Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Cảm ơn con của mẹ!

Tạp Chí Giáo Dục

Chị Tuyết bên người mẹ yêu quý của mình
Có nhiều câu chuyện xúc động tại hội thi Kể chuyện Gia đình hiếu học do Hội Khuyến học TP.HCM tổ chức vừa qua. Tôi ấn tượng về câu chuyện của chị Vũ Thị Kim Tuyết – thuộc Chi hội Khuyến học P.10, Q.Phú Nhuận.
Trong “nhật ký tự sự” của chị Kim Tuyết, mọi người thấy thấp thoáng bóng hình của người phụ nữ đơn côi biết níu vào tình thương của người mẹ để gắng gượng đứng dậy sau hạnh phúc tan vỡ bất ngờ. Đó cũng là hình ảnh người mẹ một thân một mình khuya sớm tảo tần vì tương lai của hai cô con gái thiếu hụt tình thương yêu của cha.
Gánh xôi đưa con đến trường
Con hẻm vào nhà chị Kim Tuyết trên đường Lê Văn Sĩ, P.10, Q.Phú Nhuận nhỏ đến mức chỉ vừa đủ một chiếc xe gắn máy đi. Thế nhưng, đây chính là không gian rộng lớn của cuộc đời người mẹ hơn 40 năm tảo tần bên gánh xôi khuya sớm…
Chồng mất sớm, má chị Tuyết phải sớm hôm bươn chải nuôi mấy đứa con còn nhỏ. Hồi đó chị đâu biết mỗi đêm má thức từ 2 giờ khuya để cặm cụi nấu xôi kịp giờ bán buổi sáng. Và chị cũng đâu hiểu những giọt mồ hôi của má nhỏ giữa đêm khuya mặn chát như thế nào. Bây giờ con cái đã trưởng thành, nếu như ở gia đình khác thì bà đã có một cuộc sống an nhàn, thế nhưng do hoàn cảnh con cháu quá ngặt nghèo nên bà không nỡ bỏ rơi. Điều đó làm cho chị vừa thương vừa cảm phục má. Nhiều đêm chị trằn trọc không ngủ được, càng nghĩ nước mắt buồn tủi cứ giàn giụa vì thấy mình có lỗi với mẹ già. Nhưng tình thương không phải là lòng trắc ẩn. Không muốn má khổ mãi nên chị tìm cách san sẻ với bà trong công việc. Dù phải nuôi con nhỏ nhưng chị vẫn cùng má đẩy xe ra đầu hẻm bán xôi vào mỗi sáng sớm. Vừa giúp mẹ, chị vừa trở thành người học việc từ thao tác vo gạo, nhặt đậu, đảo xôi… Chỗ dựa lớn nhất của chị chính là hai cô con gái luôn được bà ngoại bảo ban đến nơi đến chốn. Ba mẹ con chị lại có thêm sức mạnh và nguồn động viên tinh thần vô giá dù hàng ngày vẫn bữa rau bữa cháo. Nhiều đêm quá mệt không còn sức để dậy đi bán nhưng nghĩ tới hình ảnh hai đứa con gái vui mừng với những thành tích trong học tập, chị lại tìm cách gắng gượng đứng lên. Hình ảnh người mẹ tảo tần trong đêm khuya lại hiện về. Và lúc đó chị chỉ nghĩ, con cái là thứ tài sản quý nhất nên phải bằng mọi cách giúp con ráng học hành để có tương lai tươi sáng hơn.
Niềm vui không còn chờ đợi
Nhiều đêm quá mệt không còn sức để dậy đi bán nhưng nghĩ tới hình ảnh hai đứa con gái vui mừng với những thành tích trong học tập, chị lại tìm cách gắng gượng đứng lên.
Bây giờ mọi vất vả đã lùi xa dần. Chị Tuyết phấn chấn trong câu chuyện kể của mình: “Còn gì hạnh phúc hơn khi hai con đã hiểu những nhọc nhằn và lo toan mà tôi phải chịu đựng. Ngoài giờ học, hai cháu đã tự phân công nhau quét dọn, rửa chén, giặt đồ… Thật may mắn khi ông trời đã ban cho tôi hai đứa con vừa chăm chỉ học tập vừa biết vâng lời mẹ”. Thế nhưng, ít ai biết rằng trước đó con đường học vấn của con chị đã bị “ngắt quãng” khi gặp phải cú sốc lớn do ba mẹ chia tay. Từ một học sinh khá của Trường THPT Phú Nhuận, do bị chao đảo tinh thần, Như Quỳnh – con gái lớn của chị Tuyết – tưởng bỏ qua kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009. Thế nhưng, niềm an ủi từ bà ngoại và sự vỗ về của mẹ đã giúp em gắng gượng vươn dậy để vào Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM (hệ CĐ)…
Không như một số sinh viên cứ sống nhờ vào tiền chu cấp của cha mẹ, Như Quỳnh đã biết đi làm thêm để có tiền mua sách, mua xe đạp điện và giúp mẹ trả nợ dần. “Tôi luôn thấy nhẹ nhõm sau mỗi lần tâm sự với con, hai mẹ con tôi hiểu nhau như hiểu chính mình. Đối với con, tôi không chỉ là người mẹ mà còn là người bạn tri âm tri kỷ” – chị Tuyết chia sẻ. Chính vì thế mỗi khi nhắc đến con là chị không giấu được niềm hạnh phúc và ánh mắt rạng ngời: “Năm 2012, tôi đã trở thành người hạnh phúc nhất khi một lúc nhận cả 3 tin vui. Sau khi tốt nghiệp CĐ, Như Quỳnh đã thi đậu vào hệ liên thông chính quy của Trường ĐH Ngân hàng. Còn cô con gái út đã thi đậu vào lớp 10 Trường THPT Phú Nhuận và gia đình tôi được Hội Khuyến học trao giấy khen Gia đình hiếu học xuất sắc ba năm liền. Đã có lúc vui sướng tột cùng, tôi không kiềm chế được cảm xúc,  ôm chặt hai con vào lòng và nói: “Mẹ thật sự hạnh phúc, cảm ơn con của mẹ nhiều lắm!”. Không phải chờ đợi nhiều, niềm vui đã ngập tràn trong ngôi nhà chị.
Bài, ảnh: Nguyễn Hoàng Anh
Những lúc đối diện với gian khó trầm luân, chị Vũ Thị Kim Tuyết mới hiểu hết nghĩa chân thành của những trái tim bao dung giữa cuộc đời đáng tin cậy này. Đó là tấm lòng thảo thơm của các thầy cô Trường THCS Ngô Tất Tố dạy học miễn phí cho hai con chị. Đó là những khoản tiền cho vay, tiền miễn giảm học phí của Hội Khuyến học phường, quận và học bổng của Hội Khuyến tài đã cưu mang mẹ con chị vượt qua khó khăn trong cuộc sống của một hộ nghèo mà theo chị không biết bao giờ mới trả nghĩa hết… 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)