Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cán bộ quản lý, nhà giáo chủ động triển khai Nghị quyết 98

Tạp Chí Giáo Dục

Nghị quyết (NQ) 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM là đòn bẩy để TP.HCM bứt phá phát triển trong các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực GD-ĐT. Ngay khi NQ có hiệu lực (tháng 8-2023), các quận huyện, TP.Thủ Đức đã chủ động triển khai thực hiện. Nhiều người tâm huyết với giáo dục, cán bộ quản lý ngành giáo dục đều kỳ vọng NQ98 sẽ là động lực, cơ hội cho giáo dục TP.HCM phát triển hơn nữa.


Nghị quyết 98 sẽ là động lực, cơ hội để giáo dục TP.HCM phát triển hơn nữa

Chủ động triển khai thực hiện nghị quyết

Ngay khi NQ98 có hiệu lực, quận 12 đã chủ động rà soát các cơ chế, chính sách có sự thay đổi theo NQ nhằm kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai. Trong đó, tập trung rà soát các quy trình, thủ tục hành chính có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện các dự án đầu tư công. Qua rà soát, quận 12 tiếp tục kiến nghị TP bố trí kinh phí để thực hiện các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đặc biệt các công trình cấp thiết như giáo dục; kiến nghị TP hỗ trợ thu hồi một số khu đất để xây dựng các công trình công cộng, trong đó có công trình trường học.

Ông Khưu Mạnh Hùng – Trưởng phòng GD-ĐT quận 12 – thông tin, hiện nay quận 12 đã có dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện NQ98 và sẽ thực hiện ngay khi có hướng dẫn của TP.

Tại TP.Thủ Đức, Phòng GD-ĐT TP cũng đã chủ động tham mưu UBND TP.Thủ Đức trong việc lựa chọn, thực hiện các dự án phục vụ cho hoạt động giáo dục. Trong đó, chú trọng triển khai giáo dục STEM trong tất cả các đơn vị trường học bằng nhiều hình thức đa dạng, từ bài học trong chương trình đến các hoạt động ngoài giờ lên lớp; tích cực triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đã được Quốc hội thông qua cho TP.Thủ Đức; phối hợp với Trường Cán bộ quản lý Giáo dục TP.HCM tổ chức lớp bồi dưỡng 73 giáo viên là nguồn trong quy hoạch chức danh hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của các trường.

Phòng GD-ĐT cũng phối hợp với Phòng Tài chính – Kế hoạch tham mưu UBND TP.Thủ Đức dự thảo đề án cho phép khai thác tài sản công để thực hiện vào mục đích cho thuê, liên doanh, liên kết, phát huy hiệu quả nguồn lực tài sản công được giao cho các cơ sở giáo dục quản lý. Phối hợp, tham mưu đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp, xây dựng thêm phòng chức năng trong các cơ sở giáo dục hiện hữu, khuyến khích đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng trường lớp và các công trình trong trường học nhằm phục vụ cho công tác giáo dục học sinh; thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư PPP, tăng cường xây dựng đạt mục tiêu 300 phòng/năm. Bên cạnh đó, Phòng GD-ĐT cũng chủ động tham mưu, đề xuất UBND TP.Thủ Đức tăng thêm 10 đơn vị trường học thực hiện chương trình chất lượng cao “trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” năm học 2023-2024 và 4 đơn vị xây dựng thư viện thông minh.

Ông Dương Hoàng Tuấn – Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP.Thủ Đức – chia sẻ: “Với những cơ hội mới mà NQ98 mang lại, ngành giáo dục TP.Thủ Đức sẽ tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của TP”.

