Tòa soạnThư đi – tin lại

Cấm sử dụng điện thoại ở các cây xăng: Chưa chuyển biến tích cực

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Người dân vẫn “vô tư” sử dụng điện thoại ở cửa hàng xăng dầu số 40, số 1B, đường Phạm Ngũ Lão, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1

Đã gần một tuần tính từ thời điểm  Nghị định 52/2012/NĐ-CP của Chính phủ về phòng cháy chữa cháy quy định cấm sử dụng điện thoại di động (ĐTDĐ) tại các cây xăng có hiệu lực (ngày 5-8), nhưng tại rất nhiều cây xăng ở nội thành cũng như ngoại thành TP.HCM, ĐTDĐ vẫn ngoài tầm kiểm soát.
Người phớt lờ, kẻ ngơ ngác
Thực tế cho thấy, ở một số cây xăng đến giờ phút này vẫn chưa có biển cấm hoặc thông tin gì liên quan đến quy định này. Những cây xăng đã có biển cấm thì chỉ mang tính hình thức, chưa thật sự có tác dụng tuyên truyền. Như vậy, bản thân của những đơn vị kinh doanh mua bán xăng dầu vẫn chưa có động thái tích cực trong công tác góp phần tuyên truyền thực hiện quy định của Nhà nước. Quan sát tại cửa hàng xăng dầu số 23, đường Công Trường Diên Hồng, Q.1 trong vòng 30 phút đã có nhiều trường hợp người dân vô tư sử dụng điện thoại. Điều đáng nói là không một nhân viên nào có động thái nhắc nhở. Cách đó không xa, phía trung tâm điều hành xe buýt, cửa hàng xăng dầu số 40, thuộc Công ty Xăng dầu khu vực 2 (đường Phạm Ngũ Lão, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1) cũng xảy ra tình trạng tương tự. Tại đây, các trụ bơm xăng đặt riêng lẻ, không chỉ người đến đổ xăng mà người đi bộ cũng ghé vào bóng mát từ mái che của cây xăng cũng như những chiếc dù di động thoải mái nghe và gọi. Sáng 7-8, tại cây xăng nằm trên đường Võ Thị Sáu (Q.1), nhân viên nhắc nhở khách đến đổ xăng khi người này rút điện thoại ra nghe. Khi bị nhắc nhở, động thái của anh ta là lùi 3 bước… rồi nghe tiếp. 
Ở các cây xăng nằm tại khu vực ngoại thành, tình trạng sử dụng điện thoại phổ biến hơn. Một nữ nhân viên cây xăng Thalexim Petro trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè) nói: “Từ 5-8, khách vào đổ xăng sử dụng điện thoại thì chúng tôi có nhắc nhở nhiều lần nhưng có trường hợp họ còn nguýt ngắn nguýt dài, thậm chí chửi thề nữa. Hôm 7-8, tôi nhắc nhở một thanh niên khi anh ta gọi điện thoại, anh ta liếc tôi rồi rồ ga cố tình cho bánh trước đè lên chân tôi. Tôi không nhanh thì đã gãy chân rồi”. Anh Nguyễn Hữu Thắng, quản lý cây xăng số 18 đường Phạm Thế Hiển, Q.8 cho biết: “Để thực hiện tốt Nghị định 52, cửa hàng chúng tôi có quy định cấm nhân viên không sử dụng điện thoại (nghe, gọi, chơi game…) khi đang làm việc. Khách hàng sử dụng điện thoại khi đến đổ xăng, nhân viên phải có trách nhiệm nhắc nhở và giải thích cho người dân hiểu”. Theo đó, từ ngày 5-8, cửa hàng này cử hẳn một nhân viên làm nhiệm vụ quan sát và nhắc nhở nếu khách sử dụng điện thoại. 
Đến thời điểm này, vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi rằng các vụ cháy, nổ cây xăng đã xảy ra không phải vì sử dụng ĐTDĐ. Đây cũng là lý do khiến không ít người xem nhẹ nguy cơ cháy nổ, cũng như xem thường luật pháp. Anh Nguyễn Chí Dũng, nhân viên phòng marketing cụm nhà hàng, khách sạn Quê Hương cho rằng các vụ cháy, nổ ở cây xăng có nguyên nhân do sử dụng ĐTDĐ hay vì một nguyên nhân khác không quan trọng, dù sao đề phòng vẫn hơn. Đó cũng là cách để lường trước thiệt hại về của cải, tính mạng.
Cần tuyên truyền nhiều hơn nữa
Bên cạnh một số quản lý cây xăng còn lơ là trong việc chấp hành pháp luật thì cũng có nhiều chủ cây xăng đã photo nghị định này kèm với biển cấm dán ở nơi dễ nhìn. Chủ các cửa hàng xăng cũng cho bôi đỏ những dòng về mức phạt. “Làm như vậy cũng là một kênh tuyên truyền hiệu quả trong người dân. Tôi mong rằng trong thời gian tới, các điểm bán xăng dầu cần phải truyên truyền mạnh hơn nữa theo hình thức này. Bên cạnh đó, để quy định khả thi thì cần thông tin nhiều lần/ ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng như radio, tivi, đài phát thanh và kể cả các bản tin của khu phố”, chị Nguyễn Thanh Dung (Q.3) chia sẻ.
Ông Võ Văn Vĩnh, hành nghề xe ôm ở Q.4 nói: “Mức phạt từ 2-5 triệu đồng khi sử dụng điện thoại ở các cây xăng là chấp nhận được, người dân hoàn toàn ủng hộ. Nếu so với mức độ thiệt hại về người và của (nếu có xảy ra) thì mức phạt này là còn thấp, chỉ lo công tác phát hiện, xử phạt không hiệu quả dẫn đến luật không khả thi”. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng mức phạt như thế là quá cao, khi bị phạt có thể bỏ lại điện thoại hoặc xe máy để thoát thân.
Ông Nguyễn Thanh Quyền, đại diện cây xăng số 5, P.An Lạc, Q.Bình Tân cho rằng, việc giám sát người sử dụng điện thoại tại các cây xăng không khó nhưng công tác xử phạt sẽ gặp nhiều khó khăn. Thực tế, không thể bố trí đủ người ở các cây xăng để làm công việc này. Theo ông Quyền, ý thức của người dân trong thực thi pháp luật còn rất kém. Hơn nữa, nghị định chỉ mới ban hành vài ngày, không phải người dân nào cũng nắm thông tin. “Nhiều trường hợp chúng tôi nhắc nhở và giải thích cụ thể về mức phạt từ 2-5 triệu đồng, họ trố mắt nhìn cứ như mình đang nói đùa. Còn những người đã biết về quy định này thì vẫn cố tình phớt lờ, cụ thể khi chúng tôi nhắc nhở, họ trả lời đâu có đứng gần trụ bơm”, ông Quyền nói. Để quy định này được thực thi nghiêm túc, nhiều ý kiến cho rằng trước khi thực hiện xử phạt cần phải có thời gian để người dân nắm rõ quy định cũng như thay đổi thói quen nghe và gọi điện thoại mọi lúc mọi nơi.
Bài, ảnh: Trần Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)