Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Campuchia: Kêu gọi thanh niên học nghề

Tạp Chí Giáo Dục

Học viên học nghề sửa chữa tại một xưởng cơ khí ở Phnom Penh
Đa phần mọi người đều đồng ý rằng theo đuổi bậc giáo dục đại học là quan trọng và tốt cho tương lai của họ. Nhiều người chấp nhận chi trả một số tiền học phí lớn để có được tấm bằng cử nhân trong thời gian bốn năm. Đây là vấn đề khiến các quan chức Campuchia lo ngại về một thị trường việc làm trong tương lai.
Ông Tun Sophorn, một điều phối viên của Campuchia tại Tổ chức Lao động quốc tế cho biết: “Hầu hết những người trẻ tuổi ở Campuchia hiện đang theo học các chuyên ngành như kỹ sư, kế toán, quản lý… Điều này cũng tốt nhưng nếu ngày càng có nhiều người đi vào các lĩnh vực học tập này, vấn đề tìm kiếm việc làm và phân công lao động sẽ trở nên khó khăn hơn”.
Một báo cáo năm 2010 của Viện Thống kê Quốc gia về xu hướng lao động và xã hội tại Campuchia cho thấy, vương quốc này đang rất cần một lực lượng đông đảo lao động có tay nghề. Chẳng hạn như cơ khí, kỹ thuật điện và công nhân phục vụ trong ngành khách sạn. Đó là nơi phần lớn công ăn việc làm đang được tạo ra. Còn theo ông Lao Heum, Trưởng phòng Kỹ thuật và Giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động Dạy nghề Campuchia, đào tạo nghề là một cách tốt để giảm thiểu thất nghiệp và nghèo đói cho đất nước này. Đào tạo nghề cho thanh niên là bổ sung và nâng cao năng lực lao động. Ông nói: “Chúng ta chỉ cần một hoặc hai kỹ sư nếu muốn xây dựng một tòa nhà, nhưng không thể thuê chỉ một hoặc hai công nhân để xây dựng nó. Vì vậy, chúng ta cần rất nhiều lao động trong xã hội”. Từ quan điểm này, ông Lao Heum kêu gọi các phương tiện truyền thông cũng như các tổ chức có liên quan giúp quảng bá một thực tế là phụ huynh nên hướng dẫn con cái của họ theo học các kỹ năng nghề nghiệp thị trường để đất nước không phải đối mặt với vấn đề tìm kiếm việc làm trong tương lai.
Hưởng ứng lời kêu gọi này, nhiều cơ sở đào tạo nghề được thành lập và thu hút đông đảo học viên. Kolline Kong, một nghệ nhân bậc thầy và là một giảng viên tại Trường Nghề Socheat, nơi mọi người có thể học xông hơi, tạo kiểu tóc, trang điểm… nói rằng trường của bà hiện có sự kết hợp đa dạng giữa học viên đến từ vùng nông thôn và những người sống trong thành phố. Tuy nhiên, bà cho biết: “Một số học viên nghĩ rằng họ chỉ phải bỏ ra một ít thời gian để được đào tạo và sau đó có thể kiếm sống bằng cách mở doanh nghiệp riêng cho mình. Song thực tế, họ không thể nắm bắt các bài học”.
Chhun Chhea, 26 tuổi, đến Phnom Penh từ tỉnh Takeo với mong muốn tìm hiểu, học hỏi làm thế nào để trở thành một người thợ cơ khí, sửa chữa xe hơi. Chhun Chhea cho hay anh đã dành một năm cho trường đại học nhưng phải dừng lại. Anh nói: “Tôi bỏ học nửa chừng bởi vì tôi không có đủ tiền và trí óc của tôi dường như không được “thiết kế” để dành cho việc học tập. Và vì tôi yêu thích công việc của một thợ cơ khí”. Tuy nhiên, khi đến Phnom Penh để học nghề, Chhun Chhea phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức vì anh chưa từng biết cũng như chưa một lần sử dụng các kỹ năng cơ khí. Dù vậy, anh luôn cố gắng bởi rất yêu thích công việc này. Chhun Chhea nói rằng anh không thích làm một công việc hành chính nơi mọi người kiếm được tiền dù không nhiều nhưng an nhàn. Sau khóa học nghề, Chhun Chhea kiếm tiền rất dễ. Anh nói: “Hoàn thành một khóa học đại học phải mất một thời gian dài. Hiện tại, tôi chỉ sửa chữa một lỗi nhỏ trên chiếc xe cũng đã có thể nhận được 5-6 đô la hoặc nhiều hơn thế. Tuy nhiên, những ai muốn tham gia vào đội ngũ lao động đều phải học các kỹ năng, được đào tạo mới có thể làm được việc”.
Riêng Chab Siphat, Hiệu trưởng và là giảng viên Trường Kỹ thuật Vimean Tep, cho biết số lượng học viên tại trường ông đã tăng lên đáng kể. Ông nói: “Học nghề sẽ giúp bạn ít tốn thời gian, chi phí nhưng vẫn có thể kiếm được tiền”. Trường nghề của Chab Siphat hiện nhận cả những học viên không biết chữ. Ông khẳng định: “Có nhiều người không biết đọc, biết viết song vẫn có thể học được các kỹ năng, dù rất khó để ghi nhớ mọi thứ khi không viết các bài giảng trong một cuốn tập”.
(Theo Phnompenhpost.com)
Ngân Du

Bình luận (0)