Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cấm sinh viên sử dụng internet bằng…dán băng keo ổ điện

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều sinh viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM sống trong KTX của trường (cơ sở 2, quận Thủ Đức) nói họ rất khổ sở vì không được nối internet vào phòng, các ổ điện trong thư viện trường bị dán băng keo khiến SV không thể cắm điện dùng laptop vào mạng.  
Sinh viên ở KTX “mù” thông tin 
Theo thư “kêu cứu” của nhiều sinh viên (SV) Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM gửi VietNamNet, từ nhiều năm qua SV sống và học tập trong KTX (nằm trong khuôn viên trường tại cơ sở 2, quận Thủ Đức) không thể mắc internet để phục vụ việc học tập, tìm thông tin trên mạng. 
“Trong khi SV các trường ĐH khác ở KTX được tự do kết nối internet thì chúng tôi muốn tìm tài liệu, làm thuyết trình phải ra ngoài tiệm. Nối mạng đã trở thành nhu cầu thiết yếu của SV thời công nghệ thông tin, vậy mà… Phòng 14 người có đến 10 cái máy tính, laptop nhưng chỉ vào mạng được khi ra quán cà phê có wifi” – Đ.T, SV Khoa Tín dụng, dãy nhà A bức xúc.  
Hộp thư góp ý ở KTX chỉ dùng khi SV báo bóng đèn, điện hư vì "có nói cũng vậy" – một SV cho biết. Ảnh: Thái Phương
Do nhu cầu học tập, SV tự nối mạng vào phòng nhưng Ban quản lý (BQL) KTX không cho. Đến tháng 2/2009, BQL đồng ý cho SV tự mắc internet, nhiều SV đóng tiền cho nhân viên của Công ty FPT, nhưng sau đó không thấy nhân viên công ty này đến vì BQL KTX đã… đổi ý (?). Nhiều phòng SV lỡ đóng tiền cũng chưa được trả lại.  
Trong khi ở KTX không được mắc internet, SV buộc phải vào thư viện – nơi có hệ thống wifi miễn phí để sử dụng thì cả thư viện ở cơ sở Tôn Thất Đạm (Q.1) và Hoàng Diệu (quận Thủ Đức) các ổ điện đều bị… dán băng keo kín khiến SV không thể cắm điện dùng laptop. SV nào muốn mang laptop vào thư viện chỉ còn cách sạc pin trước ở nhà cho đầy. 
Việc các ổ điện bị dán băng keo làm nhiều SV bức xúc chưa được tháo gỡ, quy định mỗi SV phải đóng phí thư viện 50.000 đồng/năm càng làm họ không bằng lòng. Loại phí này, năm học trước nhà trường thu 40.000 đồng nhưng năm nay tăng thêm 10.000 đồng. Theo nhiều SV, đây là một khoản thu không rõ ràng vì họ không nhận được bất kỳ thông báo nào từ nhà trường. Nhiều SV không bao giờ vào thư viện cũng phải đóng khoản tiền này. 
“Không biết số tiền đó dùng vào việc gì trong thư viện? Chỉ lớp trưởng các lớp tự thông báo đến SV lớp mình, thu rồi nộp về nhà trường. Trong khi SV lớp này đóng đầy đủ, lớp khác SV vẫn chưa nghe thông báo, thậm chí có SV còn dở chiêu chây ì với lập luận “chờ tốt nghiệp sẽ đóng cho xong nghĩa vụ để lấy bằng” – N.A, SV Khoa Tín dụng nói. 
Tiền phòng ở KTX tăng gần gấp 3 
SV dãy nhà K, KTX của trường phản ánh từ đầu học kỳ 2 năm nay, tiền phòng tăng lên chóng mặt trong khi chất lượng, cơ sở vật chất của phòng không thay đổi. 
Học kỳ 1, tiền phòng là 672.000 đồng/kỳ/SV nhưng đến đầu học kỳ 2, BQL KTX tăng tiền phòng lên… 1.750.000 đồng/kỳ/SV. Bình quân mỗi SV đóng khoảng 350.000 đồng/tháng, phòng 8 người.  
SV dãy nhà K đang phải chịu giá phòng "trên trời". Ảnh: Thái Phương
Nhiều SV nói rằng KTX Trường ĐH Bách khoa TP.HCM hiện đại nhất nước cũng chỉ 250.000 đồng/tháng. Vậy mà họ phải chịu tiền phòng với giá cao ngất trong khi giá phòng trọ ở khu vực quận Thủ Đức này khá “dễ thở”. 
