Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cấm tình yêu tuổi học trò?

Tạp Chí Giáo Dục

Đọc bài viết của em M. – một học sinh lớp 11 – nói về tình yêu tuổi học trò, tôi suy nghĩ nhiều về những nỗi niềm của em: “… Mẹ đâu biết rằng bạn ấy đã giúp con thấy tự tin hơn vào bản thân. Cũng chính bạn ấy đã giúp con hứng thú hơn với những buổi đến lớp. Và cũng chính bạn ấy cho con thấy rằng con cần phải nỗ lực để trở thành một bác sĩ trong tương lai. Tình yêu học trò đâu có lỗi mà sao mẹ vẫn hết lời răn đe, cấm cản con như thế?”.
Những lời tâm sự của M. trong bài Mẹ ơi, đừng răn đe con như thế! đủ để những bậc làm cha làm mẹ, kể cả thầy cô giáo phải suy nghĩ về việc cấm yêu ở tuổi học trò. Là một người thầy, tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc cấm yêu ở tuổi học trò, đơn giản vì tôi cũng từng là học sinh, từng có những rung động đầu đời…
Tình yêu tuổi học trò là sự rung động đầu đời của trái tim. Mà lời nói từ trái tim thì làm sao ngăn cản được nếu đó là thứ tình cảm trong sáng, cao thượng. Tình cảm ấy sao phải bị cấm đoán? Chúng ta biết rằng, trong môi trường xã hội nói chung và trong môi trường giáo dục nói riêng cần phải có những luật định, những điều cần nghiêm cấm, đó là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, có những điều cấm không phù hợp thì sẽ gây ra những mặt trái của nó, đôi lúc lại đem đến những hậu quả xấu.
Với tình yêu tuổi học trò, phụ huynh hãy lắng nghe các em chia sẻ hơn là cấm đoán. Làm cha làm mẹ, ai mà chẳng muốn con mình chăm ngoan, học giỏi. Nhưng khi con biết yêu lại cấm mà không tìm hiểu kỹ động cơ, ngọn nguồn. Có rất nhiều trường hợp, từ cậu học trò lười học, ăn mặc bê tha, hay nói tục, đánh nhau…, khi biết yêu, cậu học trò ấy đã thay đổi thành một người gương mẫu, chăm chỉ học tập; có cô học trò thường ngỗ nghịch, chanh chua…, khi biết yêu đã trở thành cô gái dịu dàng, chỉn chu… Đó là mặt tốt, mặt đáng khen, sao phụ huynh không suy xét cho kỹ và ủng hộ tình yêu ấy mà chỉ nghĩ một chiều – yêu sẽ ảnh hưởng xấu tới việc học, yêu không đúng?
Là một người thầy, tôi không cấm và cũng không khuyến khích học trò yêu. Khi biết trái tim của học trò lỗi nhịp, tôi thường định hướng các em những cái hay, cái đẹp, cái tốt để tình yêu đầu đời mãi là tình cảm khó phai. Tôi dạy: “Từ những học trò chăm ngoan, học giỏi, khi yêu mà học hành sa sút, tinh thần bất ổn… thì cần xem lại. Yêu như vậy không nên yêu làm gì. Từ những học trò học yếu, tác phong chưa tốt…, khi yêu trở thành người tiến bộ thì điều đó đáng khen, đáng khuyến khích”.
Có rất nhiều trường hợp tình yêu tuổi học trò đã chắp cánh cho các em học giỏi hơn, đẹp hơn trong mắt mọi người. Đừng để “có lẽ không có gì khổ hơn khi con biết mình không làm gì sai mà vẫn chấp nhận sự cấm cản của mẹ. Con không nghĩ thích một người là sai” như nỗi lòng của em M. trong bài Mẹ ơi, đừng răn đe con như thế!.
Thái Hoàng
(Giáo viên Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM)

Bình luận (0)