Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Cảm xúc ngày chiến thắng

Tạp Chí Giáo Dục

Cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính
Mỗi người một mặt trận, cùng vượt qua gian khổ chiến đấu để đi đến một ngày toàn thắng. Cảm xúc của những người góp phần làm nên đại thắng 40 năm trước vẫn vẹn nguyên…
Tác giả những bức ảnh “chảo lửa” Quảng Trị
Người mà chúng tôi nói đến là cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính (Báo Quân đội Nhân dân). Ông là phóng viên chiến trường đầu tiên có mặt tại chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971 và cũng là tác giả của hàng loạt bức ảnh sống động nơi “chảo lửa” Quảng Trị năm 1972, như: Đánh chiếm căn cứ Đầu Mầu (31-3-1972); Nụ cười chiến thắng (15-8-1972); Nắng dưới lòng đất… Chứng kiến cuộc chiến đầy gian khổ nhưng quân và dân Quảng Trị vẫn quyết tâm đánh thắng kẻ thù, ông nhận thấy mình cần phải ghi lại nhiều ảnh hơn nữa để ca ngợi tinh thần quả cảm ấy. “Đường đất đỏ gặp trời mưa xuống nhão nhoẹt, lội quá nửa bắp chân quãng đường gần 20km. Lúc mệt vì đói và khát, chân nhấc không lên, tay cầm gậy gục ngủ bên đường chừng 5-10 phút rồi đi tiếp cho kịp. Đôi chân trần đi dưới mưa bom bão đạn. Đường đi đã khó, lại phải vác súng, ba lô và quan trọng nhất là những cuốn phim quý giá nên phải giữ kỹ. Nếu không may bị bom thì những cuốn phim kia vẫn còn nguyên vẹn”, cựu phóng viên nhớ lại ngày tháng ông băng rừng lội suối mang phim về tòa soạn.
Hơn 40 năm nay, bằng mọi cách, ông ngược xuôi Bắc – Nam tìm lại những nhân vật trong số hàng ngàn bức ảnh mình lưu giữ để gửi tặng họ như một món quà. Đó là những o, những mẹ, những người lính tuổi đôi mươi… Tuy nhiên, qua thăng trầm thời gian, người còn người mất hay có người đã vĩnh viễn nằm xuống trên con đường giải phóng miền Nam ruột thịt. Rồi ông âm thầm tìm đến mộ họ thắp nén hương, đặt bức ảnh của người đã khuất như lời tri ân. “Họ là những đồng đội đã kề cạnh, chở che tôi trong những ngày đêm tác nghiệp ở Thành cổ Quảng Trị”, giọng ông nghẹn ngào. Trầm ngâm hồi lâu, ông tiếp: “Tôi cố gắng sắp xếp thời gian đến dự các buổi họp mặt nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, hy vọng tôi sẽ gặp lại ai đó…”.
Trung tướng Lê Nam Phong – Tư lệnh Sư đoàn 7

