cấm kinh doanh bia rượu sau 22 giờ là không ổn. Việc cấm này ảnh hưởng rất lớn đến nhiều đối tượng đang hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng, quán bar, vũ trường… Không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn kéo theo du lịch”.

Xử phạt nặng: đủ sợ

TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM khẳng định: “Cấm kinh doanh bia rượu sau 22 giờ là một bước lùi của du lịch. Thực tế có nhiều vụ tai nạn giao thông do người điều khiển say xỉn, không làm chủ tay lái hay gây rối an ninh trật tự, song không vì thế mà cấm để ảnh hưởng đến các hoạt động khác. An ninh trật tự, tai nạn giao thông không chỉ xuất phát từ bia rượu mà còn từ nhiều nguyên nhân khác”.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình việc cấm nhưng có thể nới thời gian cấm lên đến 0 giờ đối với quán bar, vũ trường bởi với một “thành phố không ngủ”, thời điểm này một bộ phận người dân và du khách có nhu cầu ăn uống, giải trí.

“Quy hoạch phố nhậu đêm với những quy định cụ thể là thật sự cần thiết, lúc đó công tác quản lý và thực hiện các quy định liên quan hiệu quả hơn là cấm sau 22 giờ. Để làm được điều này, cũng cần phải có thời gian, tổ chức lấy ý kiến người dân, đại diện các cơ quan ban ngành”, TS. Nguyên đề xuất.

Khi CSGT TP.HCM nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm hạn chế tai nạn giao thông thì ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân cũng đã thay đổi tích cực. “Lượng khách vẫn ổn định nhưng bãi xe thì rất trống. Khách sử dụng phương tiện Uber, taxi, xe ôm… là chủ yếu, đây cũng là tín hiệu vui”, ông Long nói.

Đồng tình với ý kiến của TS. Nguyên, luật sư Uyên cho rằng giải pháp truyền thống và khả thi nhất để hạn chế tai nạn giao thông hiện nay vẫn là xử phạt nặng các hành vi vi phạm an toàn giao thông, như Nghị định 46/ 2016/ NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ 1-8-2016.

T.Anh

Bình luận (0)