Khoa học - Công nghệPhát minh khoa học

Camera Thiên Niên Kỷ: chiếc camera phơi sáng trong 1.000 năm để ghi lại biến đổi khí hậu

Tạp Chí Giáo Dục

Không chỉ là một nỗ lực về công nghệ, những chiếc camera này nếu có thể tồn tại sẽ giúp những thế hệ sau hiểu được tác động của biến đổi khí hậu lên con người chúng ta.
Biến đổi khí hậu được xem là thách thức quan trọng nhất mà loài người chúng ta từng đối mặt, nhưng mức độ rộng lớn của vấn đề và quy mô thời gian có thể làm con người khó mà nhận thức được diễn biến của nó.
Chính vì vậy, một nghệ sĩ, người tự nhận mình là một người theo "triết lý thực nghiệm", Jonathan Keats đã thiết kế nên một thiết bị ghi hình không có ống kính hay camera pinhole, để ghi lại một bức ảnh với thời gian phơi sáng 1.000 năm ở hồ Tahoe, thuộc biên giới California và Nevada. Ông hy vọng chiếc camera này sẽ giúp con cháu chúng ta hiểu được biến đổi của khí hậu và giúp con người hình dung ra tác động dài hạn lên môi trường hiện nay.

Camera pinhole bên hồ Tahoe.
Ông Keats cho biết: "Chúng ta đang thay đổi hành tinh với phạm vi thời gian của 1.000 năm, 10.000 năm hoặc thậm chí 100.000 năm và chúng ta hoàn toàn không có khả năng đánh giá về sức mạnh mà chúng ta có. Chúng là phương tiện để có được một loại giả mạo về nhận thức, một cơ chế để chúng ta có thể tự quan sát được mình từ viễn cảnh xa xôi trong tương lai".
Chiếc Camera Thiên Niên Kỷ
Keats đặt chiếc Camera Thiên Niên Kỷ (Millenium Camera) của mình tại 4 địa điểm xung quanh hồ Tahoe. Mỗi camera được làm từ đồng và chỉ dài 2,75 inch (7 cm) và có bán kính 2,25 inch (khoảng 5,7 cm). Bên trong mỗi camera là một tấm vàng 24 carat được khoan một lỗ nhỏ.
Khi ánh sáng đi qua lỗ nhỏ đó, nó sẽ tạo ra phản ứng với thuốc nhuộm màu hồng trong camera, làm màu sắc này phai nhạt đi ở những nơi ánh sáng mạnh nhất. Phản ứng này sẽ từ từ tạo nên một hình ảnh trên thuốc nhuộm trong 1.000 năm tới.
Camera Thiên Niên Kỷ.
Camera Thiên Niên Kỷ.
Cho dù các camera pinhole đã có từ những ngày đầu của nhiếp ảnh, nhưng Keats thiết kế để nó có thể thích ứng đặc biệt cho các Camera Thiên Niên kỷ của mình. Những chiếc Camera Thế kỷ đặt xung quanh Berlin trong một dự án trước đó của ông đã tạo ra một bức ảnh trên một chất keo lỏng làm từ giấy, và nhiều khả năng nó không thể tồn tại được trong vòng 1.000 năm.
Vấn đề là ngành nhiếp ảnh mới chỉ xuất hiện từ thế kỷ 19, vì vậy không có đủ dữ liệu để xác định được loại vật liệu chụp ảnh nào sẽ tồn tại được trong quy mô thời gian như vậy.
Theo Keats, dữ liệu tốt nhất mà ông tìm được về việc bảo quản hình ảnh trong thời gian dài là từ các nghiên cứu trên hội họa thời Phục Hưng, với nhiều tác phẩm đã hơn 500 năm tuổi. Nếu một bức họa hoặc một bức ảnh chụp tiếp xúc quá lâu với ánh sáng, nó sẽ bắt đầu bị phai màu. Tốc độ phai màu tùy thuộc vào cả lượng ánh sáng tiếp xúc cũng như vật liệu làm nên bức họa đó.
Hiệu ứng tương tự như vậy đã được ứng dụng trên các Camera Thiên Niên Kỷ của Keats. Khác biệt chính là lỗ tròn nhỏ trên camera sẽ ghi lại hình ảnh từ bất kỳ nơi nào camera chĩa vào, vì vậy khi thuốc nhuộm trong camera bắt đầu phai nhạt đi, nó sẽ tái tạo lại hình ảnh.
Để đảm bảo hình ảnh sẽ tồn tại trong một nghìn năm, Keats đã mượn một kỹ thuật từ các họa sĩ thời Phục Hưng khi làm việc với đồng. Ông chà xát lên tấm đồng bằng đá bọt, sau đó chà xát nó bằng tỏi và cuối cùng đưa vào đó một lớp thuốc nhuộm. Sau khi nghiên cứu nhiều loại thuốc nhuộm khác nhau, Keats đã chọn loại rose madder, một thuốc nhuộm đỏ được chiết xuất từ rễ cây thiên thảo.
Bức ảnh thu được sẽ có màu sắc như thế này.
Bức ảnh thu được sẽ có màu sắc như thế này.
Một cách để nhìn lại chính mình trong thế hệ sau
Theo Keats, ông đã mất nhiều năm để chế tạo những chiếc Camera Thiên Niên kỷ này. Chúng có nguồn gốc từ dự án mà Keats đã thực hiện ở Berlin, với hàng chục chiếc camera pinhole giá rẻ đã được bán chỉ với giá vài USD một chiếc và trở thành phương tiện để ghi lại những biến đổi của thành phố này. Người mua sẽ đặt các camera này ở vị trí nào đó và để đó trong vòng 100 năm, đến khi chúng được thu hồi và các bức ảnh sẽ được trưng bầy ở viện bảo tàng.
Keats cho biết: "Ý tưởng là những camera này có thể cho phép bạn thấy được chính mình trong thế hệ tiếp theo, trong cách một thành phố phát triển. Nó cũng làm tôi nghĩ về những khả năng dài hạn hơn và cách có thể sử dụng chúng để quan sát sự biến chuyển của cả một hành tinh".
Ông Jonathan Keats và chiếc camera pinhole đặt trong Đại học Arizona.
Ông Jonathan Keats và chiếc camera pinhole đặt trong Đại học Arizona.
Trước khi đặt 4 Camera Thiên Niên Kỷ xung quanh hồ Tahoe, Keats đã lắp đặt hai chiếc khác tại Đại học Bang Arizona và trường Amherst College vào năm 2015, cả hai cũng đều kéo dài đến 1.000 năm. Ông xem các Camera Thiên Niên Kỷ như một cách "giám sát việc xây dựng" xảy ra trong quy mô xã hội, thay vì chỉ ở mức độ cá nhân.
Đối với việc chụp ảnh phơi sáng dài thông thường, các camera pinhole của Keats sẽ chụp lại cách khung cảnh thay đổi trong nhiều năm. Mức độ sắc nét của hình ảnh sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, bao gồm cả tốc độ thay đổi của khung cảnh và liệu camera có thể tồn tại khi có những biến cố xảy ra hay không.
"Những thay đổi đó có thể quét sạch camera hoặc quét sạch tổ chức chịu trách nhiệm về nó", Keats nói. "Tôi đã ký một hợp đồng với trường Sierra Nevada College để trưng bày bốn bức ảnh này vào năm 3018".
HT (theo khoahoc.tv)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)