Trung tướng Lê Nam Phong
Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2, nay là ĐH Nguyễn Huệ – vị tướng xông pha trận mạc từ chiến trường Điện Biên Phủ đến chiến thắng lịch sử 30-4-1975. Ở chiến trường miền Nam, với tinh thần chiến đấu quả cảm, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 3 (Sư 9) Lê Nam Phong lại khiến Mỹ phải khiếp sợ. Dày dạn kinh nghiệm trận mạc, cộng với tài thao lược, Lê Nam Phong trở thành Tư lệnh Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4), chỉ huy đánh chiếm Xuân Lộc – Đồng Nai mở đường cho các cánh quân tiến thẳng đánh chiếm Sài Gòn. Đơn vị của ông vinh dự cắm cờ chiến thắng trên Dinh Độc Lập. “Từng trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh lớn từ Tây Bắc đến Chiến dịch Hồ Chí Minh nhưng trong đời tôi, cảm xúc nhất vẫn là trận thắng lịch sử Điện Biên Phủ và chiến thắng 30-4-1975. Khi Sư đoàn 7 của tôi đánh chiếm thị xã Xuân Lộc (nay là thị xã Long Khánh), chúng tôi tiến thẳng giải phóng Biên Hòa rồi về Sài Gòn với khí thế rạo rực cắm cờ trên Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất – PV). Nhìn dòng người đổ ra đường hân hoan vui mừng chiến thắng, tôi rơi nước mắt. Lúc này tôi mới nghĩ đến gia đình, đồng đội…”.
Nữ biệt động Nguyễn Thị Mai
Sau 1975, nữ biệt động Nguyễn Thị Mai (Biệt động Sài Gòn – Gia Định, Đơn vị 90C) trở về với cuộc sống đời thường. Ít ai biết rằng, bà Mai – chủ lò bánh các loại của người Quảng Nam nức tiếng ở khu chợ Bà Hoa (Q.Tân Bình) – lại là một nữ chiến sĩ biệt động từng vào sinh ra tử. Nhà đèn Thủ Đức, rada Phú Lâm, trại giam Chí Hòa… là những mục tiêu mà bà Mai đã từng đánh trong các đợt tổng tiến công Mậu Thân. Bà vinh dự được nữ tướng Nguyễn Thị Định tặng khẩu K54 trong ngày dự Đại hội chiến sĩ thi đua miền. Sức khỏe bà hiện rất yếu bởi nhiều di chứng tra khảo. Mong mỏi lớn nhất của bà là được sẻ chia với những đồng đội có hoàn cảnh éo le, cần được giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần.

Nữ biệt động Nguyễn Thị Mai
Những ngày miền Nam sục sôi với những cánh quân tiến về giải phóng Sài Gòn, bà Mai bồng con nhỏ mới vài ngày tuổi từ Bến Súc (Bình Dương) ra căn cứ Sư đoàn 9 để được về Sài Gòn cùng tận hưởng niềm vui chiến thắng. Xe của Sư 9 tiến về Sân bay Tân Sơn Nhất đúng vào trưa 30-4-1975. “Lúc đó tim tôi như nghẹt thở, một niềm vui khó tả. Khắp các ngả đường, người và cờ giải phóng phất cao. Đơn vị 90C của Biệt động Sài Gòn – Gia Định tự hào đóng góp một phần công sức cho ngày đại thắng ấy”, nữ biệt động Nguyễn Thị Mai tâm sự.
Đại tá tình báo Tư Cang
Đến ngày 30-4-1975, Đại tá tình báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Tàu (tức Tư Cang) đã xa vợ đúng 29 năm. Ngày vui chiến thắng, ngày vui đoàn tụ, gặp lại vợ con, ông đã lên chức ngoại.
Cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, ông lại trải qua 21 năm trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Từ chiến trường Bà Rịa đến chiến khu Rừng Sác, rồi mất 7 năm tập kết ra Bắc. Năm 1961, ông vượt Trường Sơn đúng 100 ngày trở về Nam. Những tưởng sẽ có phút giây sum họp gia đình, nhìn mặt con nhưng vừa đến Biên Hòa lại nhận nhiệm vụ mới. Nhớ vợ con quay quắt nhưng vì lưới tình báo, ông đành tạm gác chuyện gia đình…

Đại tá tình báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang Tư Cang
 
Mới đó mà đã mấy mươi năm, ông đã đi qua cuộc chiến nhưng lại không nghĩ rằng cuộc chiến kéo dài đến thế. Chiến tranh, chia ly, chết chóc…, nước mắt ông chực trào. Ngày trở về, ông đã ở cái tuổi 48, cái tuổi đã đi qua quá nửa đời người, lại mang thương tật với tỷ lệ 61%. Đó cũng là lý do ông không thể có thêm một người con nào nữa. Ông lại cười, mắt long lanh: “Đời chinh chiến mà”.
Bài, ảnh: Trần Anh
 

Bình luận (0)