Nhà trường cần tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời để HS có cơ hội hiểu biết về thế giới xung quanh. Ảnh: N.Trinh
|
Thực trạng giáo viên (GV) dạy học sinh (HS) học theo văn mẫu thời gian qua đã được nhiều kênh thông tin phản ánh, điều này khiến cho những người làm giáo dục lo lắng, còn phụ huynh thì e ngại.
Thực ra, đối với HS tiểu học vốn từ của các em còn hạn chế, cách diễn đạt còn non nớt và hay rơi vào dạng văn nói. Do đó, nhiều em đã coi các bài văn mẫu như một giải pháp tình thế để cứu nguy mỗi khi cô giáo cho bài về nhà hoặc thi cử.
Chính vì lối học thụ động, đối phó và không biết cách chắt lọc ngôn từ nên nhiều HS đã cho ra đời những bài văn “bất hủ” làm cô giáo phải… mất ngủ. Ví dụ: Đề văn yêu cầu HS tả người mà em yêu quý nhất, có HS đã tả ông nội như sau: “Nhà em có nuôi một ông nội” – đây là “bản sao” của câu “Nhà em có nuôi một con mèo” như cách tả văn mẫu. Ở đây em HS này đã dùng từ sai văn cảnh dẫn đến câu văn dở khóc dở cười như thế này.
Không cho chép văn mẫu, thầy cô lại yêu cầu HS học thuộc văn của mình, nếu không sẽ bị điểm kém. Đó là kiểu áp đặt và ép các em vào khuôn khổ sáo rỗng. Đối với các em vùng nông thôn, tả một cảnh miền quê thật dễ dàng nhưng với các em sống ở thành thị, tả một con gà hay một vườn rau thì thật là khó khăn. Ví dụ: Trong sách Ngữ văn lớp 3 có hình ảnh hai bức tranh về lễ hội đua thuyền và đánh đu. Nhiều em đã phải lên Youtube xem lễ hội đó diễn ra như thế nào để viết đoạn văn vì các em chưa từng tham dự một lễ hội nào. Nhưng đó chỉ là cảm xúc “tưởng tượng”, làm sao các em có cảm giác thật khi là người trực tiếp đứng trong lễ hội đó để thấy được sự tươi vui, náo nhiệt của ngày xuân. Các em cũng không thể hiểu được vì sao các cụ già lại mặc trang phục xưa làm lễ cúng bái và trò chơi dân gian kia thú vị như thế nào? Với những em ở miền núi, vốn chỉ biết nương rẫy, đồi dốc thì trò chơi đánh đu và lễ hội đua thuyền cũng là một đề văn… khó.
Cảm xúc thật, rung động thật mới làm nên tố chất văn chương và là điều kiện quan trọng nhất để làm nên một bài văn hay. Nếu HS chỉ có “tưởng tượng” và viết sao cho “ngọt” thì bài văn ấy cũng chỉ ngừng lại ở cảm giác ảo và tri thức rỗng mà thôi.
Chúng ta đều thừa nhận rằng chính cách học “chay”, học theo rập khuôn, công thức, để kịp thi cử và chạy thành tích là những cách làm tổn hại đến tính sáng tạo của các em. Nếu toán, lý, hóa đòi hỏi các em phải có sự tính toán chính xác thì văn học đòi hỏi ở các em sự cảm nhận và rung động thật. Mỗi một HS đều có góc nhìn và cảm nhận riêng biệt thì tại sao lại bắt các em đi theo con đường mòn mà các em không hề thích?
Thiết nghĩ, nhà trường nên tổ chức nhiều hoạt động ngoài trời hơn nữa để các em HS có cơ hội hiểu biết hơn về thế giới xung quanh. Những trò chơi lễ hội dân gian cũng hoàn toàn có thể làm trong khuôn viên nhà trường để HS biết trân trọng, giữ gìn bản sắc đó. Hay những buổi dã ngoại tìm hiểu cuộc sống ở các vùng miền, để các em HS biết đồng cảm, chia sẻ và giúp đỡ đồng bào mình gặp hoàn cảnh khó khăn. Buổi học thực tế đó không chỉ nâng cao về tri thức mà còn giúp các em thêm yêu thương và gắn bó với xã hội.
Mỗi một hoạt động của nhà trường, kết hợp với buổi học tranh luận, hội thảo, chia sẻ những băn khoăn, cảm xúc của mình về chuyến đi vừa qua, chắc chắn sẽ giúp các em HS có cái nhìn thực tế, đúng đắn và rung cảm thực sự, bài thu hoạch của các em sẽ không còn làm thầy cô mất ngủ và phụ huynh thêm đau đầu nữa. Điều này cũng sẽ làm thay đổi phương pháp dạy học của thầy cô đối với HS, vì thầy cô không thể áp đặt HS phải nhìn thế giới bằng cảm quan của mình nữa, bởi các em đã có vốn sống, đã được trải nghiệm và làm chủ được ngòi bút của mình.
Đinh Thị Thanh Chúc
(phường Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Thay đổi phương pháp dạy học chính là biện pháp tốt nhất để môn ngữ văn không còn là nỗi ám ảnh của thầy cô và HS. |
Bình luận (0)