Một SV năm cuối khoa Kế toán, Học viện Ngân hàng, hiện đang làm khoá luận tốt nghiệp thì cơ hội việc làm đến. Vì chưa có bằng tốt nghiệp ĐH nên phải xin bảng điểm tạm thời (có xác nhận của khoa) để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Khi tới văn phòng khoa, rồi phòng tiếp sinh viên, bạn cho rằng đã gặp thái độ "chả thèm tiếp" của cán bộ nhà trường.
Không đeo dây không phải là sinh viên?
Học viện Ngân hàng (Ảnh: CQ)
|
Sau nhiều lần lên văn phòng khoa, SV này không xin được bảng điểm vì lý do “thầy quản lý bảng điểm đi vắng”.
“Khi hỏi những người có mặt trong văn phòng khoa, các cô “buông thõng” một câu: “Thầy đi vắng rồi, mai đến”.
Muốn hỏi thêm, nhưng nhìn thái độ kiểu "chả thèm tiếp", em lại ra về. Không biết mai là hôm nào nữa. Vì đã nhiều lần nhận được câu trả lời kiểu này rồi”, SV này bức xúc.
Chưa hết, khi sang phòng Công tác Chính trị – Sinh viên xin xác nhận là SV năm cuối, bạn lại gặp cảnh chị trực phòng cứ ngồi, không nhìn và nói: “Tự viết đi, tôi còn bao nhiêu việc”.
"Em cũng không có ý định nhờ chị ấy viết hộ, nhưng cái thái độ sao mà… khó tưởng tượng ra được?”
Một SV năm 2 khác cũng bức xúc không kém: “Theo quy định, mỗi SV đến các phòng để làm việc đều phải đeo thẻ SV. Em có mang thẻ theo nhưng không đeo (vì làm mất dây). Khi xuất trình thẻ, chị trực phòng vừa xua tay, vừa nói: “Không đeo dây mà chỉ mang thẻ SV thì không phải là SV. Về đi, mai đến”.
Thực lòng, em không hiểu nên làm thế nào? Đứng lại cãi nhau thì không thể, mà về thì trong lòng ấm ức vô cùng. Nhà em xa trường, đâu có phải cứ muốn đến lúc nào là đến được?”
SV phản ánh sai địa chỉ?
Anh Nguyễn Dương Hùng – giáo vụ khoa Kế toán khẳng định: “Nếu SV nói lên nhiều lần mà không gặp được tôi thì không đúng. Tất nhiên, không thể tránh khỏi lúc các bạn lên, tôi vắng mặt vì quá bận. Nhưng tôi khẳng định là chuyện đó không thường xuyên như các bạn nói”.
Bà Tô Kim Ngọc, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng thừa nhận: “Tôi biết có những hiện tượng này tồn tại, nhưng chưa hề nhận được phản hồi nào về sự việc này”.
Tương tự câu chuyện về nhà xe của trường, khi SV có phản ánh nhưng kết quả không thay đổi, bà Ngọc cho hay: “Như thế các em cần xem lại mình đã phản ánh đúng địa chỉ hay chưa?”
Về “địa chỉ” phản ánh, bà Ngọc cho biết đã thông báo đến tất cả SV.
“Nhà trường không bao giờ đồng tình với thái độ phục vụ SV như thế này. Trước mắt, chúng tôi sẽ yêu cầu những người có liên quan trả lời xem vì sao lại để xảy ra những chuyện như vậy.
Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ chấn chỉnh toàn bộ ý thức của cán bộ, giáo viên trong trường”, bà Ngọc khẳng định.
Tuy nhiên, bà Ngọc cho rằng, lượng SV có bức xúc như thế này không nhiều: “Khoảng 4, 5 năm trở lại đây, quyền lợi SV được đảm bảo nhanh chóng. Hơn nữa, SV khoa Kế toán không quá đông”.
“SV nhiều lúc hỏi những điều đã được phổ biến"
Ông Trần Mạnh Dũng – Trưởng phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng bày tỏ: “Có những lúc tôi gọi điện lên khoa thì thấy vắng người thật".
Vì vậy, theo ông Dũng, thì nếu cán bộ vắng mặt thì nên có thông báo trên bảng, ghi rõ vắng từ ngày nào đến ngày nào. Hoặc cử người thay thế để giải quyết yêu cầu cho SV.
Nếu không có người thay thế, cần hẹn SV vào một ngày nào đó cụ thể để các em đỡ mất thời gian, tâm trạng cũng đỡ bực bội.
Ông Hoàng Minh Thanh, Trưởng phòng Công tác Chính trị -Sinh viên thì thông cảm: “SV nhiều lúc hỏi những điều đã được phổ biến hoặc có trong quy chế, hoặc đã được áp dụng nhiều lần.
Một ngày, các cán bộ phải tiếp bao nhiêu lượt SV, có một câu trả lời nhưng phải nói không biết bao nhiêu lượt. Vì vậy, cũng khó tránh khỏi những lúc không được vui”.
Tuy nhiên, ông Thanh khẳng định: “Dù có thế nào, chúng tôi vẫn luôn quán triệt cán bộ là phải tôn trọng các em”.
Bà Ngọc cho rằng: “Khắc phục triệt để hiện tượng này là không thể, chúng ta chỉ cố gắng để “tiệm cận” sự hoàn hảo, làm sao hạn chế đến mức thấp nhất những xung đột mà thôi”.
Cẩm Quyên (Vietnamnet)
Bình luận (0)