TP.HCM hiện có 17 sở, 14 cơ quan ngang sở, 22 quận/huyện/TP; hơn 1.800 đơn vị sự nghiệp và 23 hội đặc thù. Trong khi đó, số biên chế công chức thực có tại các sở/ngành, quận/huyện/TP còn thiếu nhiều so với biên chế được Trung ương giao hàng năm. Không những vậy, một số công chức chưa đáp ứng được yêu cầu công việc. Thực trạng này đòi hỏi công tác tuyển dụng cũng như chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của TP cần có sự thay đổi.
Ngành GD-ĐT TP.HCM tổ chức phỏng vấn xét tuyển công chức, viên chức. Ảnh: M.Phương
Được đào tạo ở nước ngoài cũng… yếu
Theo ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM, năng lực thực hiện công việc của đội ngũ công chức hiện nay khá yếu. Cụ thể viết kế hoạch, đề án thực hiện nhiệm vụ được giao, đa số không làm được hoặc làm với chất lượng không tốt; thậm chí có những công chức trẻ được đào tạo ở nước ngoài cũng không làm được. Thực tế là vậy nhưng chúng ta lại chưa có sự thay đổi trong tuyển dụng…
“Là công chức đòi hỏi phải hiểu biết về pháp luật, hiểu về chức năng nhiệm vụ quản lý Nhà nước; cách xây dựng đề án chính sách như thế nào; tổ chức triển khai theo kiểu Nhà nước ra sao? Vì thế, nếu tuyển một kỹ sư xây dựng, kỹ sư điện tử vào Sở Khoa học – Công nghệ làm thì rất khó đáp ứng yêu cầu. Có thể họ giỏi chuyên môn xây dựng, điện tử nhưng về chuyên môn công chức lại là chuyện khác. Theo kinh nghiệm của Hàn Quốc, tuyển công chức chính là thi tuyển quốc gia. Sau khi trúng tuyển, nhân sự không làm việc ngay tại các sở, bộ ngành mà phải dành từ 3-6 tháng để tham gia khóa học tại trường hành chính quốc gia. Nên chăng công tác tuyển dụng công chức tại TP.HCM cần nghiên cứu lại toàn bộ hệ thống, xây dựng lại quy trình, tránh tình trạng tuyển xong rồi phải “cầm tay chỉ việc”. Quá trình tuyển dụng không chỉ tập trung vào chuyên môn mà quan trọng là kỹ năng và tư duy. Từ tư duy sẽ cho ra hành động. Tư duy như thế nào thì gặp khó khăn, thách thức, công chức đó sẽ nghĩ ra cách giải quyết. Đây mới là cái cần. Cùng với đó, cần thay đổi cả nội dung, chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hiện nay vì không có gì mới, thậm chí hời hợt…”, ông Dũng nói.
Công chức phường đăng ký học… tiến sĩ công nghệ sinh học “Có công chức ở phường đăng ký học tiến sĩ công nghệ sinh học nhưng học về để làm gì khi mà tiến sĩ chỉ làm nghiên cứu khoa học? Rồi có những người học xong về là nghỉ…”, ông Nguyễn Việt Dũng – Giám đốc Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM – tâm tư. |
Là người sử dụng lao động, ông Dũng từng hỏi một số công chức được bồi dưỡng về kinh tế số rằng: “Chuyển đổi số là gì?” “bắt đầu từ đâu khi chuyển đổi số”… Kết quả là ông chỉ nhận được những câu trả lời chung chung mang tính định nghĩa.
Cũng theo ông Dũng, hệ thống chính trị của chúng ta đang cần nhiều về chính sách công, tài chính công, đầu tư công nhưng lại không tập trung đào tạo bồi dưỡng nội dung này. Vì thế, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hiện nay nên có khảo sát, nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện. Đồng thời, lựa chọn nơi giảng dạy phù hợp vì quan trọng là cập nhật kiến thức mới, kỹ năng cho người được bồi dưỡng. Phải hướng đến mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xong sẽ làm được cái gì…
Bố trí công việc phải chú ý thái độ và kỹ năng
Trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chương trình công tác năm 2021 của Sở Nội vụ TP.HCM, cơ quan này tiếp tục tham mưu UBND TP về thực hiện đổi mới hình thức tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển và đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm đã được phê duyệt. Cùng với đó, tham mưu công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của TP. Năm 2020, cơ quan này tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 1.000 người; năm 2021 sẽ là hơn 2.000 người.
Trên cơ sở này và thực trạng năng lực của công chức hiện nay, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM – cho rằng, đội ngũ công chức sau khi được tuyển dụng phải tiếp tục qua đào tạo, ngay cả với tiêu chuẩn chính trị. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của TP nên có thể làm được.
Bố trí công việc phải chú ý, chuyên môn tốt vẫn đứng sau thái độ và kỹ năng Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong thì: Khi bố trí công việc trong biểu đồ nhân sự phải chú ý, chuyên môn tốt vẫn đứng sau thái độ và kỹ năng. Thực tiễn cho thấy, chuyên môn tốt chưa phải là yếu tố quyết định mà quan trọng là thái độ với công việc. Cán bộ làm ở vị trí càng cao thì thái độ là hết sức quan trọng… |
Ông Phong nhìn nhận, tuyển dụng công chức chủ yếu qua thi tuyển về chuyên môn, trong quá trình công tác, trải nghiệm thực tiễn họ mới dần “lớn lên” về thái độ và kỹ năng. Vì thế khi bố trí công việc trong biểu đồ nhân sự phải chú ý, chuyên môn tốt vẫn đứng sau thái độ và kỹ năng. Hơn nữa, theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia, năng lực con người dựa vào 4% kiến thức, 26% là kỹ năng và đến 70% là thái độ.
“Thực tiễn cho thấy, chuyên môn tốt chưa phải là yếu tố quyết định mà quan trọng là thái độ với công việc. Cán bộ làm ở vị trí càng cao thì thái độ là hết sức quan trọng. Hiện có một số cán bộ chuyên môn giỏi đang làm ở vị trí thấp, nhưng khi bố trí sang vị trí cao, áp lực công việc lớn, gặp khó khăn thì lập tức xin chuyển hoặc xin nghỉ việc. Một cán bộ thiếu tinh thần vượt khó sẽ không bao giờ “trưởng thành”…”, ông Phong nói.
Cũng theo ông Phong, hiện một số chương trình đào tạo sinh viên không áp dụng được sau khi tốt nghiệp ra trường làm việc. Vì thế, Sở Nội vụ cần phối hợp với Học viện Cán bộ TP xây dựng chương trình đào tạo đội ngũ cán bộ riêng cho TP. Và điều quan trọng là sau khi được đào tạo thì cán bộ phải tích lũy, rút ra được cái gì để áp dụng vào công việc…
Minh Phương
Bình luận (0)