Trước kia, khi chưa từng đi xa nơi mình sinh ra, tôi chẳng có chút ý niệm nào về tình nguyện. Với tôi, quê tôi có lẽ là ngèo nhất rồi. Nhưng giờ đây, đi nhiều, biết nhiều tôi mới cảm nhận rõ ràng hai chữ “tình nguyện” và thực sự cảm ơn “những con người tình nguyện”
Ngày ấy, tuổi thơ tôi là những buổi đi học bằng đò ngang, nắng thì bụi, đá đất lởm chởm, mưa thì trơn trượt. Mấy đứa trẻ bọn tôi hì hụi nhau để lôi từng chiếc xe đạp lên một cái dốc (do người lái đò vạt những lát đất bãi bờ sông mà ra) đứng, trơn như dầu, bùn đất lấm lem kẹt cứng cả bánh xe, dưới chân dòng Mã đỏ ngầu cuồn cuộn. Qua được “cửa ải” này chúng tôi lại phải lên một chiếc đò ngang thô sơ để vượt dòng Mã. Nếu những hôm nước nhỏ thì không vấn đề gì nhưng đến khi nước lớn thì tất cả những người qua đò phải bám vào một sợi cáp được vắt ngang nối hai bờ sông để giữ cho đò khỏi trôi đi trên dòng nước lũ cuồn cuộn. Tôi không biết khi nào mình rơi xuống đó, cái dây cáp đang kéo căng kia liệu có bị đứt hay không? Người lớn luôn dặn chúng tôi là nếu có vật gì rơi xuống thì cấm đứa nào được với theo, xuống nước là không thể cứu nổi. Cái cảm giác ớn lạnh vẫn thường quấn lấy tôi kể cả khi đã lớn hơn và không còn đi qua đó nữa. Dòng sông đó đã từng cuốn bật gốc cây gạo to cỡ mười người ôm và nuốt trôi cả những chuyến đò chở học sinh cùng người thân trong những lần đi thi. Câu chuyện đó sẽ còn kể mãi với những người dọc hai bờ của nó.
Hình ảnh những em nhỏ ngày ngày vượt sông bằng bè như thế này vẫn còn nhiều ở nước ta |
Bao năm đi xa tôi đã không còn nghĩ nhiều đến những chuyện đó nữa cho tới một ngày tôi lên mạng và gõ…. Cái bè mỏng manh đang cõng những em nhỏ ấy nó không đủ sức chịu đựng dòng nước lớn, nó như treo mạng người trên sợi tóc… Hình ảnh tuổi thơ hiện về khiến tôi như kẻ đi trong ác mộng, ác mộng của chính mình. Vậy mà ở đây người ta dùng nó để cho học sinh di chuyển qua sông. Khi được hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời là biết làm sao bây giờ khi kinh phí xây cầu quá lớn mà không có tiền. Có lẽ tôi đã quá dài dòng. Hãy mở trang mạng youtube.com và xem di chuyển qua bè ở huyện Lang Chánh – Thanh Hóa mọi người sẽ hiểu rõ hơn những gì tôi viết. Vẫn biết còn đâu đó nhiều hoàn cảnh khổ hơn như vậy nhưng nếu không làm gì cả thì thật là… Cũng may thay có những nhóm sinh viên đang làm cái việc mà người ta gọi là “người vác tù và hàng tổng”, chính là những tình nguyện viên. Họ tới những vùng miền xa xôi của tổ quốc, nơi có những người nghèo cả năm lam lũ đang cố gắng để tết này có bánh, có thịt. Trong số những tình nguyện viên ấy có Nhóm sinh viên đồng hương Thanh Hóa năm nay “gác lại” việc ăn Tết vì còn bận lên Lang Chánh (một huyện có nhiều bản nghèo của tỉnh Thanh Hóa) để làm việc “thiên hạ lo không hết” đó là đem theo “tết” về bản làng. Chương trình này có tên là “Đông ấm xứ Thanh” (dongamxuthanh.vn). Chương trình được tổ chức trên cả nước, tuy không rầm rộ như các chương trình có sự bảo trợ của báo chí truyền thông nhưng chương trình cũng đi tới được đoạn cuối của nó. Quần áo, đồ dùng, tiền, và cả những khó khăn chưa hết cũng được tập hợp lại để chuẩn bị cho ngày lên đường 25/12/2011.
Những em nhỏ ở bản làng huyện Lang Chánh – Thanh Hóa phong phanh trong cái rét mùa Đông |
Không có quá nhiều thời gian, cô trưởng nhóm của chương trình tại TP Hồ Chí Minh – Lê Thị Lý “bầu”, chỉ nói với tôi: “đó là việc cần làm, có gì để nói đâu chị, sắp đến ngày lên đường rồi mà còn nhiều việc quá, em còn chưa tìm được cả xe chở đồ về đó này”. Cô trưởng nhóm cười tươi và cố nói thêm “vui lắm chị à”. Cũng mong rằng họ sẽ được giúp đỡ nhiều hơn thế nữa. Vậy là không có gì nhiều để viết về họ, thật kỳ cục là tôi vẫn muốn viết. Tôi được biết cũng chương trình này của năm 2010 ở Mường Lát họ đã làm khá thành công. Tôi còn có nhóm bạn ở trường Đại học Ngân hàng cũng đang lang thang khắp các nẻo đường “đi xin cho người” như vậy. Cô em gái đi mãi miết theo những tiếng gọi tình nguyện nhưng từ chối để tôi viết, bởi theo nó là điều bình thường không có gì lớn. Khép lại một năm với nhiều chương trình tình nguyện, những người trẻ, họ làm việc hồ hởi, không đòi hỏi, không kể nả. Tự thấy trong lòng dâng lên những cảm xúc mới lạ. Tôi cũng háo hức và muốn làm gì đó. Khi tôi muốn đi hiến máu nhân đạo, vì sợ cho sức khỏe của tôi mẹ đã nẹt tôi một trận nhớ đời nhưng khi tôi nói đem tiền cho chương trình “Góp đá” thì mẹ im lặng. Cuộc sống nghèo khổ đã tạo cho mẹ tôi tính kỹ càng và quý đồng tiền mình làm ra, nhưng tôi biết mẹ im lặng là đồng ý. Nhưng cái tự ti của một kẻ cho mình là người “chẳng có gì” đã làm tôi thực sự biến mình thành kẻ ngoài cuộc, có thế mới thấy cuộc đời còn nhiều thứ ý nghĩa hơn mình nghĩ. Tôi thấy vui cho cái vùng mà những người bạn tình nguyện sắp tới, vật chất có được là bao nhưng cái bụng thì ấm vô cùng khi được nhiều cái tình. Tôi đã không làm được gì hơn ngoài lời cảm ơn muốn nói với những người bạn tuyệt vời ấy và tôi cũng có quyền hy vọng với sự nhiệt tình đó sẽ có nhiều hơn một cây cầu, một con đường, một tình thương, và mơ một giấc mơ đẹp. Thế mới thấy làm điều mình thích và đem tới nụ cười cho người khác thật hạnh phúc. Cảm ơn các bạn, những người tình nguyện.
Bình luận (0)