Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cần cấp bách mở chợ, thông đường để cứu nông sản

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nông sản ở nhiều nơi đang ùn ứ trong khi đây là mặt hàng khó bảo quản, dễ hư hỏng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách phải có giải pháp tháo gỡ các nút thắt về vận chuyển, tiêu thụ để nông sản đến tay người tiêu dùng và công sức của nông dân không bị “đổ sông đổ biển”.

Không nên cấm nông dân ra đồng

Ông Võ Quan Huy – Giám đốc Công ty TNHH An Huy Long An – cho biết, ông và các cán bộ kỹ thuật của công ty không thể trực tiếp xuống các trang trại để chỉ đạo sản xuất. Các trang trại chuối và tôm xuất khẩu của công ty nằm rải rác ở các tỉnh, cần được kiểm tra, rà soát liên tục về kỹ thuật, nhất là đối với vật nuôi có giá trị cao và khó chăm như tôm. Thế nhưng, suốt thời gian qua, ông chưa thể đến được các trang trại của mình do bị cấm di chuyển, dẫn đến tôm chết nhiều, không đạt chất lượng để xuất khẩu.

Một số cán bộ trụ cột hoặc kỹ thuật viên cũng gặp khó khi di chuyển từ nhà ra trang trại (trong cùng địa phương) để làm việc, thu hoạch do không có “giấy thông hành”. “Việc ra đồng ruộng làm việc thì có gì mà phải cấm, khi không gian ngoài đồng ruộng rất thoáng, người với người luôn ở khoảng cách xa nhau” – ông Võ Quan Huy bức xúc. 

Đồng bằng sông Cửu Long đang vào mù a thu hoạch vụ lú a hè thu, Bộ Nông nghiệ p và Phá t triể n nông thôn, Bộ Công Thương và các địa phương đang phối hợp tìm giải pháp tiêu thụ lúa gạo. Ảnh: Từ Nhân

Ông Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T, chuyên xuất khẩu trái cây vào Mỹ, Canada, Nhật, Úc – cho biết, quy định giới nghiêm từ 18g đến 6g sáng hôm sau đang gây khó cho doanh nghiệp (DN). Hầu hết người lao động đều ra vùng nguyên liệu từ 3g để thu hoạch, 6-7g đem sản phẩm về nhà máy; còn công nhân tại nhà máy thì làm việc đến khoảng 22 – 24g giờ. Quy định giới nghiêm đang khiến số giờ làm việc ít đi, công suất trước đây 200 tấn trái cây/ngày, nay sụt giảm đến 60 – 70%, trong khi đây là cơ hội tốt để gia tăng xuất khẩu. 

Anh Trần Ngọc Minh – Chủ vựa bắp Ngọc Minh, cung cấp bắp cho chợ Ngã Ba Bầu, vựa bắp lớn nhất TPHCM – cho biết, lúc trước, vựa của anh thu mua khoảng 20-30 tấn bắp/ngày từ các tỉnh. Hiện do chợ Ngã Ba Bầu ngưng hoạt động nên vựa anh chỉ cung cấp bắp cho các siêu thị với sản lượng rất ít, chỉ bằng 20 – 30% so với trước do đi lại thu hoạch, vận chuyển khó khăn, giá cả bị đội lên nhiều do chi phí vận chuyển tăng (tốn phí xét nghiệm COVID-19). Anh nói: “Những siêu thị bắt đầu thu mua lúc này thì chấp nhận giá cao, còn siêu thị nào đã ký hợp đồng từ trước thì vựa phải chịu lỗ vì không được lên giá. Chợ Ngã Ba Bầu là chợ tiêu thụ bắp lớn nhất cả nước và còn xuất khẩu. Việc đóng cửa chợ này khiến cả ngành bắp bị tê liệt”. 

