Sau một thời gian khảo sát, thăm dò, việc khai quật cổ vật và trục vớt con tàu cổ đắm tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi) chính thức bắt đầu vào sáng hôm nay 4.6.
Ban khảo sát, thăm dò, khai quật khảo cổ di sản văn hóa dưới nước tại vùng biển thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H.Bình Sơn mời các chuyên gia khảo cổ học của Bộ VH-TT-DL phối hợp cùng Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương (TP.HCM) tiến hành khai quật tàu cổ đắm dưới biển với thời gian dự kiến trong vòng 60 ngày.
Do con tàu cổ đắm chỉ cách bờ vài chục mét nên Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương thay đổi phương pháp khai quật không sử dụng thợ lặn mà đầu tư khoảng 10,5 tỉ đồng thi công đê vây chắn sóng, ngăn nước bao quanh tàu cổ đắm trên diện tích 300 m2.
Đê vây bao quanh con tàu cổ đắm Hút nước, bơm cát từ bên trong cừ vây ra ngoài Lộ ra nhiều cổ vật bị bể và còn nguyên vẹn ngay phần đuôi tàu cổ đắm Một phần đuôi của be tàu cổ Phần mạn tàu cổ và một khối gốm sứ bị cháy dinh liền nhau Phát lộ phần mũi tàu cổ Các nhà khảo cổ học xem xét các cổ vật được tìm thấy |
Sáng 4.6, khi bơm cạn nước biển, hút cát bên trong cừ vây ra ngoài, con tàu cổ đã phát lộ hình dáng của con tàu cổ từ đuôi đến mũi tàu; đồng thời còn lộ ra nhiều cổ vật bị bể và còn nguyên vẹn ngay phần đuôi tàu cổ đắm mà trước đó ngư dân khai thác trái phép còn để sót lại.
Theo TS Nguyễn Đình Chiến, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Ủy viên Hội đồng thẩm định cổ vật Bộ VH-TT-DL, con tàu cổ đắm có chiều dài 25 m, rộng 5 m. TS Chiến cho rằng, trong số 5 con tàu cổ đắm ở vùng biển VN đã được khai quật thì con tàu cổ đắm ở thôn Châu Thuận Biển thuộc loại có kích thước trung bình.
Tại hiện trường khai quật, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy một số cổ vật có hình dáng khác so với những hiện vật mà các cơ quan chức năng thu giữ của ngư dân lặn vớt trước đó như lọ đựng rượu có 4 tai, chén sứ, bát sứ hoa lan, men có hoa văn chìm.
“Theo đánh giá của chúng tôi, các loại gốm sứ trên tàu cổ đắm ở vùng biển thôn Châu Thuận Biển là đồ dân gian thời Nguyên, thế kỷ 14. Nhiều cổ vật gốm sứ tạo văn giống tương tự như hoa văn gốm thời Trần của Việt Nam”, TS Chiến nhận định.
Nhiều cổ vật có hình dáng, hoa văn khác so với những hiện vật mà các cơ quan chức năng thu giữ của ngư dân lặn vớt trước đó Đưa cổ vật từ tàu cổ lên sàn vật Nhân viên Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương phân loại cổ Số cổ vật tìm thấy trong sáng 4.6 – Ảnh: Hiển Cừ |
Cũng theo TS Chiến, việc thi công đê vây bao quanh con tàu cổ đắm quá thuận tiện cho việc khảo cổ, trục vớt cổ vật.
Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam và các nước trong khu vực mới tiến hành khai quật cổ vật, truc vớt tàu cổ đắm dưới biển theo phương pháp kết hợp vừa vừa dưới nước vừa trên cạn. Điều này hạn chế việc hư hỏng cổ vật trong quá trình khai quật và có thể trục vớt được xác tàu cổ đắm. “Hôm nay mới chỉ là mở đầu để mọi người nhìn thấy hình dáng con tàu, còn việc khai quật chính thức sẽ diễn ra trong vài ngày tới”, TS Chiến cho biết.
Theo ông Đoàn Sung, đại diện Công ty TNHH Đoàn Ánh Dương, sau khi thổi cát xung quanh và trên thân con tàu cổ sâu xuống khoảng 1 m sẽ lộ diện cả con tàu. Lúc này việc khai quật, trục vớt cổ vật mới bắt đầu theo hình thức cuốn chiếu, căng dây chia ra thành từng ô bắt đầu từ phần đuôi tàu đắm.
Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn, ước tính số lượng cổ vật trên tàu cổ đắm khoảng 40.000 món.
theo TNO
Bình luận (0)