Sự kiện giáo dụcTin tức

Cán bộ y tế dự phòng thiếu và yếu: Dịch bệnh tràn lan, trường học lãnh đủ

Tạp Chí Giáo Dục

 

Thiếu cả số lượng lẫn chất lượng

Cán bộ y tế thiếu và yếu là một trong những nguyên nhân dịch bệnh tràn vào trường học

Theo báo cáo của Vụ Khoa học và Đào tạo (Bộ Y tế), từ năm 2006 đến 2010, cả nước cần bổ sung thêm 9.800 cán bộ YTDP có trình độ đại học và sau đại học. Trong đó, tuyến trung ương là 996 người, tuyến tỉnh là 4.324 người và tuyến huyện là 4.480 người. Tuy nhiên mãi đến năm 2007 loại hình đào tạo riêng cho YTDP mới ra đời. Và đến năm 2012 mới có sinh viên ra trường – khoảng 50 người.
Phân tích về chất lượng đội ngũ cán bộ YTDP hiện có của các tỉnh, thành (13.319 người), đại diện Vụ Tổ chức Cán bộ (Bộ Y tế) cho biết: Số người có trình độ từ cao đẳng trở lên chỉ có 45,4%, còn lại là sơ cấp và trung học. Trong khi đó, nhiệm vụ của cán bộ YTDP tuyến tỉnh không nhẹ chút nào. Từ công tác phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm đến phòng chống HIV/AIDS, phòng chống sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng (ở những tỉnh được phân loại có sốt rét trọng điểm), kiểm dịch y tế ở những tỉnh có cửa khẩu quốc tế. Thậm chí các cán bộ YTDP tuyến tỉnh còn kiêm luôn nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người dân…
Riêng đối với tuyến trung ương, hiện cả nước có 10 viện với chức năng tổng hợp và nghiên cứu. Năm 2009, tổng số biên chế được giao của các viện là 1.493 người. Nhưng đến nay mới chỉ tuyển được 1.231 người, còn thiếu 262 người.
Giải thích về việc cán bộ YTDP thiếu và yếu, đại diện Vụ Tổ chức Cán bộ khẳng định: “Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập còn thấp, chưa phù hợp. Bác sĩ ở các đơn vị dự phòng không có điều kiện làm thêm dịch vụ khám, chữa bệnh ngoài giờ do tính chất công việc và thường xuyên phải công tác lưu động. Ngoài ra, sinh viên theo học chuyên khoa bác sĩ y học dự phòng còn ít nên nguồn tuyển dụng hạn chế. Mặt khác, vấn đề tạo mọi điều kiện để cán bộ làm việc còn nhiều hạn chế, do vậy nhiều cán bộ có tay nghề đã bỏ việc hoặc chuyển công tác khác…”.
PGS.TS Nguyễn Thanh Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cũng cho biết: “Nước ta đang gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống HIV/AIDS do nguồn nhân lực vừa thiếu vừa yếu. Cả nước hiện chỉ có 1.295 người hoạt động phòng chống HIV/AIDS, trong đó chủ yếu là cán bộ có trình độ trung học…”. 
Bệnh mới, bệnh cũ cùng bùng phát
PGS.TS Phạm Lê Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết: “YTDP có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe từ tuyến chăm sóc ban đầu đến chăm sóc chuyên khoa”.
Có vai trò quan trọng như vậy nhưng do nhân lực thiếu và yếu nên tình hình dịch bệnh ở nước ta ngày càng gia tăng. Thậm chí có những bệnh đã thanh toán được 2-3 năm nhưng sau đó lại quay lại. Còn các dịch bệnh mới thì rất khó khống chế…
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng & Môi trường (Bộ Y tế), trong năm 2009 tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Điển hình là sự xuất hiện của dịch cúm A/H1N1 – trong tháng 6 có 20 tỉnh, thành có người mắc bệnh, tháng 7 tăng lên 29 tỉnh, thành. Chỉ 3 tháng sau (tháng 10) đã tăng lên 60 tỉnh, thành và đến tháng 11 thì lây lan ra cả nước. Hiện cả nước có trên 11 ngàn ca dương tính, trong đó có 46 ca tử vong. Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH), năm 2002, số ca mắc bắt đầu giảm mạnh so với năm 1998, 1999. Cụ thể như ở miền Trung, năm 1998, cứ 100.000 dân thì có 638 ca mắc SXH, miền Nam là 429 ca. Đến năm 2002, giảm xuống còn 65 ca với cả 2 miền. Tuy nhiên đến năm 2008 thì bắt đầu có chiều hướng tăng lên, nhất là các tỉnh phía Nam – chiếm 75% số ca mắc trong cả nước. Với dịch tả, năm 2005 và 2006, cả nước không ghi nhận trường hợp nào nhưng đến năm 2007 thì dịch bệnh quay trở lại. Song song là các dịch bệnh như cúm A/H5N1, sốt rét, tay chân miệng… 
Dự báo về tình hình dịch bệnh trong thời gian tới, đại diện Cục Y tế dự phòng & Môi trường cho biết: “Đại dịch cúm A/H1N1 tiếp tục lây lan trong cộng đồng, có thể tăng mạnh trong mùa đông này. Dịch cúm A/H5N1 vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn, nhất là trong mùa lạnh điều kiện thuận lợi để virus phát triển. Dịch tả có nguy cơ xuất hiện trở lại vào dịp cuối năm, do hiện tượng tụ tập ăn uống đông người. Đặc biệt có một số dịch bệnh mới nổi như Ebola, sốt thung lũng Rlif và dịch hạch thể phổi đang xảy ra tại một số quốc gia trên thế giới có nguy cơ xâm nhập vào nước ta…”.
Trường học… “lãnh đủ”

