Hiện tượng cán bộ y tế rời quê hương để tới những thành phố lớn đã không còn là câu chuyện ở một tỉnh, một vùng… Phải thừa nhận là các tỉnh hầu như chưa có chính sách đãi ngộ xứng đáng.
Đãi ngộ chưa xứng đáng
Hoà Bình, trong 7-8 năm qua đã có 10 cán bộ y tế chủ chốt xin chuyển đi. Sau khi đi học thạc sĩ hoặc bồi dưỡng chuyên môn theo dự án của tỉnh, họ chỉ công tác thêm 1-2 năm rồi có đơn xin chuyển lên tuyến T.Ư.
Một thạc sĩ là phó khoa Hồi sức cấp cứu lên Viện các Bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia, một thạc sĩ nội khoa đầu quân cho Viện Lao và Bệnh phổi T.Ư, một bác sĩ (BS) chuyên khoa I xin về BV Y học cổ truyền T.Ư…
BS Trần Quang Khánh – PGĐ Sở Y tế tỉnh – cho hay: "Từ 1.3 tới, GĐ Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ tỉnh cũng sẽ bắt đầu hưởng lương tại trung tâm này của Bộ Y tế. Khi nhận bằng thạc sĩ, tất cả đều được tỉnh thưởng 10 triệu đồng. Nhưng họ sẵn sàng trả lại để không vấn vương khi dứt áo ra đi. Ngoài lời nói mong mỏi họ ở lại, chúng tôi không thể có một chính sách đãi ngộ nào để có thể giữ chân họ".
BS Khánh cho biết thêm: Năm 2008, các BV, cơ sở y tế trong tỉnh Hòa Bình đề xuất xin 65 bác sĩ, nhưng chỉ tuyển được 16 bác sĩ, chưa đủ cho nhu cầu của BV Đa khoa tỉnh cần khoảng 30 người. Các BV huyện năm nào cũng xin BS, nhưng rồi càng xin càng vô vọng. Bác sĩ thiếu, còn dược sĩ, nhất là dược sĩ đại học thì… bó tay.
Toàn tỉnh Cao Bằng có 180 BS và còn thiếu tới 110 BS. 119 xã/phường nhưng chỉ có 37 xã có BS. Theo BS Lục Văn Đại – PGĐ Sở Y tế Cao Bằng: "Từ khi có Chỉ thị 06 về củng cố công tác y tế cơ sở, đã có khoảng 20 y sĩ tại tuyến xã được cấp kinh phí học nâng cao thành BS. Từ BS tuyến huyện trở lên, muốn đi học phải tự bỏ kinh phí. Sau khi được đào tạo, đa số vẫn ở lại địa phương. Nhưng một số người đã chọn con đường cống hiến ở nơi khác".
Để có thể chuyển công tác sang tỉnh Lai Châu, một nữ bác sĩ ở tuyến xã sẵn sàng hoàn lại kinh phí đào tạo + tài liệu + hỗ trợ đi lại cho 4 năm học từ nguồn ngân sách. Tại BV Đa khoa tỉnh, một bác sĩ ngoại khoa đã chuyển vào Đắc Lắc, một thạc sĩ chuyển ra Bạch Mai, một BS chuyên khoa I chuyển vào Nam làm việc. Họ đều chưa đến 35 tuổi và không hẹn một ngày trở lại.
Thu hút nhân lực bằng cách nào?
Cao Bằng là một trong 6 tỉnh nghèo nhất nước. Theo BS Đại, ngành y tế đã nhiều lần báo cáo với tỉnh về việc xin một cơ chế đãi ngộ xứng đáng cho cán bộ y tế. Nhưng chuyện chảy máu chất xám cũng xảy ra ở các lĩnh vực khác, nên dù y tế là ngành đặc thù, cũng rất khó khăn để đưa ra một chính sách riêng.
PGS – TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu TƯ – nhìn nhận: "Xu hướng chuyển nhân lực y tế về các tuyến cao hơn, thậm chí chuyển ra ngoài làm tư là chuyện bình thường, theo khuynh hướng tất yếu không thể đảo ngược. Không phải ai ra đi cũng vì lợi ích kinh tế. Là một người thủ trưởng, điều quan trọng nhất là tạo cho mỗi nhân viên những cơ hội phấn đấu, môi trường làm việc tốt nhất, để họ có thể phấn đấu hết sức mình cho sự thành đạt của họ. Làm được điều đó là đã nắm giữ được trái tim của người cán bộ y tế và họ không thể dễ dàng ra đi".
Quang Duy (laodong)
Bình luận (0)