Trong thời gian tới, Phòng GD-ĐT sẽ tham mưu UBND TP.Thủ Đức thực hiện các dự án phục vụ cho hoạt động giáo dục theo hình thức PPP. Tham mưu UBND TP.Thủ Đức thực hiện quy hoạch quỹ đất dành cho giáo dục để xây dựng thêm các công trình trường học nhằm đảm bảo đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân và đáp ứng yêu cầu học 2 buổi/ngày, hưởng ứng việc thi đua xây dựng 300 phòng học đến năm 2025 để chào mừng 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đồng thời, phối hợp với Phòng Nội vụ xây dựng kế hoạch đào tạo, tuyển dụng để chuẩn bị đội ngũ nhân sự cán bộ quản lý, viên chức đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ của ngành GD-ĐT trong tình hình mới…

Tác động của Nghị quyết 98 với giáo dục là không nhỏ

Với NQ98, TP.HCM được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù thuộc nhiều lĩnh vực; tạo cơ hội để TP.HCM tháo gỡ những nút thắt điểm nghẽn hiện nay đang gặp phải, qua đó giúp khơi thông, phát huy có hiệu quả các nguồn lực, trong đó có lĩnh vực GD-ĐT.

Bà Trương Thị Bích Thủy – Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương – cho biết, tuy chưa có nội dung trực tiếp điều chỉnh chính sách trong lĩnh vực giáo dục nhưng tác động của NQ98 khi đi vào thực tiễn đối với giáo dục là không nhỏ.

Rõ nhất là ở nội dung về ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TP; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo. Khi các doanh nghiệp có thêm cơ chế để đổi mới, nâng cao hiệu suất hoạt động và phát triển thì đồng thời cũng mở ra rất nhiều cơ hội mới cho lực lượng lao động chất lượng cao ở những ngành nghề này. Đó chính là sự thúc đẩy tạo ra thị trường lao động, nâng cả chất và số lượng đầu ra của giáo dục.

Ở phía ngành giáo dục, những nội dung này của NQ98 đồng thời cũng sẽ tạo ra những đòi hỏi và tự đòi hỏi của người làm giáo dục. Đó là nâng cao chất lượng GD-ĐT để tạo ra nguồn nhân lực tốt nhất, đóng góp vào sự phát triển của TP theo tinh thần NQ98.

“Chúng tôi hy vọng những nội dung của NQ98 về tài chính, ngân sách theo Điều 5 sẽ giúp TP có điều kiện để chủ động hơn trong việc bố trí, đầu tư phát triển các khu vực công, trong đó có giáo dục. NQ98 sẽ là động lực và cơ hội cho giáo dục”, bà Thủy bày tỏ.

Ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP.HCM – nhận định, hiện nay giáo dục TP đang đứng trước áp lực lớn về trường lớp, sĩ số học sinh đông bởi sự gia tăng dân số mỗi năm. Mặc dù hàng năm TP đầu tư cơ sở vật chất, đưa vào sử dụng nhiều phòng học tuy nhiên vẫn chưa thể đáp ứng đủ yêu cầu việc dạy 2 buổi theo chương trình phổ thông mới. Đây cũng là một trong những thách thức rất lớn cho TP. Bên cạnh đó là việc tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức.

Trên cơ sở các cơ chế, chính sách của NQ98, ông Bình kỳ vọng nhiều dự án kêu gọi hợp tác PPP trong lĩnh vực giáo dục sẽ được thực hiện để giảm áp lực trường lớp; đồng thời sẽ thu hút được nhiều giáo viên, nguồn nhân lực cho ngành giáo dục để nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới.

“NQ98 ban hành, trong đó có điều khoản thực hiện hình thức hợp tác PPP trên lĩnh vực y tế, GD-ĐT, văn hóa – thể thao. Qua đó, HĐND TP đã ban hành NQ quy định mức chuẩn đầu tư các lĩnh vực này. Trên cơ sở NQ của HĐND TP, UBND TP đang tổ chức triển khai đến tất cả các sở, ban ngành, quận huyện, TP.Thủ Đức nhằm tổng hợp nhu cầu các dự án để có thể kêu gọi hợp tác PPP trên lĩnh vực giáo dục. Hiện các địa phương cũng đang khẩn trương thực hiện để kỳ họp cuối năm sẽ trình chính thức danh mục các dự án kêu gọi hợp tác công tư lĩnh vực giáo dục cho HĐND TP, qua đó sẽ mời gọi các nhà đầu tư tham gia”, ông Bình thông tin.

Minh Phương

 

Bình luận (0)