Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần bỏ thi đại học, cao đẳng cấp quốc gia

Tạp Chí Giáo Dục

GS. Đào Trọng Thi trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí. Ảnh: N.H
Việc nhiều trường ĐH đồng loạt đòi “tự chủ” trong thời gian qua không có gì khó hiểu trong bối cảnh hiện nay, khi mà “chiếc áo” ĐH đã quá chật để phát triển.
Đứng trước vấn đề này, GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội cho biết: Việc cấp phép, thành lập trường có hai vấn đề, nếu mình muốn tạo ra sự tự chủ nhiều hơn thì khi đó hành lang pháp lý của mình phải chặt chẽ. Các trường được quyền tự chủ trong khuôn khổ là một chuyện nhưng hiện nay ta đang thực hiện cấp phép, thành lập trường theo hình thức “xin – cho”, không những thế đã xin nhưng không đáp ứng đầy đủ vẫn cho.
Mở ngành cũng vậy, nếu mở ngành có một số yêu cầu đáp ứng nhu cầu xã hội, đội ngũ giáo viên đủ rồi thì mở, đó là một cách. Cách thứ hai, tôi cứ xin, anh cho, tôi mở, căn cứ vào tiêu chuẩn, nếu không đủ tiêu chuẩn thì chiếu cố. Nhưng có khi tôi đủ tiêu chuẩn rồi thì lại bị làm khó.
Vậy cách làm để đảm bảo cho các trường tự chủ là phải có quy định hành lang pháp lý. Hành lang pháp lý cao nhất là luật và luật đã quy định rồi thì không có quy định pháp lý nào khác đè lên luật. Còn nếu là nghị định, thông tư của bộ ban hành sẽ vướng vào các luật khác, như thế không có giá trị. Đây là cơ hội rất tốt để đưa vấn đề trên vào luật, tạo ra hành lang pháp lý, tạo quyền chủ động cho các trường.
Nên trao quyền tuyển sinh cho các trường
PV: Lãnh đạo của nhiều trường đại học đều có kiến nghị là bỏ thi ĐH. Theo giáo sư, có nên bỏ thi ĐH để thay thế bằng giải pháp khác như xét tuyển hồ sơ THPT?
– Tôi cho rằng, chúng ta phải tiến nhanh tới việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường trong việc thi tuyển để các trường tuyển được học sinh có năng lực nhất, đáp ứng với yêu cầu cụ thể của từng ngành học rất đa dạng hiện nay giữa các trường. Tổ chức thi tuyển theo “3 chung” hiện cũng có điểm tốt, tiết kiệm được một số hoạt động của các trường nhưng cái mất nhiều hơn. Khi chúng ta tuyển chung, không có đặc trưng gì của ĐH, trong khi các trường lại rất đa dạng về ngành nghề, về nhu cầu, về yêu cầu chất lượng. Tuy nhiên, theo tôi hiện nay chưa nên bỏ thi ĐH. Cách tổ chức như thế nào để đỡ căng thẳng và thêm hiệu quả thôi chứ bỏ hẳn không được với lý do sau:
Hiện nay nhu cầu học tập của thanh niên là rất lớn, trong khi chỗ ngồi ở trường ĐH lại ít. Ví dụ, có trường tỷ lệ chọi 1/10, thậm chí có trường 1/20. Để thực hiện xem xét hồ sơ của thí sinh, mỗi trường có yêu cầu khác nhau, đánh giá khác nhau, có khi chỗ này giỏi, chỗ kia kém… Trong khi đó, tìm giải pháp đơn giản là xét tuyển để thay thế cho sự chọn lọc là không công bằng, có thể sẽ tiêu cực nhiều. Ở các nước khác, họ làm được là chỉ có 1,5 thí sinh chọn lấy 1, lại có nhiều trường ĐH để học sinh chọn.
Như vậy, vẫn tổ chức thi tuyển sinh nhưng nó chỉ ở mức độ trường chứ không phải cấp quốc gia nữa và Bộ GD-ĐT cũng không phải tham gia vào. Thi tuyển như hiện nay, tự nhiên mình quan trọng hóa vấn đề, làm to chuyện, tạo cho xã hội không khí nặng nề, càng làm ra lộn xộn, càng gây ra tiêu cực, sức ép… Trong khi đó, để cho các trường tự tổ chức tuyển sinh thì vấn đề này chỉ ở một trường tuyển học sinh.
Như vậy, theo giáo sư, Bộ GD-ĐT nên giao cho từng trường tự tổ chức tuyển sinh?
