Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Campuchia: Công bằng trong giáo dục cho nữ giới vùng nông thôn

Tạp Chí Giáo Dục

Ở nông thôn Campuchia, nữ giới ngày càng được khuyến khích nâng cao học vấn (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Chroeung Sok Vorn, một nông dân làm nghề trồng lúa ở tỉnh Kampong Cham – thuộc vùng nông thôn ở Campuchia, cho biết: “Tôi là một góa phụ lớn tuổi. Mặc dù tôi có nhiều con nhưng tôi vẫn luôn khuyến khích tất cả các con đến trường chứ không bắt con mình ở nhà làm việc. Trước đây, người ta thường để các bé gái ở nhà, họ không muốn nữ giới học quá nhiều. Nhưng tôi không phải như thế! Tôi luôn động viên con trai và cả con gái theo đuổi việc học tập”. Con gái của bà – Virenra Yang, năm nay 19 tuổi sẽ là người con gái thứ hai trong gia đình nhận được học bổng. Hiện nay cô đang theo học Trường Đại học Western, Khoa Tài chính – ngân hàng ở Kampong Cham với hy vọng trở thành một kế toán giỏi trong tương lai.
Tại Campuchia, bước đầu tiên cần thực hiện trong nỗ lực đạt được công bằng trong giáo dục cho học sinh nữ phải đến từ cam kết của các bậc phụ huynh, tương tự như sự hy sinh của bà Virenra cho các con mình vậy. Tuy nhiên, muốn đẩy mạnh cam kết này thì thật khó khăn đối với những nước như Campuchia, đất nước phải đối mặt với những thử thách phức tạp trong quá trình phát triển và tái xây dựng. Mặc dù Campuchia đã có một số kinh nghiệm về việc phát triển kinh tế xã hội trong những thập kỷ qua với mức tăng trưởng GDP hằng năm ở mức khá cao – gần 9% cho đến khi cuộc suy thoái kinh tế xảy ra vào năm 2009. Khi đó, khoảng 35% dân số Campuchia sống dưới mức nghèo và 80% dân số cả nước sống ở những vùng nông thôn nơi công tác giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội khác vẫn còn rất hạn chế.
Những gia đình nghèo thường có xu hướng chỉ cho các bé nam đến trường. Các bé gái phải đối mặt với áp lực rất lớn với vấn đề bỏ học sớm để làm việc phụ giúp gia đình và bổ sung thêm thu nhập. Theo một báo cáo gần đây của Hệ thống quản lý thông tin giáo dục (EMIS), tỉ lệ trẻ em đến trường ở Campuchia vẫn ở mức rất thấp: chỉ có 33% các bé gái ở độ tuổi đến trường đăng ký học ở cấp 2 và 11% học cấp 3. Số lượng học sinh nam luôn nhiều hơn số học sinh nữ ở tất cả các cấp lớp và khoảng cách này càng gia tăng khi cấp lớp càng cao. Cơ hội tiếp cận giáo dục không đồng nhất này gây nên một sự thiếu hụt đội ngũ nữ giới có trình độ đại học ở Campuchia cũng như tạo ra những dấu hiệu tiêu cực đối với vai trò của người phụ nữ. Bên cạnh đó còn hạn chế khả năng nắm giữ các vai trò lãnh đạo của nữ giới trong cộng đồng, lĩnh vực kinh doanh và ngay cả trong chính trị.
Việc tăng cường cơ hội cũng như cải thiện chất lượng giáo dục là nhu cầu đặc biệt cấp bách ở Campuchia, đất nước có gần 60% dân số trong độ tuổi đi học. Các em nữ sinh và phụ nữ là thành phần chiếm hơn nửa số dân nhưng rất ít trong số họ là sinh viên tốt nghiệp đại học. Tạo điều kiện tốt hơn cho họ được học đại học là một cách hiệu quả để họ có thể tự xoay xở giúp bản thân và gia đình mình thoát khỏi cảnh đói nghèo và hơn thế nữa là đóng góp tốt hơn vào sự phát triển cộng đồng và quốc gia.
Tổ chức Nền tảng châu Á (The Asia Foundation) cùng với Tổ chức Hành động vì giáo dục tiểu học Campuchia (KAPE) đã triển khai một chương trình học bổng tạo điều kiện cho nữ giới ở các vùng nông thôn giải quyết khoảng cách khó khăn giữa cấp 1 và 2. Đây là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng và là thời điểm mà các em nữ sinh thường bỏ học để tìm việc tăng thu nhập cho gia đình. Chương trình hỗ trợ học bổng cho các em học sinh nữ đến từ những gia đình có thu nhập thấp, điều này cho phép các em tiếp tục việc học của mình sau bậc tiểu học. Cho đến nay, chương trình đã giúp hơn 2.860 các em nữ có hoàn cảnh khó khăn học hết cấp 2.
Trong năm nay, với sự hỗ trợ của Tổ chức Shirin Pandju Merali, các em học sinh này có thể hoàn thành trọn vẹn quá trình học tập của mình. Qua chương trình học bổng thứ ba, 66 em học sinh nữ (trong đó có Virenra) sẽ theo học Trường Đại học Western ở Kampong Cham trong vòng bốn năm để lấy bằng cử nhân. Đây là một trong số những tỉnh có mật độ dân số dày đặc ở Campuchia và là cộng đồng có số người lao động trẻ di cư nhiều thứ hai so với các thành phố khác của Campuchia. Có nhiều ngành học để họ chọn lựa như: kế toán, quản lý, quản trị công. Ngoài ra còn có ngành luật hoặc quản trị kinh doanh cho những sinh viên có hoài bão đảm nhận vai trò lãnh đạo trong các tổ chức phi lợi nhuận. Những học bổng này đã mang lại cho những nữ sinh như Virenra sự hỗ trợ kinh tế giúp họ có cơ hội theo đuổi công việc mơ ước của mình. Còn đối với mẹ Virenra, người đã quyết tâm cho con mình đến trường, chương trình này đã củng cố cho những cam kết về giáo dục trong cộng đồng.
(Theo asiafoundation.org)
Xuân Chi

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)