Nhanh chóng khai chợ, thông đường 

Phó giáo sư – tiến sĩ Dương Hoa Xô – nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP.HCM – nhận định, giải pháp trước mắt là giải quyết ách tắc trong lưu thông, vận chuyển nông sản. Mặc dù xe chở nông sản đã được xếp vào “luồng xanh” nhưng theo phản ánh của các DN, việc lưu thông vẫn bị hạn chế do mỗi địa phương có quy định khác nhau, không đồng bộ. Tình hình này đòi hỏi phải có sự tháo gỡ quyết liệt của các bộ, ngành, các địa phương. Ông Dương Hoa Xô đề xuất, nên cấp đặc quyền cho các xe chở nông sản, thực phẩm nói chung (không bị kiểm tra, làm khó). Những tài xế nào đã tiêm vắc-xin thì có thể không cần giấy xét nghiệm và giấy xét nghiệm cũng cần dài hạn hơn để đỡ tốn chi phí DN, giảm áp lực lên giá thành nông sản. 

Theo ông Trần Viết Kiên – Giám đốc Công ty TNHH Hạt giống Nova – có tới 75% nông sản được phân phối tại các chợ truyền thống, hàng quán chứ không phải là siêu thị. Ông đặt câu hỏi: “Nếu nông sản ùn ứ, không thu hoạch được, nông dân không xuống giống thì hai tháng nữa, chúng ta sẽ ăn gì?”. Có những nơi, người dân chở hạt giống đi gieo trồng vẫn bị phạt vì không được coi là thiết yếu. Theo ông, cần tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan khi họ vẫn cho các chợ nhỏ hoạt động, mở cửa theo giờ hoặc theo ngày. Nông dân Thái Lan được trực tiếp đem nông sản đến các chợ nhỏ bán. Chợ Bangkok (lớn nhất Thái Lan) ngưng hoạt động nhưng những cửa hàng xung quanh chợ vẫn bán thực phẩm, vẫn đảm bảo nguyên tắc phòng dịch, nhờ vậy giá nông sản vẫn ổn định.

Ông Võ Quan Huy cũng đề xuất, chính quyền các địa phương có thể linh động mở thêm các chợ giãn cách tại các làng, ấp, xã, huyện, khuyến khích các hãng xe khách chuyển sang chở nông sản, thực phẩm mà người dân các tỉnh mua gửi cho người thân ở TP.HCM; riêng các chợ đầu mối ở TPHCM nhanh chóng mở lại theo hướng giãn cách, luân phiên, một sạp bán, sáu sạp nghỉ. 

Đồng bằng sông Cửu Long đang vào mùa thu hoạch vụ lúa hè thu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương và các địa phương đang phối hợp tìm giải pháp tiêu thụ lúa gạo. Ảnh: Từ Nhân

Theo tiến sĩ Huỳnh Thanh Trọng – giảng viên Trường đại học Kinh tế – Luật TPHCM – nếu nông sản không đi thẳng đến thành phố lớn được thì cũng phải lưu thông được trong nội bộ địa phương. Cần thiết lập các vùng xanh, vùng an toàn và các điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch để mở cửa lại các chợ, các kênh phân phối truyền thống phục vụ trong nội bộ vùng và dần mở rộng ra phù hợp với tình hình kiểm soát dịch. 

Đẩy mạnh dự báo, tăng cường liên kết 

Theo ông Dương Hoa Xô, hiện nay thương mại điện tử được đẩy mạnh nhưng nông dân khó tiếp cận kênh này. Do đó, rất cần các cơ quan cấp địa phương chủ động hợp tác với các trang thương mại điện tử để giới thiệu, bán nông sản cho người tiêu dùng. Đây là việc làm có ý nghĩa lâu dài trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp diễn. Riêng nông dân cũng phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất, nhất là các cây trồng, vật nuôi ngắn ngày do việc tiêu thụ mặt hàng khó khăn. 

