Đây là tổng số tiền mà 3 ngân hàng gồm OceanBank, GPBank và CB dùng để chi trả cho khách hàng và phục vụ việc mở rộng kinh doanh.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa – chánh thanh tra Ngân hàng Nhà nước – cho biết tại hội thảo 3 năm nhìn lại quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu diễn ra chiều nay 5-10.
Theo ông Nghĩa, sau khi được mua lại với giá 0 đồng, cả 3 ngân hàng đã bắt đầu có dự trữ thanh khoản trở lại và hoạt động tốt.
Cụ thể, tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), nguồn dự trữ thanh khoản sẵn có là 7.000 tỉ đồng, tại Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank) là 3.000 tỉ đồng, còn tại Ngân hàng TMCP Xây dựng (CB) là 1.000 tỉ đồng. Như vậy, tổng số tiền sẵn có tại 3 ngân hàng là khoảng 11.000 tỉ đồng.
“Đây là lượng tiền sẵn sàng chi trả cho người dân và mở rộng theo phương án kinh doanh mới", ông Nghĩa cho biết.
Còn về toàn bộ nguồn tiền để xử lý, phục hồi 3 ngân hàng yếu kém nói trên, ông Nghĩa cũng cho biết không lấy từ ngân sách mà chủ yếu từ nguồn vốn do chính các nhà băng này huy động từ người dân và các tổ chức kinh tế.
Đây là nguồn vốn quan trọng và căn cơ nhất, hỗ trợ việc xử lý các nhà băng được mua với giá 0 đồng. Mặt khác, nguồn tiền nữa lấy từ số thu xử lý tài sản không sinh lời và nợ xấu của 3 ngân hàng.
Mặt khác, để đảm bảo thanh khoản của ba ngân hàng yếu kém này, Ngân hàng Nhà nước cũng phải tái cấp vốn. “Các khoản cho vay đặc biệt hay tái cấp vốn này đều dựa trên cơ sở luật pháp là có vay có trả”, ông Nghĩa khẳng định.
Cũng tại hội thảo, Ngân hàng Nhà nước cho biết trong ba năm qua, các tổ chức tín dụng đã xử lý được hơn 400.000 tỉ đồng nợ xấu.
Tính đến cuối tháng 8, nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã được đưa về mức 3,21% và chắc chắn đến cuối năm nay, tỉ lệ này sẽ đảm bảo ở mức dưới 3% – ông Nguyễn Kim Anh, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khẳng định.
Theo TTO
Bình luận (0)