Tòa soạnThư đi – tin lại

“Cầm nhầm” trong lớp học

Tạp Chí Giáo Dục

Có khi chỉ vì “thấy ghét” mà các dụng cụ học tập bị “cầm nhầm” trong lớp học (ảnh minh họa). Ảnh: I.T

Dù đó chỉ là cây bút, cây thước không đáng bao nhiêu tiền nhưng một số bạn cũng “chỉa” cho vào cặp. Những cái quan trọng khác như điện thoại, ví tiền, máy nghe nhạc… chỉ cần hở ra là mất ngay. Có bạn “cầm nhầm” vì cần tiền trả vài khoản nợ nhỏ ở quán game, lấy vì “thấy ghét” nhưng cũng có bạn chẳng thiếu thứ gì cũng… lấy.  
Thật mà như đùa
Nhung – học sinh lớp 9 Trường THPT T. Q.5 – TP.HCM có ba mẹ là giám đốc nên tiền xài lúc nào cũng thoải mái. Thỉnh thoảng rủ bạn bè đi trà sữa, ăn kem… Nhung bao hết. Sự thật là Nhung chẳng thiếu thứ gì, lại chơi khá “đẹp”. Nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần bạn nào khoe cái gì đó mới mua thì sẽ bị “bốc hơi” ngay. Những nạn nhân cũng bù lu, bù loa đi tìm. Đến khi xét cặp mơi tá hỏa lại là… Nhung. “Với Nhung, những thứ đó chẳng đáng là bao, không bằng tiền bạn ấy ăn một ngày nữa. Khi hỏi thì bạn ấy trả lời “tớ đùa thôi mà” rồi mang trả lại các thứ đã lấy” – Lan, bạn cùng lớp với Nhung cho biết!
Nguyễn Minh H. học tại Trường Tiểu học N., Phó Đức Chính, Q.1 cứ đi học về là trong cặp xuất hiện một “vật thể lạ” không phải của mình. Bữa thì cây bút máy, bữa thì cả cuốn vở trắng tinh đề tên người khác, bữa thì ví tiền (dù trong ví chỉ có vài ngàn tiền lẻ) của bạn bên cạnh. Lúc đầu, chẳng ai nghi ngờ Minh H. “cầm nhầm” những món đồ này cả. Ngay cả cô giáo cũng sốc khi thấy những món đồ bị mất nằm trong cặp của cậu. Thậm chí, đồ vật đó có ghi tên hẳn hoi. Vốn là con út trong gia đình khá giả nên cậu chẳng bao giờ thiếu nếu không muốn nói là dư thừa, nhưng cậu nhất quyết không trả lại. Mẹ Minh H. phải mua cái khác để đền lại.
Những kiểu “cầm nhầm” này khiến bạn bè trong lớp nghi kị lẫn nhau rồi xảy ra “chiến tranh”. Không hẳn “cầm nhầm”, chôm chỉa đồ của người khác đã là thiếu thốn. Đôi khi “cầm nhầm” là để thỏa mãn sở thích hoặc một thói quen nào đó đã được hình thành từ nhỏ. Tâm lí của một số bạn khi thấy những món đồ lạ, bắt mắt là muốn biến thành vật sở hữu của mình nếu không sẽ cảm thấy rất khó chịu.
Ứng xử sao cho đúng
Có ai từng nghĩ rằng một ca sĩ có mức thu nhập cao ngất ngưỡng như Briney Spear lại đi trộm vặt một cái đĩa nhạc? Một danh thủ của Manchester United là David De Gea danh tiếng với mức lương 18 triệu bảng lại đi “chôm” một cái bánh chỉ có 1,19 bảng Anh chưa?
Những “thủ phạm” này có khi chẳng bao giờ sử dụng đến các “tang vật” mà mình đã “đánh” hoặc quên ngay sau khi có được nó. Thực ra, đây là một căn bệnh gọi là chứng xung động ăn cắp hay là rối loạn hành vi – một hội chứng tâm thần có tên tiếng Anh Kleptopmania Addiction Symptoms. Các món đồ mà “thủ phạm” lấy thường là những vật nhỏ gọn, bắt mắt, dễ cầm. Họ lấy chỉ để cảm thấy mình là người sở hữu, không thì sẽ cảm giác bứt rứt khó chịu. Có người lấy rồi lại vứt đi hoặc mang cho người khác. Hành vi này xuất phát từ khi còn nhỏ, không được định hướng rõ ràng, lớn lên trở thành một thói quen xấu.
Như vậy, không đồng nghĩa với việc chúng ta dung túng cho các trường hợp “ cầm nhầm” đồ của bạn bè trong lớp. Những bạn mắc chứng “cầm nhầm” thật họ chỉ “su” các vật dụng nhỏ và thường có thái độ thành khẩn, sợ sệt, hối lỗi khi bị đưa ra ánh sáng. Ngược lại, những trường hợp “giả bệnh” thường chôm đồ có giá trị là tiền, đồng hồ, điện thoại… Khi “xét xử”, lại không có thái độ hối lỗi mà mặt mũi còn vênh váo, nghĩ lần này bị phát hiện là… xui. Đối với các trường hợp học sinh “giả bệnh” như thế thì phải nghiêm trị để răn đe. Khi giáo viên gặp trường hợp học sinh mắc chứng bệnh “cầm nhầm”, đừng vội kết luận bằng những từ “ăn trộm, ăn cắp”. Cũng đừng vội vã bắt học sinh ra trước lớp để xử cho công bằng khiến học sinh cảm thấy xấu hổ với bạn bè. Làm như vậy sẽ khiến cho “phạm nhân” càng trở nên tự ái, mặc cảm, bẽ mặt, khiến lối suy nghĩ càng trở nên tiêu cực hơn. Trước tiên, giáo viên cần khuyên học sinh trả lại đồ cho bạn. Khi nhận được sự thông cảm của bạn bè thì những bạn này tự ý thức được mình phải sữa chữa và rất ít tái phạm.
Phạm Quyên

Bình luận (0)