Xe tự chế vẫn là phương tiện thu gom rác hữu ích trong những khu dân cư nhiều hẻm và đường nhỏ
|
“Đến hết tháng 8-2014, bảo đảm không còn phương tiện thu gom, vận chuyển rác 3, 4 bánh tự chế hoạt động trên địa bàn TP.HCM nhằm bảo vệ môi trường và đảm bảo ATGT”. Đây là một nội dung trong dự thảo chỉ thị về tăng cường công tác quản lý lực lượng thu gom rác dân lập trên địa bàn TP.HCM do Sở Tài nguyên – Môi trường thực hiện.
Lo mất việc, lo không có cái ăn, không biết sẽ kiếm sống bằng gì… là những ưu tư mà người lao động nghèo hiện hành nghề thu gom rác bằng phương tiện xe tự chế luôn canh cánh đêm ngày, trước thông tin xe tự chế sẽ bị cấm sử dụng triệt để.
Bấp bênh “đời rác”
Quê ở Tây Ninh không có một mảnh đất cắm dùi, không có cái chữ, nên hai vợ chồng anh Ngô Minh Sang lặn lội vào TP.HCM thuê nhà trọ kiếm sống bằng nghề thu gom rác. 20 năm qua, anh chưa từng một lần gây va quẹt hay gây TNGT cho dù đã dùng qua nhiều phương tiện như xe ba gác đạp, xe ba gác máy và bây giờ là xe tự chế để thu gom rác thải. Gây tai nạn hay không theo anh Sang là do bản tính và sự cẩn trọng của mỗi người. Và cho đến lúc này, vợ chồng anh Sang lo đến mất ngủ vì tới cuối năm nay “xe tự chế sẽ bị cấm hẳn”.
“Bây giờ cũng không biết làm sao luôn” là câu cửa miệng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần, cho thấy cái bối rối trong tâm can của người đàn ông thuộc HTX Vệ sinh môi trường quận Bình Thạnh. Sống hơn nửa đời người, cho đến lúc này vợ chồng anh Sang chưa có được mái nhà. Tuy nhiên, điều anh Sang lo lắng nhất lúc này là món nợ của cái xe tự chế cũ nhưng mới mua năm ngoái vẫn còn chưa trả hết. Chiếc xe này vợ chồng anh gắng gượng vay mượn họ hàng để mua sau khi chiếc xe ba gác máy bị cấm sử dụng vào thời điểm 2 năm trước. “Chiếc xe này bị cấm nữa là coi như cả nhà chết đói. Cùng cực lắm mới phải làm cái nghề này. Chúng tôi tuy không biết chữ nhiều nhưng cũng biết luật, nhưng thực tế việc sắm xe tải để lưu thông như quy định của Nhà nước thì thật sự ngoài khả năng của gia đình tôi rồi”.
Đủ chiêu “ứng biến”
Ông Chín Còi, một nhân viên thu gom rác ở HTX Thống Nhất cho hay đa phần nhân viên thu gom rác trong HTX này đều là người tứ xứ trôi dạt về đây kiếm cái ăn. Phần đông họ vẫn dùng xe tự chế là phương tiện duy nhất để thu gom rác thải. Một số ít vẫn còn dùng xe ba gác máy vì đã lỡ đầu tư “tất cả tiền của” để gia cố nó thành một chiếc xe cứng cáp.
Để đối phó với lệnh cấm, những người lao công nghèo lưu thông bằng xe ba gác chủ yếu đi thu gom rác vào giấc 1-2 giờ sáng. Cũng có những người không dám đi khuya, thì hoạt động vào ban ngày với một chiêu thức khác: Tháo bớt phần đuôi gắn máy để trở thành xe… 2 bánh và đẩy bộ. “Có người đẩy xe rác đi bộ 4-5km, Nhà nước cấm xe ba gác máy, cấm xe 3, 4 bánh tự chế, chứ có cấm xe 2 bánh đâu. Họ tuy không biết chữ, nhưng trong hoàn cảnh đó cũng phải nghĩ ra cách xoay xở để tồn tại”, ông Chín Còi nói như minh oan hộ cho những “đồng nghiệp” cùng cảnh ngộ.
Ông Hoàng – nhân viên 53 tuổi cho biết: “Tất cả các quận huyện nội hay ngoại thành ngoại trừ các đường lớn và các khu trung tâm đều có lực lượng vệ sinh của thành phố, còn những nơi nhiều hẻm và đường nhỏ đều do tư nhân làm. Nếu muốn làm đến nơi, Nhà nước nên buộc các chủ thầu phải trang bị xe 4 bánh. Còn chúng tôi toàn dân làm thuê, kiếm miếng ăn bữa no bữa đói, làm sao có khả năng “chuyển đổi” phương tiện hành nghề theo như quy định. Nhưng mà ngặt nỗi, dân làm rác phần nhiều là không biết chữ hoặc trình độ học vấn rất thấp, làm sao đủ điều kiện học lấy bằng lái xe 4 bánh. Một lý do lớn nữa cho thấy lệnh cấm không phù hợp vì thành phố này hẻm quá nhiều, nếu không có xe tự chế thì không có cách nào thu gom nổi một lượng rác thải khổng lồ ở các khu vực này. Tôi đã từng chứng kiến có nơi xe tải bị hư, thế là nhà dân, đường phố ngập ngụa trong mùi hôi thối của rác và ruồi nhặng. Thử hỏi như vậy, có còn cách nào vận chuyển rác tối ưu hơn xe tự chế hay không?”.
Nói đoạn người đàn ông vén gấu áo còn vấy nước rác lên lau trán, xong ông ráp xe gắn máy vào thùng rác rồi từ tốn “lên ga” trở về nhà, bỏ lại sau lưng những tiếng bàn tán xôn xao của nhiều người cùng cảnh ngộ về một dự đoán tiên liệu cho ngày lệnh cấm xe tự chế thực sự có hiệu lực. Ngày đó đang đến gần, và trong thâm tâm những người lao động nghèo, vẫn đang ngổn ngang những mối lo vô định.
Bài, ảnh: Bích Vân
Nói về vấn đề cấm xe tự chế lưu hành, ông Chín Còi, người đàn ông có thâm niêm gần 30 năm thu gom rác thải cho rằng: “Lệnh cấm như thế là không hợp lý và không thỏa đáng. Trước đây, cấm xe ba gác máy vì nói rằng tài xế ngồi lái từ phía sau mà rác lại chất đầy thì hướng quan sát không tốt, nhiều nguy cơ gây TNGT. Còn bây giờ nhiều người đã dùng xe kéo, tài xế ngồi phía trước, có còn hạn chế gì đâu mà lại cấm”. |
Bình luận (0)