Cán bộ YTDP thiếu và yếu, dịch bệnh ngày càng gia tăng

Dịch bệnh bùng phát không chỉ gây quá tải cho các bệnh viện mà còn làm xáo trộn hoạt động của khu vực trường học. Điển hình là đại dịch cúm A/H1N1 đã khiến hàng loạt trường học phải tạm đóng cửa, hoặc cho một số lớp nghỉ. Chẳng hạn như ở Trường dân lập Ngô Thời Nhiệm, dân lập Nguyễn Khuyến, THPT chuyên Lê Hồng Phong… khi phát hiện có học sinh bị nhiễm cúm A/H1N1, các trường đã phải tạm đóng cửa 2 tuần theo yêu cầu của Sở Y tế TP.HCM. Rồi những trường như THCS Lam Sơn (Q.6), THCS Trần Văn Ơn (Q.1) và hàng trăm trường phổ thông khác có học sinh bị cúm đều phải cho các em nghỉ học.
Không chỉ cúm A/H1N1 “làm khổ” các trường mà các dịch bệnh lây nhiễm khác như tay chân miệng, Rubella, sốt phát ban cũng khiến cho hoạt động dạy và học ở nhiều trường bị ảnh hưởng.
Và mỗi khi phát hiện ra một ổ dịch ở trường học, nhiều nhân viên và cán bộ của ngành y tế lại kéo tới các trường điều tra, cũng như đổ lỗi cho nhà trường. Song, trên thực tế, mầm mống của dịch bệnh không phải từ trong trường mà là ở ngoài xã hội. Một cán bộ phụ trách công tác y tế ở Sở GD-ĐT TP.HCM bức xúc: “Trước đây, tại một trường mầm non trên địa bàn Q.6 có mấy bé bị tay chân miệng. Nguyên nhân là một bé mắc bệnh nhưng vẫn đi học và lây cho các bé khác trong trường. Thế nhưng ngành y tế lại chỉ trích nhà trường, thậm chí còn kiến nghị lãnh đạo quận phê bình nhà trường thiếu trách nhiệm để xảy ra dịch bệnh”…
Tại buổi họp triển khai thang điểm y tế học đường năm học 2009-2010, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn đã khẳng định: “Công việc chính của nhà trường là dạy học, dù rằng việc bảo vệ – chăm sóc sức khỏe cho học sinh cũng quan trọng”. Điều đó có nghĩa, ngành giáo dục chỉ có thể phụ với ngành y tế chăm sóc sức khỏe cho học sinh chứ không thể làm thay ngành y tế. Và lại càng không thể ngăn không cho dịch bệnh xuất hiện trong trường…
Bài & ảnh: Hòa Triều
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu yêu cầu các địa phương tập trung vào công tác tuyển dụng cán bộ hoạt động trong lĩnh vực YTDP vì hiện nay nước ta đang thiếu hụt cán bộ hoạt động trong lĩnh vực này ở tất cả các tuyến.Đặc biệt, tại tuyến huyện có đến 70% cán bộ chưa được đào tạo chuyên ngành, có nhiều tỉnh hơn 20 năm chưa tuyển được cán bộ YTDP. Đồng thời, các địa phương cũng phải đưa ra giải pháp phòng chống những loại dịch bệnh phù hợp với từng vùng cụ thể.
 

 

Bình luận (0)