Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần cẩu tháp: Hiểm hoạ treo lơ lửng… trên đầu người dân

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay, việc sử dụng cần cẩu tháp trong thi công nhà cao tầng là điều không thể thiếu. Điều đáng ngại là đã có nhiều tai nạn xảy ra do cần cẩu đứt cáp, đổ trụ… đặc biệt, có nhiều toà nhà nằm ngay ven đường với những chiếc cần cẩu có cần ngang dài hàng chục mét và những khối bêtông giữ thăng bằng lơ lửng trên đầu người tham gia giao thông… gây cảm giác lo sợ cho người dân.

Nhiều tai nạn… đã xảy ra
Khoảng 20h ngày 14.10.2010, tại công trình thi công tổ hợp khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại, giáo dục và căn hộ Royal City (số 74 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội), một chiếc cần cẩu cùng dầm thép đã bất ngờ đổ sập vào nhà dân.
Cần cẩu thi công dự án trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, chợ Trung Hoà (Cầu Giấy, Hà Nội) luôn vươn ra khỏi phạm vi công trường xây dựng.
Vụ sập cần cẩu đã làm hư hỏng toàn bộ phần mái tôn trên tầng 4 của nhà số 25, ngách 72, ngõ 1 đường Nguyễn Trãi. Ngôi nhà số 27 bên cạnh bị sập gần như toàn bộ mái tầng 2, gian bếp của nhà 27 cũng tan hoang.
Rất may, không có thiệt hại về người. Vào sáng 19.10.2011, tại cầu Rạch Chiếc (phường An Phú, quận 2, TPHCM), chiếc cần cẩu dài hơn 10m, nặng hàng chục tấn do Nguyễn Văn Dân (25 tuổi, ngụ Nam Định) điều khiển thi công cầu Rạch Chiếc, khi giàn cần cẩu đang đưa bó sắt lên thi công thì bất ngờ phần đế cần cẩu bị nghiêng nên toàn bộ hệ thống cẩu này lật nhào xuống đập trúng đầu xe tải mang BKS 60N – 6136 do tài xế Phan Đức Nhã (39 tuổi, quê Đồng Nai) đang đổ dốc cầu, khiến giao thông trên xa lộ Hà Nội bị ùn tắc nghiêm trọng. 
Hà Nội hiện được xem là một đại công trường với các tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm, vì vậy, việc sử dụng cẩu trục tháp trong thi công là điều không thể thiếu.
Đi dọc nhiều tuyến phố sẽ thấy các công trình xây dựng nhà cao tầng với những chiếc cần cẩu cần ngang cao hàng chục mét cõng những khối bêtông giữ thăng bằng lơ lửng trên đầu. Nhiều  công trình lại thi công cạnh khu đông dân cư và giáp với mặt đường. Ngày 22.9.2011, một chiếc cần cẩu đang thi công tại công trình The Lancaster tại phố Núi Trúc bị đứt cáp, khiến một người tử vong.
Ngày 27.9.2011, tại công trường xây dựng trung tâm thương mại Chợ Mơ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) xảy ra vụ TNLĐ làm 1 người chết, 1 người bị thương nặng. Nguyên nhân của vụ tai nạn được xác định là do bị tụt phanh cần cẩu khi đang đưa khối bêtông cốt thép có tải trọng 10 tấn lên tầng 6 đã đâm vào giàn giáo có công nhân đang làm việc….
Theo Cục An toàn LĐ (Bộ LĐTBXH) thì quy trình kiểm tra chất lượng các thiết bị thi công tại công trường (trong đó có tháp cần cẩu) là rất nghiêm ngặt với nhiều thủ tục bắt buộc, nhưng một số đơn vị thi công đã cố tình lờ đi không khai báo kiểm định cũng như phớt lờ các quy định về an toàn trong quá trình thi công.
