Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cân bằng năng lượng, đẩy mạnh xuất khẩu

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 7-12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã có cuộc làm việc với Bộ Công thương xung quanh kế hoạch năm 2012 và kế hoạch 5 năm 2011-2015. Tại cuộc họp, những vấn đề nóng nhất của Bộ Công thương về đảm bảo năng lượng cho nền kinh tế cũng như giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu 2012 tiếp tục được đề cập.

Gỡ rối bài toán cấp khí, than cho điện

Theo ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), năm 2012, điện sản xuất và mua ngoài của EVN khoảng 121 tỷ kWh, cung ứng cho mùa khô khoảng 58 tỷ kWh. Về cơ bản, việc cung ứng điện cho nền kinh tế năm 2012 có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, có điểm “trục trặc” là cung ứng khí theo phương án của PVN vẫn thiếu khoảng vài trăm triệu mét khối. Bên cạnh đó, hiện EVN đang phải đối mặt với những khó khăn về vốn, giá điện và vấn đề giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án điện.

May áo sơ mi xuất khẩu tại Tổng Công ty may Việt Tiến. Ảnh: C.T.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng thừa nhận, thách thức lớn nhất trong thời gian tới là cân bằng năng lượng. Ngành điện đang phải đối mặt với việc thiếu than cung ứng cho sản xuất điện và phải nhập khẩu than vào năm 2015, thiếu khí… Với diễn biến như vậy, khả năng vào năm 2012 sẽ tiếp tục thiếu điện. Đây là câu hỏi rất lớn cho nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam. Đối với lĩnh vực năng lượng, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần phải có sự thay đổi trong tư duy về giá điện, thị trường, thu hút đầu tư. Do đó, 3 tập đoàn (điện, than – khoáng sản, dầu khí) phải có sự phối hợp chặt chẽ trong việc cung ứng để cân bằng năng lượng để đối phó với những thách thức đó trong lâu dài.

Mặt khác, cũng theo Phó Thủ tướng, để việc tiêu thụ điện có hiệu quả cần phải đẩy nhanh tốc độ đổi mới khoa học công nghệ. Dẫn số liệu tốc độ đổi mới công nghệ thời gian vừa qua chỉ đạt trên 10%, giai đoạn 2006-2010 là 13% trong khi với các nước khác trong giai đoạn như vậy phải là 25%. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chính việc đổi mới công nghệ trong tiêu thụ năng lượng chậm dẫn đến suất tiêu thụ năng lượng hiện nay quá cao gây phí phạm trong sử dụng các nguồn năng lượng. Do vậy, bên cạnh việc đảm bảo cung ứng năng lượng cho nền kinh tế thì sức ép thay đổi công nghệ trong các ngành sản xuất để tăng hiệu quả tiêu thụ năng lượng là rất lớn.

Để giải bài toán khó liên quan đến năng lượng, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, dù năm 2015 Việt Nam mới thực sự phải nhập than do nguồn cung thiếu trong nước nhưng thực tế ngay từ năm 2009 Bộ Công thương đã lập ban chỉ đạo về vấn đề này do một thứ trưởng làm trưởng ban với sự tham gia của các bộ, ngành, EVN, Tập đoàn Than – Khoáng sản. Ban chỉ đạo đã khảo sát nhu cầu, liên hệ một số nhà cung cấp như Australia, Indonesia và cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc phải nhập than.

Với nhập khẩu khí, hiện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang trao đổi với các đối tác nước ngoài và cũng đang xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi cung cấp khí phục vụ cho nhu cầu phát điện. Bộ Công thương cũng sẽ bàn với EVN, PVN và PV Gas (Tổng công ty Khí Việt Nam) với quyết tâm cao nhất trong cung cấp khí phục vụ cho sản xuất điện, trong đó có đề cập đến sự phối hợp giữa hai tập đoàn. Dự kiến, sẽ thành lập một ban chỉ đạo điều hòa về vấn đề khí.

Xuất khẩu 2012 gặp khó

Theo mục tiêu đặt ra của ngành công thương, năm 2012 xuất khẩu tăng 13% so với năm 2011 và đạt kim ngạch khoảng 108,5 tỷ USD; nhập khẩu khoảng 121,5 tỷ USD, tăng 14,6% so với năm 2011. Như vậy nhập siêu khoảng 13 tỷ USD, tương đương 12% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, theo đại diện một số bộ, ngành, doanh nghiệp nhiều lĩnh vực xuất khẩu chủ lực đang gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, với dệt may, ông Lê Tiến Trường, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết, quý IV năm nay đơn hàng dệt may gặp khó khăn hơn. Trong tháng 11, 12 nhận xuất khẩu xơ sợi chỉ đạt 80 triệu USD/tháng trong khi bình thường là 150 triệu USD/tháng do vấn đề giá. Năm 2012, xuất khẩu dệt may sẽ khó đạt được giá trị cao do mặt bằng giá trên thế giới đã có sự thay đổi.

Với gạo, theo ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, khó khăn trong xuất khẩu gạo vào năm 2012 cũng rất lớn do liên quan đến vấn đề giá. Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn của Ấn Độ, Pakistan khoảng 100USD gây khó khăn trong cạnh tranh. Trong khi đó, giá gạo của Việt Nam khó có thể thấp hơn nữa bởi sẽ ảnh hưởng đến người nông dân. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, theo ông Tần, Bộ Công thương nên có những dự báo cung cầu ở tầm vĩ mô nhất là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhằm giúp doanh nghiệp có đủ thông tin để khi nào xuất khẩu có lợi, khi nào không nên xuất.

Đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhìn nhận là “rất khó lường” do tác động của khủng hoảng và xu thế bảo hộ thị trường. Mặt khác sức mua của các thị trường lớn trên thế giới như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng giảm. Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu các bộ, ngành cần hết sức lưu ý chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu, quyết liệt giảm nhập siêu…

Hà My (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)