Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Căn bệnh… khó nói

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chứng hôi nước bọt ảnh hưởng nhiều đến vấn đề giao tiếp của mỗi cá nhân. Ảnh: T.Lê

Hôi nước bọt là một tình trạng hay gặp, mặc dù nó không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nhiều đến đời sống tâm lý của từng cá nhân, đặc biệt trong vấn đề giao tiếp.
Những nỗi niềm…
Em Lê Văn L. (lớp 12 – Trường THPT Hàn Thuyên – TP.HCM) tâm sự: “Không hiểu tại sao nước bọt của em rất hôi. Sau mỗi bữa ăn, em đều cẩn thận đánh răng rất kỹ, nhưng nước miếng tiết ra trong miệng vẫn nghe hôi. Đặc biệt là lúc ngủ dậy thì hai bên mép của em dính nước bọt đặc sệt và hôi đến chính em cũng không chịu nổi. Vì thế em phải dùng các loại nước súc miệng thường xuyên cho đỡ. Em rất mặc cảm và không biết mình bị bệnh gì?”.
Tương tự, em Mỹ N. (sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) cũng cho biết: “Từ nhỏ, mỗi khi ngủ dậy trong miệng em đã có đầy nước bọt, kể cả khi em ngủ trưa chỉ trong 30 phút. Nước bọt của em có mùi chua và hôi, thời gian ngủ càng lâu thì nước bọt càng đục. Em vệ sinh răng miệng 2 lần/ngày, uống nước vào mà các triệu chứng vẫn không giảm. Chị gái của em cũng bị như vậy, không biết đó là bệnh gì và có thể chữa được không?”.
Chị Mai Anh (quận Gò Vấp – TP.HCM) cũng lo lắng bởi con chị mới 13 tháng tuổi nhưng cứ chảy nước miếng và có mùi rất hôi. Chị cho biết là vệ sinh miệng cho cháu rất kỹ nhưng nước miếng và mùi hôi của cháu vẫn không hết. Không chỉ trẻ nhỏ, các bạn tuổi teen mà những người tuổi trung niên hoặc xế chiều cũng có chung “nỗi niềm” này. Nước bọt là chất tiết có dạng nhờn, trong, hay có bọt, tiết ra từ các tuyến nước miếng vào miệng với nhiều công dụng khác nhau, quan trọng nhất là giúp việc nhai và tiêu hóa thức ăn trước khi nuốt, đồng thời điều hòa độ acid trong miệng giữ cho răng bớt sâu mòn.
Theo các nhà nghiên cứu tại ĐH John Hopkins (Mỹ), nước bọt là một công cụ hữu ích trong công tác phòng và ngừa bệnh. Có thể nói, 1/3 số bệnh nhân tử vong vì đau tim không hề biết rằng trong cơ thể mình chứa hàm lượng cholesterol cao bất thường. Do các xét nghiệm máu nhằm phát hiện dấu hiệu căn bản của bệnh tim mạch thường gây đau đớn, mất thời gian và nhiều công sức, nên phần lớn các bệnh nhân đều không tiến hành đủ các xét nghiệm cần thiết. Vì vậy, theo các nhà khoa học, nước bọt chứa một loại protein có tên C-reactive protein, giúp phát hiện nguy cơ tim mạch nhanh chóng và chính xác hơn nhiều so với xét nghiệm máu.
Nguyên nhân và cách chữa trị
Có thể nói rằng, nước bọt của ai cũng có mùi. Chỉ có điều nó có dễ chịu hay không đối với người đối diện của mình mà thôi, chứ bản thân mình đôi khi cũng không thể nhận ra được. Nước bọt có mùi hôi làm cho miệng hôi do nhiều nguyên nhân gây nên, bệnh nhân cần đi khám kỹ răng miệng để tìm đúng nguyên nhân. Có thể do sâu răng, có nhiều mảng bám răng, vôi răng, cao răng, do dạ dày có vấn đề, do viêm xoang, viêm nha chu, chứng giảm tiết nước bọt… Vệ sinh răng miệng kém, chải răng không đúng cách làm thức ăn dính ở kẽ răng phân hủy tạo thành hợp chất sulfure có mùi hôi. Tìm ra nguyên nhân để chữa trị thì mùi hôi này mới hết được. Tuyệt đối bệnh nhân không được súc miệng bằng các loại nước súc miệng có cồn. Vì cồn bay hơi, làm mất nước môi trường miệng khiến niêm mạc miệng dễ bong tróc và hơi thở cũng nặng mùi hơn. Tốt nhất là sau khi đã chải răng sạch sẽ, hãy ngâm nước muối pha loãng, tự pha hoặc mua ở các tiệm thuốc tây.
Để phòng ngừa chứng bệnh này, ngoài việc điều trị nguyên nhân thì cần uống thật nhiều nước (1.500ml đến 2.000ml trong ngày); đánh răng kỹ, đúng phương pháp sau mỗi bữa ăn và trước khi ngủ; tránh ăn nhiều hành tỏi, các loại gia vị cay nồng, tránh uống rượu bia, tránh hít phải khói thuốc lá.
BS. NGUYỄN VĂN TIẾN (Bệnh viện 175 – TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)