Ông Nguyễn Đình Tùng cũng cho rằng, các cơ quan quản lý nông nghiệp địa phương cần dự báo tình hình cho nông dân, tư vấn nên trồng cây gì, không nên trồng cây gì. Đừng trồng theo phong trào và cần liên kết với DN, hợp tác xã trước khi trồng.

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Trọng đề xuất, với những sản phẩm có thể dự trữ được như lúa, gạo hoặc sản phẩm có thể chế biến để xuất khẩu như bắp, khoai, mì, đậu, nên có sự hỗ trợ tài chính (như cho vay 0% lãi suất) để khuyến khích các trung gian, DN thu mua của nông dân. Nếu chúng ta gia tăng chế biến nông sản, sẽ vừa giải quyết được ùn ứ, vừa gia tăng xuất khẩu. 

Ông Trần Công Thắng – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (thuộc Bộ NN-PTNT) – cho biết bộ đã thành lập hai tổ công tác đặc biệt để chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành. Tổ ở phía Bắc đã làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tổ chức hội nghị để thúc đẩy xuất khẩu. Hiện nay, để giải quyết ùn ứ nông sản, cần tiếp tục mở “luồng xanh” và hỗ trợ logistics. Các loại nông sản vừa qua bị ùn ứ là do có sự chuẩn bị chưa kỹ. Tới đây, sẽ có các giải pháp như hỗ trợ tín dụng để giúp DN thu mua lúa, trái cây, ưu tiên tiêm vắc-xin cho các cơ sở sản xuất để không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong tiêu thụ sản phẩm…

Không bán được hoa, nông dân Đà Lạt được khuyến khích trồng rau, củ

Hiệp hội hoa Đà Lạt (DFA) đã khuyến nghị các hộ trồng hoa chuyển một phần diện tích sang trồng rau, củ… do hàng trăm triệu cành hoa các loại không thể tiêu thụ, người trồng phải phá bỏ.
Ông Phan Thanh Sang – Chủ tịch DFA – cho biết đầu ra của hoa gần như bị cắt đứt hoàn toàn khi các tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội. Hoa tươi đồng loạt rớt giá, có loại giá giảm tới 70 – 80%. Chẳng hạn hoa ly giá từ hơn 100.000 đồng/bó trước đây hiện chỉ còn 20.000 – 30.000 đồng/bó nhưng cũng không có người mua, phải thuê nhân công nhổ bỏ. Nhiều hộ thiệt hại hàng tỷ đồng.

Theo DFA, giải pháp tình thế bây giờ là những hộ trồng hoa ngắn ngày (3-4 tháng/vụ) có thể chuyển sang trồng các loại rau, củ, tập trung vào những loại rau, củ, quả có thể bảo quản lâu như: cà rốt, khoai tây, khoai lang, bí, củ dền…. DFA sẽ kiến nghị Chính phủ, các ngân hàng có chính sách hỗ trợ người trồng hoa như giảm lãi suất, gia hạn, giãn nợ, tái cấp vốn.

Hiện tổng diện tích trồng hoa của Lâm Đồng khoảng 9.360ha, sản lượng khoảng 3,6 tỷ cành hoa/năm. Lượng hoa xuất khẩu chiếm khoảng 10%. Hơn 100 triệu cành hoa tươi đang bị tồn đọng. Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đang kêu gọi các DN, đơn vị, tập thể, cá nhân trong tỉnh và ngoài tỉnh hỗ trợ nông dân tiêu thụ hoa. Hiện giá hoa cúc chùm là 6.000 đồng/bó 5 cành, cúc đơn 15.000 đồng/bó 10 cành, hoa hồng 30.000 đồng/bó 50 cành; đồng tiền và cẩm chướng 10.000 – 15.000 đồng/bó 20 cành; hoa ly 30.000 đồng/bó 5 cành; hoa cát tường 30.000 đồng/kg, hoa salem 10.000 đồng/kg… 

Nguyễn Cẩm

Theo Thanh Hoa/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)