Bởi vậy, khi xảy ra TNLĐ các đơn vị thi công thường tự giải quyết và trốn tránh trách nhiệm với các cơ quan chức năng, khi cơ quan chức năng vào cuộc thì mới hoàn thiện các thủ tục. Theo quy định thì nghiêm cấm tải và cần cầu nằm ở phía trên đầu người trong suốt quá trình nâng, hạ và di chuyển tải. Chiểu theo quy định này thì rất nhiều công trình đang thi công trên các tuyến phố của Hà Nội vi phạm. 
Cần thường xuyên kiểm tra 
Hiện nay, cả nước có 10 trung tâm thực hiện chức năng đánh giá, kiểm tra, giám định chất lượng thiết bị thi công thuộc các bộ Xây dựng, Công Thương, LĐTBXH và NNPTNT. Vừa qua, Sở Xây dựng TPHCM đã xây dựng dự thảo quy định “Cấm sử dụng cần trục tháp có tay nằm ngang trong quá trình xây dựng các tòa nhà cao tầng”: Tất cả các cẩu tháp phải được đăng ký tại Sở LĐTBXH theo quy định, phải có hồ sơ thiết kế lắp dựng cần cẩu bảo đảm an toàn, đúng với quy định của nhà sản xuất hoặc đơn vị chủ quản chấp nhận và được chủ đầu tư phê duyệt cùng lúc với việc phê duyệt mặt bằng xây dựng; phải mua bảo hiểm cẩu trục tháp theo quy định. Ngoài ra, phải có quy trình kỹ thuật về việc lắp đặt, vận hành, nâng hạ và tháo dỡ.
Đặc biệt công nhân vận hành phải được đào tạo (chứng nhận, bằng), phù hợp với loại cẩu đang thao tác và được huấn luyện kỹ thuật về an toàn… Theo đó, từ năm 2012, các công trình xây dựng có cẩu trục tháp vươn ra ngoài phạm vi công trường xây dựng phải lập ngay phương án hoạt động bảo đảm an toàn cho khu vực trong và ngoài công trường khi cẩu trục hoạt động…
Theo tìm hiểu của PV, tất cả các cẩu tháp trước khi vận hành thi công phải được kiểm tra hồ sơ kỹ thuật, đối chiếu mô tả trên thực tế, trong đó có kiểm tra thử tải ở các điều kiện động và tĩnh. Nếu đạt yêu cầu thì các cơ quan chức năng mới cấp phép. Sau khi có kết quả kiểm tra giám định, các đơn vị thi công phải gửi hồ sơ, kết quả giám định về Sở LĐTBXH địa phương để đăng ký, đồng thời có báo cáo cụ thể về địa điểm thi công, thời gian thi công và các loại máy móc mà đơn vị sử dụng.
Đối với các loại giàn giáo lớn bên ngoài các công trình cao tầng, chủ đầu tư phải giám sát, đôn đốc đơn vị thi công sử dụng đúng vật tư bảo đảm chất lượng, lắp đặt đúng quy cách, đề phòng mưa, gió, lốc làm sập… Ông Nguyễn Quang Huy – Phó phòng quản lý kỹ thuật và giám định chất lượng, Sở Xây dựng Hà Nội – cho biết: Một số tai nạn, sự cố sập cẩu là do đơn vị thi công không kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ trong quá trình thi công.
Trường hợp mưa bão, theo quy định nhà thầu phải quay phần đối trọng cẩu vào trong hoặc hạ thấp độ cao của cẩu để tránh nguy hiểm. Ngoài ra, xung quanh các công trình xây dựng cần lập hàng rào đúng quy cách, chất lượng, lắp đặt các biển cảnh báo cho người dân xung quanh và người đi đường; có như vậy mới hạn chế được nguy cơ tai nạn từ trên cao…
Mặt khác, các cơ quan chức năng về ATVSLĐ cần thường xuyên kiểm tra chất lượng các cần cẩu tháp đang thi công, nếu không bảo đảm chất lượng phải xử nghiêm, có thể yêu cầu ngừng thi công để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tính mạng và tài sản của người thi công cũng như người dân trong khu vực có khả năng bị ảnh hưởng.
Hà Anh – Bắc Hiệp
Theo Lao Động

 

 

Bình luận (0)