– Nên giao cho từng trường tự tổ chức tuyển sinh. Có những trường không ra được đề thi thì họ dùng đề thi của trường khác mà họ cảm thấy phù hợp. Vấn đề này, để cho trường đó quyết định, tự chọn đề thi chứ không phải bộ quyết định nhưng phải hiểu, các trường tự quyết định việc chứ không phải các trường tự làm, đó là hai vấn đề khác nhau.
Bây giờ việc soạn giáo trình cũng vậy, bộ giao cho các trường quyết định lựa chọn giáo trình chứ bộ không giao cho các trường tự làm giáo trình vì có trường không có giáo sư, giảng viên giỏi thì làm sao soạn được giáo trình? Các trường có quyền quyết định lựa chọn, sử dụng giáo trình nào phù hợp với mình chứ không phải Bộ GD-ĐT yêu cầu trường này dùng giáo trình này, trường kia dùng giáo trình kia nữa. Như vậy, chúng ta tôn trọng quyền tự quyết của các trường, đó là vấn đề tự chủ của các trường nhưng điều này không phải các trường tự lực làm được tất cả mọi việc, hai vấn đề khác hẳn nhau.
Trở lại mô hình trước “3 chung”
Thực tế hiện nay, những trường có tỷ lệ đăng ký dự thi và chỉ tiêu cao, tính áp lực cạnh tranh cao thì họ có thể tổ chức thi tuyển nhưng đối với những trường mà chỉ tiêu và số thí sinh đăng ký thi vào không quá chênh lệch, thậm chí ngang bằng thì người ta có thể áp dụng hình thức ghi danh và lựa chọn hồ sơ?
– Trước mắt thì chưa nên, nếu như vậy thì lại rơi vào tình trạng các trường tuyển lung tung. Có trường khi tổ chức thi, chỉ 2-3 điểm đỗ, cũng tự bảo mình tổ chức tuyển vì hiện nay có trường số lượng thí sinh đăng ký thấp hơn mức nhận tuyển. Nếu mình chấp nhận như vậy thì lại quá dễ dãi và ảnh hưởng đến chất lượng. Như vậy là thiệt cho nhân dân, thiệt cho người học.
Vậy phải chăng chúng ta nên quay lại mô hình mỗi trường tự tổ chức tuyển sinh như trước đây thực hiện?
– Tôi nghĩ chúng ta nên quay lại hình thức các trường tự làm, tự quyết định tuyển sinh. Bên cạnh đó, những gì tốt đẹp của “3 chung” thì nên sử dụng lại. Ví dụ: Các trường có thể dùng đề thi chung của nhóm trường chứ không dùng đề chung cấp quốc gia nữa. Chung ở đây có nghĩa là tự nguyện.
Còn thời gian tuyển sinh của các trường như thế nào thưa giáo sư?
– Tôi nghĩ, không nên bắt các trường thi vào một đợt, một ngày. Nên để các trường được lựa chọn thời gian tuyển sinh. Các trường thực hiện tuyển sinh cũng phải có thời điểm như thời điểm sau khi học sinh thi tốt nghiệp phổ thông, có thời gian nhất định chuẩn bị hồ sơ, các trường có thời gian chuẩn bị tổ chức, chấm thi… tuyển sinh và khai giảng vào thời gian quy định. Như vậy sự xê dịch ở đây không lớn nhưng các trường có thể chọn ngày.
Giáo sư có thể nói rõ hơn về giao quyền tự chủ cho các trường?
– Tự chủ và tự chịu trách nhiệm, chủ trương này nói từ lâu nhưng nếu thực hiện không thể áp dụng tự chủ cho các trường như nhau mà căn cứ vào vị trí, năng lực của trường đó. Giữa trường công lập và tư thục hoạt động khác nhau nên tự chủ cũng phải khác nhau. Tự chủ chia làm hai việc: Thứ nhất, tự chủ chuyên môn áp dụng giống nhau như nghiên cứu khoa học, chương trình đào tạo, liên kết đào tạo. Thứ hai, tự chủ tài chính và nhân lực giữa các trường khác nhau vì một bên Nhà nước làm chủ, tiền ngân sách, một bên tư nhân làm chủ.
Do vậy, muốn có quy định cụ thể về tự chủ, phải phân loại cụ thể từng trường theo vị trí khác nhau. Ví dụ: Trường ĐH vùng khác với ĐH ngoài công lập, khác với ĐH công lập…
Xin cảm ơn giáo sư!
Nghiêm Huê

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)