Nhịp cầu sư phạmGương sáng

Cảm phục hình tượng một người thầy

Tạp Chí Giáo Dục

Số phận nghiệt ngã đã khiến thầy trở thành một người gần như tàn phế, thế nhưng không cam chịu số phận, hơn 20 năm qua thầy vẫn miệt mài mang con chữ đến cho những em nhỏ nơi xóm nghèo. Đó là câu chuyện cảm động về thầy giáo Đỗ Trung Nghĩa

Thầy giáo Đỗ Trung Nghĩa (thôn Quyết Thắng 1- xã Xuân Bái – Thọ Xuân – Thanh Hoá) và các học trò của mình
 Lớp học cùng người thầy đặc biệt
Men theo con đường bê tông nhỏ ven xóm chài bên dòng sông Chu, chúng tôi tìm đến gia đình thầy Nghĩa. Điều đầu tiên chúng tôi bắt gặp là hình ảnh những em nhỏ đang ngồi ngoan ngoãn khoanh tay lên bàn và chăm chú nghe. Phía trước là hình ảnh thầy Nghĩa, một con người với đôi mắt sáng và khuôn mặt hiền hậu, đang nằm trên chiếc giường nhỏ và giảng bài. Cơ thể gầy yếu của thầy với xung quanh ngổn ngang là sách vở các loại, đôi chân và cánh tay trái đã teo lại và không thể cử động được vẫn đang cố nâng mình lên để giảng bài và nói chuyện cùng chúng tôi, đến nỗi hai bên vai thầy đã thâm tím lại.                       
Ngày nào cũng vậy, cứ chiều chiều các em nhỏ trong xóm lại cắp sách vở đến đây để học chữ, các em hầu hết là những em nhỏ trong xóm, có em mới 5, 6 tuổi nhưng cũng có em đã học lớp 3, lớp 4 rồi cả những em lớn hơn vì nhà xa hay vì hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục đến trường cũng đến đây theo học thầy. Thầy cho biết, có lúc đông lớp học có đến hơn hai mươi em.
Mấy chục năm nay cuộc sống của thầy phải gắn với chiếc giường này, nhưng thầy chưa bao giờ khuất phục số phận. Thầy vẫn dành hết tâm sức để dạy dỗ cho các em nghèo, ham học trong thôn
Ngày trước, thầy nói, lúc đông học sinh các em cứ phải đưa thầy ra ngoài sân, kê một cái bảng rùi với cái thước là cái cần câu thầy chỉ dậy từng chữ cho các em, mới đây được VTV tặng cho bộ bàn ghế để các em ngồi học nên cũng đỡ vất vả hơn.
Số phận nghiệt ngã
Nhìn hình ảnh thầy chăm chỉ say sưa dạy chữ cho lũ trẻ, ít ai biết rằng thầy phải chịu một số phận nghiệt ngã như thế.
Sinh ra trong một gia đình nghèo, cậu bé mang tên Nghĩa cũng lớn lên như bao đứa trẻ cùng trang lứa. Rồi một ngày một tai họa ập đến, sau một đem thức dậy, Nghĩa thấy các khớp xương của mình đau ê ẩm, ban đầu chỉ tưởng do trái gió trở trời nhưng sau mới biết là bệnh viêm khớp. Các khớp xương ngày càng to lên và xưng tấy.
Đó là vào những năm 64, 65, thầy Nghĩa ngậm ngùi nhớ lại, khi đó tôi đang học lớp bảy, trường vì chiến tranh mà phải di tán, trường xa ngày ngày bạn bè cứ phải chở tôi đi học vì căn bệnh ngày càng nặng hơn. Ông bà đưa tôi đi khắp nơi chữa đủ loại thuốc, hễ nghe thấy có ai mách là lại đưa đi, hết thuốc tây rồi lại tới thuốc nam, thuốc bắc nhưng kết quả thì vẫn không khá hơn và đến năm 80 thì bị liệt hẳn. Vậy là từ đó số phận thầy phải nằm yên một chỗ, mọi việc hầu như đều phải có người giúp đỡ.
Một người thầy đầy nghị lực với tấm lòng cao cả
“Cuộc sống phải nằm cả ngày một chỗ sinh ra chán nản, với những kiến thức đã học được từ thời còn là học sinh, ban đầu tôi gọi con cháu trong gia đình đến và dạy chúng học, thế rồi các cháu hàng xóm xung quanh vì không được đi học cũng đến và đứng nhìn, không đành lòng tôi cũng cho các cháu vào học luôn”, thầy Nghĩa kể. “Và thế là tiếng lành đồn xa mọi người trong xóm có con cháu đều đến gửi và nhờ thầy dạy học, vậy là cũng được hơn hai mươi năm rồi”.
Hiện tại, thầy sống cùng một người mẹ già đã 87 tuổi, đôi chân và cánh tay phải đã teo lại và không thể cử động chỉ còn cánh tay trái hàng ngày thầy vẫn phải tự lo cuộc sống cho mình và cho người mẹ già, nhìn xung quanh chiếc giường nhỏ là đầy đủ bát đũa, xong nồi và các vật dụng cần thiết khác cho sinh hoạt hằng ngày.
Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng đã hơn hai mươi năm nay, ngày ngày thầy vẫn cần mẫn dạy dỗ chỉ bảo từng con chữ cho các em nhỏ, thầy nói “cuộc sống là phấn đấu, còn sống thì tôi còn phải phấn đấu…”.
Mọi người ở đây không chỉ khâm phục thầy ở một con người đầy nghị lực mà còn cảm phục thầy ở tấm lòng cao cả.
Các em trong xóm đến đây học hầu hết là những con em nhà nghèo không có điều kiện, đến học thầy ai có lòng thì góp cho thầy 10 hoặc 20 nghìn học phí. Ai không có thì củ khoai củ sắn hay ít củi.
“Thầy Nghĩa tốt lắm, cả làng ai cũng quý thầy, con cháu gửi đến thầy dạy ngoan ngoãn lắm, thầy nắm tay từng em dạy viết và dù chỉ còn một tay nhưng thầy còn khâu áo cho các cháu nữa, thầy dạy nhưng không đòi công của ai bao giờ, ai có lòng thì góp một ít học phí khó khăn thì thôi, nhiều khi có người đến biếu quà, thầy còn cho các cháu”, chị Nguyễn Thị Bình – hàng xóm thầy Nghĩa cho biết.
Đã có rất nhiều những em được thầy dạy giờ đã trưởng thành, nhiều người đã học đến đại học, như gia đình chị Bình cũng có 3 cháu đã được thầy dạy, giờ thì một cháu tên Trang đang học đại học trong TPHCM, một cháu đang học nghề và một cháu đang học lớp 12.
Với những gì đã làm, mới đây thầy đã được Hội khuyến học và Sở giáo dục tỉnh Thanh Hoá tặng bằng khen vì cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Đó thực sự là một niềm vui lớn đối với thầy, một người thầy tật nguyền đã gắn bó mấy chục năm với công việc dạy cái chữ. 
Khi được hỏi về ước mơ của mình thầy chỉ nhẹ nhàng đáp “tôi chỉ mong sao được khoẻ mạnh để có thể tiếp tục dạy cho các cháu…”. Một ước mơ thật giản dị mà cao cả của một người thầy đặc biệt.
Chí Nam/Dan tri

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)