Nền giáo dục Campuchia đang dần được cải thiện (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: I.T |
Viện Nghiên cứu phát triển khoa học của Mỹ (RTI) hiện đang hỗ trợ Campuchia hiện đại hóa chương trình giáo dục từ lớp 1 đến lớp 9. Theo đó, RTI sẽ trợ giúp việc cải thiện chính sách giáo dục, phát triển phương pháp giảng dạy lấy người học làm trung tâm và khuyến khích các trường cộng đồng hợp tác trong việc mang giáo dục đến gần hơn với mọi người.
Dự án “Giáo dục cơ bản ở Campuchia” (CBE) trực thuộc RTI được tài trợ bởi Ủy ban Phát triển quốc tế Mỹ (USAID). Dự án này hỗ trợ các chính sách của Bộ Giáo dục – Thể thao và Thanh niên (MoEYS) nhằm phát triển nền giáo dục cơ bản thật sự chất lượng và phù hợp thông qua việc cải cách chương trình quốc gia cũng như xây dựng những tiêu chuẩn cho chương trình này. Mục tiêu của dự án này hướng đến việc thay đổi nhận thức của học sinh và các bậc phụ huynh về hệ thống giáo dục, qua đó làm tăng số lượng đăng ký nhập học – đặc biệt đối với nữ giới và giảm tỉ lệ bỏ học giữa chừng.
George Taylor – Giám đốc dự án CBE của RTI cho biết: “Khi phụ huynh, học sinh và giáo viên nhận ra giá trị của những gì được dạy và học thì việc đến trường sẽ được đảm bảo, ngay cả ở những vùng ngoại ô”.
Phát triển chương trình giáo dục cơ bản
RTI và Liên hiệp các Dự án nước ngoài của Công ty Victoria Pty / Sinclair Knight Merz sẽ hỗ trợ MoEYS thiết lập hệ thống chính sách phát triển cũng như lập kế hoạch thực hiện các chính sách này. Gần đây, hai tổ chức này đã hoàn chỉnh những tiêu chuẩn về chương trình học tập mà học sinh dễ tiếp thu nhất. Những mục tiêu cơ bản của các tiêu chuẩn này là học sinh các khối 3, 6, 9 sẽ tập trung học bốn môn chính: tiếng Khmer, toán, khoa học và xã hội. Trong ba năm đầu tiên ở trường, học sinh được yêu cầu phải nắm được các kỹ năng văn học, toán học cơ bản và áp dụng những kỹ năng này vào các hoạt động phức tạp hơn. Thông qua việc đánh giá, giáo viên và phụ huynh sẽ bổ sung thêm những chi tiết cụ thể hơn để hoàn thiện chương trình.
“Khi việc đánh giá dựa trên những tiêu chuẩn này, thông qua đánh giá năng lực của học sinh, chúng ta có thể xác định năng lực của toàn trường” – Taylor cho biết. Những dữ liệu về năng lực của nhà trường sẽ được chia sẻ cho cộng đồng thông qua những cách đơn giản như phổ biến trên bảng thông báo hoặc đưa thông tin ở những buổi họp toàn trường. Mục tiêu chính của chương trình là tập trung vào phương pháp học năng động và khuyến khích phát triển kiến thức cũng như kỹ năng thông qua những bài học về những phạm vi khác nhau.
Giáo dục kỹ năng cơ bản
Chương trình “Những kỹ năng cơ bản trong cuộc sống” (LLSPs) sẽ được phân bố 2 giờ hoặc 5 giờ mỗi tuần áp dụng vào thời khóa biểu của trường để đưa vào chương trình các kỹ năng cơ bản. LLSPs muốn học sinh phát triển những năng lực chuyên biệt, kiến thức và kỹ năng tổng quát về lên kế hoạch và giải quyết vấn đề.
Với vai trò hỗ trợ MoEYS, dự án CBE sẽ cung cấp chương trình đào tạo cho các trường học và cộng đồng địa phương trên toàn quốc để phát triển LLSPs thông qua giáo viên, đội ngũ nhân viên của những tổ chức phi chính phủ và các bậc phụ huynh.
Ngoài ra, ban quản lý CBE đã làm việc với các tổ chức phi chính phủ ở Campuchia để đào tạo các tuyên truyền viên cộng đồng. Những người này sẽ làm việc tại 24 tỉnh ở Campuchia để hỗ trợ cộng đồng quản lý trường học cũng như cung cấp LLSPs. Việc tập trung vào kết quả và thể hiện của học sinh đóng vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá chương trình này. “Chúng ta đang hướng đến việc chọn lọc những quyển sách giáo khoa dựa trên nhu cầu phát triển hiện nay và cải thiện mối liên hệ giữa nhà trường và cộng đồng. Bằng cách này, chúng ta có thể thúc đẩy ngay từ giai đoạn đầu và thành công ở mọi vùng trên khắp đất nước Campuchia, kể cả những khu vực kém phát triển nhất”, một quan chức của RTI nói.
(Theo www.rti.org)
Ngọc Trúc
Bình luận (0)