“Ban đầu, BQL nói tăng tiền phòng sẽ nâng chất lượng phòng, có máy điều hòa, được nối mạng… nhưng đến giờ SV vẫn phải chịu cảnh có laptop nhưng phải ra tiệm internet hoặc tốn tiền ra quán cafe wifi tìm tài liệu” – L.A, SV Khoa Tài chính nói. 
Thư viện dán ổ điện lại để… tiết kiệm điện 
Về việc mắc đường truyền internet, ông Nguyễn Quốc Hùng, Trưởng ban quản lý KTX cho biết: “Chúng tôi đặt nhu cầu của 2.500 SV nội trú lên hàng đầu, do đó cần có thời gian tìm nhà cung cấp đủ uy tín, đảm bảo tính bền vững, lâu dài, đường truyền băng thông rộng”. 
Ông Hùng nói trong vòng 15 ngày nữa sẽ có hệ thống mạng cho SV sử dụng vì nhà trường đã tìm được đơn vị cung ứng mạng với nhiều dịch vụ như wifi, dịch vụ cung cấp máy tính có kết nối internet, phòng internet công cộng cho SV khó khăn… 
Về chuyện nhiều SV đã thỏa thuận và ký hợp đồng nối mạng riêng với nhân viên của FPT, BQL sẽ đề nghị bên FPT trả lại tiền cho các SV lỡ đóng. “Ngay cả BQL hoàn toàn không biết và chưa ký bất kỳ hợp đồng nào với FPT, chỉ có SV tự ý thỏa thuận và đưa tiền cho nhân viên của công ty này” – ông Hùng nói. 
Cũng theo ông Hùng, KTX có 328 phòng ở, không thể mắc một hệ thống như mạng nhện trên toàn bộ các khu nhà cấp 4 sẽ rất mất mỹ quan, an ninh mạng và kiểm soát nội bộ không đảm bảo. Hệ thống mạng sắp tới sẽ đi bằng các trạm thu phát, không phá vỡ kiến trúc của trường. 
Giải thích việc tăng giá tiền phòng dãy nhà K lên hơn 1,7 triệu đồng/kỳ/SV, ông Hùng cho biết sắp tới khu nhà K tầng trệt và tầng 1 sẽ cho SV không chính quy thuê để lấy tiền trang trải cho các dãy nhà xuống cấp khác (!?). 
Toàn bộ ổ điện đều được bịt kín băng keo. Ảnh: Thái Phương
Theo ông Hùng, phần lớn các khu trong KTX đều bị xuống cấp trầm trọng, hằng năm nhà trường phải chi rất nhiều tiền cho việc xây dựng và tu bổ các phòng xuống cấp. 
“Duy nhất dãy nhà K mới xây đẹp, thoáng mát nên hằng năm, 2.500 SV đổ xô xin vào ở làm cơ chế xin – cho xảy ra thường xuyên khiến BQL rất khó khăn trong việc xem xét. Do đó, chúng tôi buộc phải tăng giá để chấm dứt tình trạng quà cáp, xin – cho, đồng thời lấy số tiền này cho công tác nâng cấp các phòng xuống cấp” – ông nói. 
“Tăng giá phòng khu K lên gần gấp 3 lần để lấy tiền trang trải cho phòng ở các khu khác liệu có thuyết phục được SV?”. Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Giám đốc Trung tâm thư viện ĐH Ngân hàng giải thích về việc đóng 50.000 đồng/năm phí thư viện: trong cuộc họp cán bộ chủ chốt năm học trước đã thống nhất số tiền phải đóng là 40.000 đồng/năm. Còn năm nay, Phòng Tài chính tăng lên 50.000 đồng/năm nhưng chưa có thông báo cụ thể khiến SV thắc mắc (!). 
Riêng việc các ổ điện của thư viện bị… dán băng keo để SV không thể cắm điện dùng laptop truy cập wifi, cô Dung giải thích rằng do trường đề nghị cắt giảm một số khoản chi tiêu trong trường. “Bạn nào  đến cũng cắm laptop vào ổ điện, điện nào chịu cho nổi. Trường không thể trả chi phí cho SV cắm điện dùng laptop (!?)”. 
Nhiều SV thắc mắc: khoản phí 50.000 đồng/năm thư viện sẽ dùng vào mục đích gì vì SV đến thư viện học rất cần truy cập internet. Trong khi vừa không được cắm điện dùng laptop, SV lại phải trả 3.000 đồng/giờ nếu muốn lên internet tại hệ thống máy của thư viện (?). 
Thái Phương(Vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)