Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Cảm ơn thầy!

Tạp Chí Giáo Dục

Nhạc sĩ Anh Bằng (phải) và nhạc sĩ Lê Dinh. Ảnh: H.T

Một mùa mưa nữa lại về. Cứ mỗi lần nghe tiếng mưa rơi, lòng tôi lại bồi hồi, xao xuyến với bao kỷ niệm đẹp của cuộc đời. Tôi bước chân vào con đường ca hát vào những ngày đầu mùa mưa năm 1967 và nhạc phẩm đưa tên tuổi của tôi đến với khán thính giả cũng xuất phát từ chủ đề mưa – Hai mùa mưa của nhạc sĩ Anh Bằng. Đã hơn 40 năm, nhưng mỗi lần nhắc đến bài hát đầy kỷ niệm này, tôi luôn nhớ về nhạc sĩ Anh Bằng, người thầy đã dìu dắt tôi những bước đầu tiên trên con đường nghệ thuật. Đầu năm 1967, với chiếc áo dài trắng đơn sơ của tuổi 16, tôi hồn nhiên tham gia cuộc thi “Tuyển lựa ca sĩ” do Đài Truyền hình Sài Gòn tổ chức. Kết thúc buổi sơ khảo, khi tôi đang đứng đợi người nhà đón về thì chú đến hỏi thăm và vui vẻ tự giới thiệu. Lúc ấy tôi mới biết đó là nhạc sĩ Anh Bằng – tác giả của những nhạc phẩm trữ tình mà tôi rất ngưỡng mộ như: Sầu lẻ bóng, Nhật ký của hai đứa mình, Nỗi lòng người đi… Với thái độ chân tình, nhạc sĩ xưng là “chú” và gọi tôi là “cháu”. Ngay giờ phút ấy, chú đã tạo nên trong tôi một tình cảm thân quen, tin tưởng. Chú khen giọng ca của tôi và khuyến khích tôi bước vào con đường ca hát. Với sự hướng dẫn của chú, tôi trau dồi thêm nhạc lý tại lớp nhạc Lê Minh Bằng (nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng). Rồi nhạc phẩm Hai mùa mưa ra đời, tôi may mắn được chú giới thiệu thu thanh bài hát này ở Hãng đĩa ASIA Sóng Nhạc và nhanh chóng được thính giả đón nhận. Từ đó, tôi nhận được lời mời của các hãng đĩa và tiếp tục thu âm nhiều sáng tác mới của các chú Lê Minh Bằng như: Hồi tưởng, Đổi thay, Mưa đầu mùa, Chuyện một đêm, Đa tạ tình đời, Chuyện ba mùa mưa… Trước khi thu một bài hát nào, chú Anh Bằng thường đến nhà tập nhạc cho tôi rất kỹ. Tính chú vui vẻ, hiền hòa, nên luôn được người thân trong gia đình tôi quý mến.
Thời gian cứ trôi, cứ trôi… nhưng sẽ không bao giờ phai mờ trong trái tim tôi sự quý mến khi nghĩ về thầy – nhạc sĩ Anh Bằng, người nhạc sĩ tài hoa đã viết nên những ca khúc trữ tình đẹp mãi với thời gian, chắp cánh cho tiếng hát của tôi nói riêng và cho nhiều thế hệ ca sĩ nói chung đến với tấm lòng thương yêu, mến mộ của quý khán thính giả. Lòng trân trọng của tôi không chỉ dành riêng cho thầy Anh Bằng, mà còn hướng về nhạc sĩ Lê Dinh và nhạc sĩ Minh Kỳ. Đó là ba người thầy trong nhóm Lê Minh Bằng đã hết lòng dìu dắt, nâng đỡ tôi những bước chập chững vào nghề. Khi MC Trịnh Hội từ Mỹ về Việt Nam liên lạc với tôi để thực hiện một đoạn clip ngắn cho DVD Huyền thoại Lê Minh Bằng, tôi rất vui và vô cùng xúc động khi được nói đôi lời dù ngắn ngủi nhưng đầy tình cảm với các chú, các thầy sau bao năm xa cách. Tôi đã học được ở các chú, các thầy cách sống chân tình và tôi tin tấm lòng chân thành của tôi sẽ được các thầy đón nhận một cách trọn vẹn dù tôi sống cách xa các thầy cả nửa vòng trái đất. Tôi rất cảm động khi được hai chú luôn quan tâm. Năm 2008, chú Anh Bằng có phổ nhạc bài Cảm ơn Phật (thơ Thanh Trí Cao) và đã tận tình gửi nhạc mẫu về Việt Nam cho tôi nghe trước khi thu âm. Dịp Đại lễ Phật đản năm đó, tôi đã hát bài Cảm ơn Phật với tất cả tình cảm trân trọng. Khi giới thiệu sáng tác mới của nhạc sĩ Anh Bằng với khán thính giả, tôi có cảm tưởng như chú đang ngồi đâu đây để lắng nghe tôi, tươi cười khuyến khích tôi tiếp tục đi trọn con đường nghệ thuật mà tôi đã chọn. Tôi thầm mong có một ngày rất gần, tôi được gặp lại chú, tay bắt mặt mừng, được ngồi gần chú, được chú dạo đàn tập cho tôi một bài hát mới, như ngày nào…
Ca sĩ TRANG MỸ DUNG
LTS: Sau bài viết “Tiếng hát liêu trai” Trang Mỹ Dung đăng trên Giáo Dục TP.HCM số 880, chúng tôi nhận được bài viết của nữ ca sĩ Trang Mỹ Dung hồi tưởng về người thầy đáng kính của mình – nhạc sĩ nổi tiếng Anh Bằng. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
 

Bình luận (0)