Tước quyền vào học ngay trong năm đó và tước quyền tham dự kỳ thi tuyển sinh ở 2 năm tiếp theo hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi không hợp pháp.
Đây là một trong những điểm bổ sung, sửa đổi trong quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ áp dụng từ năm 2009 mà Bộ GD-ĐT sẽ công bố trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, quy chế tuyển sinh năm nay sẽ có một số điểm thay đổi nhỏ so với năm 2008. Cụ thể: tại điều 2 của quy chế được sửa đổi, bổ sung như sau: Đối với các trường tuyển sinh ngành năng khiếu, tổ chức môn thi văn hóa và môn năng khiếu, các môn văn hóa thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, các môn thi năng khiếu thi theo đề thi riêng của trường. Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các khâu: ra đề thi, tổ chức thi và chấm thi các môn năng khiếu.
Tại điều 5 về đối tượng dự thi sẽ được sửa đổi cho rõ ràng hơn: “đối tượng dự thi là người đã tốt nghiệp trung học phổ thông theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và tương đương”.
Tại điều 33 của quy chế tuyển sinh về khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực tuyển sinh đối với các trường đóng tại vùng dân tộc thiểu số và các trường dành chỉ tiêu để đào tạo theo địa chỉ, các trường có nhiệm vụ đào tạo nhân lực cho địa phương được sửa đổi theo hướng giảm mức điểm ưu tiên chênh lệch giữa các đối tượng, khu vực ưu tiên so với qui định trước đây.
Cụ thể, mức điểm ưu tiên giữa các đối tượng chỉ được chênh lệch không quá 1,5 điểm, giữa các khu vực không quá 1 điểm.
Ngoài ra, quy chế cũng qui định rõ về xác định điểm trúng tuyển đối với các nguyện vọng các trường theo quy định: điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn nguyện vọng trước, bảo đảm tỉ lệ trúng tuyển hợp lý giữa các nguyện vọng; không hạ điểm trúng tuyển. Những trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét, quyết định.
Về công tác chấm thi quy chế cũng sửa đổi điều 10: “Cán bộ thực hiện việc dồn túi, đánh số phách bài thi không được tham gia vào tổ thư ký chấm thi và ngược lại”.
Nguyễn Hùng (Vietnamnet)
Bình luận (0)