Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Cần cảnh giác khi đi xe buýt

Tạp Chí Giáo Dục

Trên một chuyến xe buýt Bến Thành – Suối Tiên. Ảnh: MÊ TÂM

Xe buýt là một phương tiện đi lại khá hữu dụng và nhanh gọn. Chỉ với hơn 100 ngàn đồng mỗi tháng với mọi tuyến xe là bạn có thể đi đến khắp nơi trong thành phố. Nhưng hiện nay xe buýt lại bị lợi dụng là một điểm thuận lợi cho bọn “siêu đạo chích” hoạt động trộm cắp tài sản.
Cảnh giác với những kẻ gian
Tôi từng chứng kiến cảnh nhiều bạn học sinh, sinh viên buổi sáng đi học trên những chiếc xe buýt chật như nêm, phải đứng một chân, lúc xuống xe lục trong túi quần túi áo rồi trong cặp thì nào ví tiền, điện thoại di động đã không cánh mà bay. Nhiều trường hợp khóc dở mếu dở vì vừa bị muộn học lại vừa mất đồ, nhiều bạn đã phải bấm bụng vào lớp trong khi tên trộm đã cao chạy xa bay.
Thủ đoạn chủ yếu của những tên siêu đạo “chôm đồ” này là vờ đóng giả những hành khách bất đắc dĩ rồi tranh thủ lợi dụng tình trạng đông người chen lấn, trên xe buýt để móc đồ. Bọn chúng thường đi theo nhóm một đến ba tên, hai tên đứng vòng ngoài bao quanh con mồi để tên thứ ba đứng sau con mồi tranh thủ thời cơ móc túi. Có những trường hợp chúng lợi dụng đến điểm đỗ tranh thủ lúc mọi người ồ ạt xuống xe thì đi sát với nạn nhân rồi rút nhẹ từ phía sau mà nạn nhân không hề hay biết để khi xuống rồi thì mới té ngửa vì đã mất điện thoại hay ví tiền. Với những bọn trộm này thì chúng thường theo dõi con mồi từ trước, nhắm đến nạn nhân là học sinh, sinh viên do tâm lý bất cẩn không đề phòng, hơn nữa do vội vì sợ trễ học nên không để ý. Những bạn sinh viên phải sống cảnh xa nhà, ở trọ xa trường thì nếu mất đồ sẽ là một thiệt hại kinh tế khá lớn đối với túi tiền vốn eo hẹp của các bạn.
Đi tìm giải pháp
Tốt nhất là nên tránh đi các xe buýt quá tải hoặc khi lên xe, những đồ vật có giá trị như đồng hồ, điện thoại di động, ví tiền mọi người nên cất vào túi trong của ba lô hoặc cặp, tốt nhất là nên cầm ba lô trên tay và thường xuyên kiểm tra khóa túi xem đã đóng kín hay chưa. Đối với điện thoại di động là một món đồ rất dễ bị những tên trộm “nẫng” đi một cách nhanh chóng thì nên cho vào túi quần hoặc túi áo có khóa và phải thường xuyên để tay cạnh túi áo hoặc quần đựng điện thoại. Không nên cầm ví và điện thoại trên tay lúc trên xe vì như vậy rất dễ rơi vào tầm ngắm của mấy tên trộm gian manh lợi dụng chớp thời cơ.
Thiết nghĩ, tình trạng này xảy ra không phải là hiếm, thế nên đối với phía Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng, việc làm thẻ hoặc bán vé xe buýt nên có biện pháp thắt chặt ngay từ công đoạn bán vé. Đối với người dân nói chung nên vận động khuyến khích họ mua vé tháng nhằm tránh tình trạng kẻ xấu trà trộn. Ngay cả đối với việc bán vé ngày nên siết chặt bằng cách như người mua vé phải mang theo chứng minh thư hoặc có thẻ học sinh, sinh viên. Trên xe buýt cần có lắp đặt hệ thống loa đài nhắc nhở mọi người bảo quản tài sản an toàn hoặc có dán các tấm biển nhỏ nhắc nhở. Bên cạnh đó cũng cần mở rộng hệ thống đón nhận ý kiến góp ý, hoặc những sáng kiến của mỗi người đi xe nhằm làm giảm tình trạng mất đồ trên xe.
Ngay từ bây giờ nên có sự phối hợp đồng bộ giữa người đi xe và nhà quản lý hoạt động của các tuyến xe buýt. Mỗi người nên có ý thức tự bảo vệ tài sản của chính mình cùng với sự cải thiện từ chính đơn vị quản lý xe buýt để từ đó xe buýt sẽ không còn là một phương tiện tiếp tay cho những hành vi xấu.
Thanh Tâm

Bình luận (0)