Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cấm phụ huynh hỗ trợ, trường sẽ rất khó khăn

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM tặng bằng khen cho ban đại diện cha mẹ học sinh các trường. Ảnh: Q.H

1. Trước hết Sở GD-ĐT TP.HCM rất tán thành việc Bộ GD-ĐT xây dựng và triển khai Điều lệ của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nếu so với điều lệ đã được Bộ GD-ĐT ban hành ngày 28-3-2008 thì nội dung Dự thảo Điều lệ mới không có thay đổi nhiều, chỉ bổ sung thêm mục 5 điều 10.
Qua thực tế tại địa phương, sở nhận thấy không thể phủ nhận được vai trò tích cực, to lớn của cha mẹ học sinh, đặc biệt là Ban đại diện cha mẹ học sinh trong công tác xã hội hóa giáo dục; càng không thể phủ nhận được vai trò tích cực của Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục. Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh đã góp phần làm cho hoạt động của một lực lượng giáo dục quan trọng này đi đúng hướng và phát huy tốt vai trò là cầu nối giữa cha mẹ học sinh với thầy cô giáo chủ nhiệm, giữa gia đình với nhà trường và xã hội.
Trên cơ sở đó, Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục thực hiện Điều lệ của năm 2008 và chỉ cần bổ sung thêm vài ý nhỏ nhưng khá quan trọng, đó là các đại biểu tham gia Ban đại diện lớp hoặc trường đều không chỉ tâm huyết với sự nghiệp giáo dục, không chỉ tự nguyện, tự giác xung phong tham gia Ban đại diện, mà hơn thế phải là người có hiểu biết về công tác giáo dục, phải tán thành mục tiêu giáo dục của nhà trường xã hội chủ nghĩa, phải nhất trí cơ bản với mục tiêu, biện pháp của nhà trường, phải vì số đông học sinh và quyền lợi của đa số bà con lao động. Tránh đưa vào Ban đại diện những phụ huynh có nhận thức, quan điểm giáo dục khác, có cá tính riêng biệt, có sự đối lập với đa số cha mẹ học sinh hoặc chỉ biết bảo vệ quyền lợi của con em mình. Những phụ huynh không có điều kiện về thời gian hoặc tâm huyết cũng không nên ép buộc hoặc cố vận động để có tên mà không có điều kiện phối hợp với nhà trường.
Đặc biệt, Sở GD-ĐT TP.HCM băn khoăn về những nội dung mới được bổ sung vào Dự thảo Điều lệ mới. Đúng là cần xác định các khoản không được quyên góp, đó là các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện. Còn việc vận động sự hảo tâm, sự tích cực của những phụ huynh có điều kiện, những tổ chức có tấm lòng giúp cho trường học nâng cấp trang thiết bị, đồ dùng dạy học hoặc động viên, khuyến khích khen thưởng thầy và trò là điều cần làm và phải làm. Hiện nay, vẫn tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa, vẫn khuyến khích “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, vì vậy kiến nghị xem lại nội dung ngăn cấm hoặc hạn chế việc đóng góp của nhân dân. Có thể hiện nay có những nơi “lạm thu”, thu chi không minh bạch gây khó dễ, gây sự bất bình và mất lòng tin trong nhân dân, tuy nhiên đó cũng chỉ là cá biệt, là số nhỏ trong số những đóng góp to lớn của các bậc cha mẹ học sinh đã đóng góp cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, vì thế không nên phủ định những nơi làm tốt, những nơi biết phát huy sức mạnh tổng hợp và đi đúng hướng, hợp lòng dân (hiện vẫn chiếm số đông).
Sở GD-ĐT TP.HCM kiến nghị Bộ GD-ĐT không đưa ra các khoản cấm cụ thể như nêu trong dự thảo, chỉ nên yêu cầu thu chi minh bạch, tự nguyện, công khai và được đại bộ phận phụ huynh tán thành.
2. Xin kiến nghị điều chỉnh, bổ sung một số nội dung cụ thể trong Dự thảo Điều lệ như sau:
– Khoản 5, điều 3. Tổ chức của Ban đại diện cha mẹ học sinh: “Ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận. Các nội dung thảo luận, thống nhất trong Ban đại diện cha mẹ học sinh được ghi trong biên bản cuộc họp. Cha mẹ học sinh có quyền không thực hiện đối với những nội dung chưa được thống nhất ý kiến trong cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh hoặc cuộc họp Ban đại diện cha mẹ học sinh”.
Đề nghị làm rõ tỷ lệ bao nhiêu thì được xem là chưa đồng thuận, chưa thống nhất ý kiến?
– Mục C, khoản 2, điều 8. Quyền của cha mẹ học sinh: “Từ chối mọi khoản ủng hộ khi được Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường đề xuất nếu bản thân không tự nguyện ủng hộ”.
Đề nghị điều chỉnh và bổ sung như sau: Mọi khoản ủng hộ do Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, Ban đại diện cha mẹ học sinh trường đề xuất được thu trên cơ sở tùy vào khả năng của mỗi người và không tính cào bằng.
– Điều 10. Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Những trường hợp tập thể cha mẹ học sinh lớp đầu năm tự trang bị cho lớp – phòng học (quạt, màn, máy lạnh, ti vi, loa…) thì phải thuộc tài sản nhà trường để tránh trường hợp tự tiện tháo gỡ, mang sang lớp – phòng học khác (khi học sinh chuyển lên học lớp trên được phân học tại lớp – phòng học khác).
– Khoản 5. Các khoản không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học.
Nếu cấm sự hỗ trợ của phụ huynh học sinh thì sẽ gây khó khăn cho hoạt động của nhà trường vì có những khoản chi không có trong ngân sách Nhà nước hoặc nếu có thì rất ít, không đủ chi cho các hoạt động như: “Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học… hỗ trợ các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường”.
Sở GD-ĐT TP.HCM
 LTS: Trước tình hình thu – chi “quỹ hội” chưa có sự chỉ đạo thống nhất xảy ra trong thời gian vừa qua, Bộ GD-ĐT vừa mới đưa ra Dự thảo Điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh. So với điều lệ đã được bộ ban hành ngày 28-3-2008 thì nội dung Dự thảo Điều lệ mới này không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, theo các sở GD-ĐT, có một số điều khoản quy định của bản dự thảo mới sẽ gây khó khăn cho hoạt động của nhà trường. Trong số báo này, Giáo Dục TP.HCM xin trích đăng những góp ý của Sở GD-ĐT TP.HCM cho dự thảo này…
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)