Ba mươi nhăm năm trước, đám cưới chưa bị cấm pháo. Âm thanh rộn ràng duy nhất và hơn hẳn bây giờ, đó là tiếng pháo.
Ngày 30.11 của ba mươi nhăm năm trước, năm 1973, là một sự kiện rất trọng đại với Bố Mẹ tớ: Bố tớ rước Mẹ tớ về làm dâu.
Ngày đó, Bố tớ đã thoát ly khỏi quê hương năm tấn, và làm anh công nhân ở khu Gang Thép Thái Nguyên. Mẹ tớ thì vẫn ở làng. Không hiểu sao, Bố tớ chọn ngày cưới lại đúng sau ngày truyền thống Công nhân Gang Thép có 1 ngày thôi. Mà Bố tớ là một cây văn nghệ khá cừ. Ngày 30 lấy vợ, xin phép tổ chức về từ 27, tổ chức không duyệt, vì "phải xong đêm hội diễn văn nghệ chào mừng 10 năm truyền thống đã". Ngày truyền thống Công Nhân Gang thép là 29.11, hội diễn văn nghệ vào đêm 28.1, khổ Bố tớ chưa!Bố tớ đành ngậm ngùi chấp hành mệnh lệnh của tổ chức. Ngày 28, chắc là Bố tớ như ngồi trên đống lửa, sốt ruột lắm mà chả làm thế nào được. Đến trưa thì được tin hoãn văn nghệ vì bom lửa chiến tranh ác liệt quá, thế là Bố tớ được tha, được về sớm hơn dự định những nửa ngày và một đêm.
Tổ chức đã cử người đèo bố tớ hơn trăm cây số từ Thái Nguyên về Thái Bình bằng chiếc xe máy hiếm hoi thời ấy, xe của con giai một vị lãnh đạo ở đó hẳn hoi nhé.
Bố tớ kể rằng, ngày đó, để mang 2kg chè Thái Nguyên về quê hỏi vợ, phải có giấy giới thiệu của tổ chức thì mới được mang về. Trước khi ký giấy giới thiệu, tổ chức còn mang hồ sơ gốc của Bố tớ ra xem xét, và ghi vào giấy là bố tớ chưa từng có vợ con, hiện đang độc thân, được về quê lấy vợ, và được mang kèm 2kg chè để hỏi vợ. Khi về quê rước Mẹ tớ, cùng với 2kg đã được đóng dấu của tổ chức, hành trang của Bố tớ còn đủ thứ giấy màu đã cắt hình, cắt chữ để dán trang trí phông cưới mà tự tay Bố tớ làm (Bố tớ khéo tay lắm!). Trong số phông chữ ấy còn có câu đối:
NHÀ MÁY TRỜI CAO ĐÀI HẠNH PHÚC
Cỗ cưới thì cũng thịt gà, thịt lợn nhà tự túc được. Đặc biệt là có món canh chuối. Ngày đó thế là sang lắm rồi. Quà mừng cưới ngày đó ai đến cũng mua đồ gia dụng thiết yếu như: nồi, xoong, chậu, chảo bột trẻ con, đồ chơi trẻ em…
Ba mươi nhăm năm trước, đám cưới chưa bị cấm pháo. Âm thanh rộn ràng duy nhất và hơn hẳn bây giờ, đó là tiếng pháo. Đúng nghĩa của câu "pháo đỏ rượu nồng".. Bố tớ bảo, có người đến nhà mừng tiệc cưới bằng một bánh pháo nổ ròn rã từ ngõ, trẻ con xúm vào nhặt pháo xịt, và háo hức khoe nhau… Nhẹ nhàng mà vui cực độ.
Đón dâu, đoàn nhà trai đến ngõ nhà gái, báo hiệu bằng một tràng pháo giòn giã. Pháo nổ càng to và đanh thì càng may mắn. Đáp lại, nhà gái cũng nổ một tràng pháo đón mừng, và chỉ khi nào nhà gái nổ pháo thì nhà trai mới được vào xin dâu. Các cụ ra dấu với nhau chỉ đơn giản bằng một tràng pháo vậy đấy.
Người con gái theo chồng, ngẩn ngơ nhìn xác pháo vương đầy mặt đất, vương đầy ngõ, và sụt sịt vì khói thuốc pháo lan tỏa khắp nơi. Nhà gái nhìn theo chân cô dâu bước trên xác pháo, rời cổng, ra ngõ, khuất sau bóng tre. Ngậm ngùi thương con gái… Mẹ cô dâu lại chép miệng: Mười hai bến nước…
Bây giờ thì anh trai tớ đã 33 tuổi rồi, Mẹ tớ đã nghỉ hưu sau những tháng năm miệt mài ở khu Gang Thép. Bố tớ vẫn đang tiếp tục cống hiến. Vượt qua bao nhiêu khó khăn, cùng cực của thời bao cấp, qua bao nhiêu nhọc nhằn khi ba đứa con khôn lớn, ăn học. Giờ mỗi khi nhấc máy gọi về nhà, câu nói hay gặp nhất của Bố Mẹ tớ, đó là: Bố Mẹ đang đi bộ thể dục (tối) hoặc: Mẹ đang nấu cơm, Bố đang làm vườn (ngày nghỉ), …
Ba mươi nhăm năm… Cảm ơn Bố Mẹ và bao điều không thể nói!
Bình luận (0)