Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cảm ơn cô giáo chủ nhiệm của con

Tạp Chí Giáo Dục

Giáo viên chủ nhiệm Trường Tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5, TP.HCM) đang rèn tư thế đưa tay phát biểu cho học sinh (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi

Con gái tôi đang học lớp 2, với một cô giáo chủ nhiệm khá trẻ, để lại cho tôi nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp.

Hồi chưa vào năm học, mới học hè thôi, danh sách lớp 1 chuyển lên có tên con tôi nhưng không thấy cháu đi học, ngay ngày học đầu tiên, cô đã gọi điện thoại hỏi. Sau khi biết con tôi nghỉ hè về quê với ông bà, không đi học, cô dặn: “Không học cũng không sao anh à! Nhưng có điều kiện thì gia đình nên ôn bài năm trước cho cháu, đừng để cháu mải chơi mà quên hết bài vở”. Sau kỳ nghỉ ở quê, tôi dắt con vào trường nhận lớp và làm quen với cô giáo, thấy thái độ cởi mở, gần gũi, thân tình của cô, tôi rất yên tâm. Đây là cảm giác không phải lúc nào tôi cũng có được, sau khi làm quen với khá nhiều cô giáo chủ nhiệm của các con – con gái lớn của tôi đã học lớp 6.

Vào năm học, trong lần họp phụ huynh đầu tiên, cảm giác tốt đẹp đó lại tiếp tục được lưu giữ. Cô rất lịch sự, thậm chí lễ phép xưng em với các phụ huynh, dù cô cũng không ít tuổi hơn phần nhiều phụ huynh trong lớp; cô tôn trọng phụ huynh không chỉ trong lời thưa gửi mà còn trong thái độ, ứng xử. Cô dặn dò tỉ mỉ từng chút một, từ việc vệ sinh, ăn uống đến việc sinh hoạt, học tập của các cháu, cả những việc cha mẹ nên làm để con cái học tốt. Cô cứ nhắc đi nhắc lại các câu: “Phụ huynh quan tâm giùm em…”, “Phụ huynh nhớ giùm em…”, “Phụ huynh làm ơn giúp em…”, cứ như việc dạy học cho các cháu chỉ là trách nhiệm của cô vậy! Cuối buổi họp, tôi nán lại gặp cô giáo một chút, nói rõ là con gái tôi khá nhút nhát nên mong cô tạo điều kiện cho cháu tham gia nhiều hoạt động của lớp, của trường, cả các hoạt động chính khóa lẫn ngoại khóa.

Có lẽ nhớ lời đề nghị của tôi, trong học kỳ I, con tôi được tham gia đội múa của lớp, thi với các lớp khác, biểu diễn trong lễ kỷ niệm Ngày 20-11, tham gia biểu diễn trên quận… Hôm nào tập múa, con gái về cũng lấm lem quần áo do phải quỳ, bò trên nền nhà, có bữa tím cả đầu gối, nhưng cháu rất vui. Đến ngày múa, vợ chồng tôi phải đi mua đồ theo yêu cầu, phải thuê đồ múa…, tuy hơi phiền một chút nhưng thấy con vui và nhất là cháu được trải nghiệm, được rèn luyện, chúng tôi cũng cảm thấy hạnh phúc. Ngoài ra, cháu còn được tham gia thi vẽ, thi giải toán qua mạng… Không phải cuộc thi nào con tôi cũng có giải nhưng quan trọng hơn hết là con tôi được dịp thể hiện năng lực của mình và thấy các hoạt động đó thực sự là niềm vui chứ không phải là “hành xác”.

Thấy bao điều, nghe bao điều, nghĩ bao điều, tôi đều thấy thực lòng rất cảm ơn cô giáo chủ nhiệm của con tôi!

Trong buổi họp phụ huynh học kỳ II, cô giáo cho biết cả lớp 48 cháu thì chỉ có vài cháu nhất định không chịu tham gia hoạt động gì, dù có nài ép thế nào! Trong số các hoạt động mà lớp tham gia, có không ít cháu trai tham gia cắm hoa, cháu gái tham gia kéo co… Như vậy, không phải con tôi mới được tham gia nhiều hoạt động mà các cháu khác cũng được quan tâm, hoàn toàn không có sự “ưu tiên” nào cả. Nhờ vậy mà phong trào của lớp đứng đầu khối. Trong buổi họp này, cô giáo cũng không quên dặn dò phụ huynh nhiều điều liên quan đến việc học của các cháu, bởi qua hơn nửa năm học, cô biết rõ những điểm mạnh, điểm yếu của từng cháu. Cô nhắc chung các phụ huynh nên thường xuyên kiểm tra việc học của con, thông qua việc nhắc nhở con học, xem và ký sổ báo bài; thường xuyên hỏi con về chuyện trên lớp để xem con nói về cô giáo, về các bạn như thế nào; thường xuyên nhắc nhở con về các biểu hiện chưa tích cực, cả trong việc chào hỏi, sinh hoạt, học tập…; thường xuyên tạo điều kiện cho con làm việc nhà, đừng để trẻ xem ti vi hay chơi điện thoại quá nhiều… Cô nói: “Trên lớp có đến 48 cháu nhưng em biết khá rõ đặc điểm của từng cháu, tuy nhiên chắc chắn cũng không thể nào biết rõ các cháu bằng chính phụ huynh. Vì vậy, nếu có những cái hay mà phụ huynh không kịp phát huy, cái dở mà phụ huynh không kịp nhắc nhở thì sẽ rất không tốt cho các cháu…”.

Cuối buổi họp, nhiều phụ huynh còn nán lại để mong cô nói thêm những điều cần lưu ý của con em mình mà trên lớp cô chưa tiện nói. Cô cũng mạnh dạn và thẳng thắn cho biết, có cháu thì còn rụt rè, nhút nhát quá; có cháu quá thiếu tự tin; có cháu hiếu động quá; có cháu chưa biết tự lập… Còn con tôi, cô cũng nói: “Cháu có vẻ tiểu thư quá!”. Các phụ huynh cũng chia sẻ với cô giáo điểm tốt, điểm chưa tốt của con mình và nhận được ngay những ý kiến chân tình. Câu chuyện rất sôi nổi, đến độ cô nói vui: “Nên thành lập câu lạc bộ phụ huynh đi, để chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy con cái!”.

Trong lớp các phụ huynh nói chuyện, tôi tranh thủ nhìn quanh lớp, trên tường, thấy có nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ GD-ĐT, của UBND TP, của Sở GD-ĐT… về các thành tích của cô trong nhiều năm qua, cả ở trường cũ. Tôi hiểu đây không phải là thứ để khoe, bởi chẳng thể khoe những điều đó với các học trò lớp 2! Tôi tin rằng, thay vì để ở nhà, cô mang vào lớp chính là để tự nhắc nhở, động viên mình luôn phấn đấu, luôn yêu trường mến trẻ để công việc trồng người đạt kết quả tốt nhất!

Nguyễn Minh Tâm (Thủ Đức, TP.HCM)

Bình luận (0)