Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Cần chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm lòng kênh nuôi sò huyết

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng chục chủ ghe tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre đang rất bức xúc trước tình trạng sân sò lấn lòng kênh tại ba xã ven biển Thạnh Phong, Thạnh Hải và Giao Thạnh.
Sân sò là từ dân địa phương sử dụng chỉ những “vuông” dọc hai bên bờ kênh được người dân tận dụng nuôi sò huyết. Để sò huyết không di chuyển khỏi sân sò của mình, người nuôi đóng cọc cao khoảng 0,5 m và treo lưới. Bên cạnh đó, để tránh bị ghe tàu va vào sân sò, hầu hết người nuôi đều cắm sào cao lên khỏi mặt nước để thông báo cho các chủ ghe biết.
Theo ông Lâm Chiến Trường, chủ một chiếc ghe trọng tải 20 tấn ngụ tại xã Giao Thạnh, lòng kênh, rạch của ba xã trên bị các sân sò huyết "băm nát", cộng với tình trạng người dân đóng đáy (để bắt tôm, cá trên sông) tràn lan nên tàu ghe không thể di chuyển. Vào những lúc nước ròng (thủy triều xuống), hai ghe trọng tải chừng 10 tấn mỗi chiếc gần như không thể “tránh” được nhau mà không va chạm với các sân sò. Trong khi đó, vào vụ thu hoạch, hàng ngàn tấn sắn dây, dưa hấu tại ba xã nêu trên chủ yếu được vận chuyển bằng đường thủy. Bên cạnh đó là các mặt hàng thủy hải sản như tôm, cua, cá… cũng chủ yếu được vận chuyển bằng đường này.
Kênh Bồn Bồn, nối liền Vàm Khâu Băng của xã Thạnh Phong với các cồn Bửng, cồn Lớn của xã Thạnh Hải có chiều dài hơn 20 km, bề rộng khoảng 15 – 20 m. Theo quan sát của phóng viên, phần lớn đoạn kênh đã bị người dân chiếm dụng làm sân sò, phần dành cho tàu bè qua lại chỉ còn nhiều chỗ chỉ còn khoảng 3 – 4 m. Sông Khém Thuyền đoạn qua xã Giao Thạnh cũng bị lấn chiếm tương tự, nhiều nơi lòng kênh bị các sân sò lấn tới 80 – 90%.
Nhiều chủ ghe ở đây cho biết: Đang chở hàng gặp lúc nước ròng là chịu chết, phải neo lại chờ nước lên. Nếu đang chở các mặt hàng tươi sống như thủy hải sản, hoặc dưa hấu… thì phải thuê ghe nhỏ chia hàng ra để tránh hư hỏng. Nếu các ghe va chạm vào sân sò huyết là bị bắt đền, nhưng nếu ghe tàu bị hư hại thì không đền được ai do không xác định được sân sò nào là “thủ phạm”.
Theo ông Nguyễn Văn Kháng, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phong – nơi người dân lấn lòng kênh nuôi sò nhiều nhất, người dân tận dụng lòng kênh để nuôi sò huyết là việc đã diễn ra nhiều năm nay, UBND xã đã nhiều lần nhắc nhở, yêu cầu các chủ sân sò huyết phải đảm bảo giao thông đường thủy.
Đại diện UBND huyện Thạnh Phú cho biết: UBND huyện đã phân công cho phòng Tài nguyên – Môi trường huyện rà soát nắm tình hình, trên cơ sở đó sẽ có phương hướng xử lý phù hợp.

Hưng Thịnh

Báo tin tức

Bình luận (0)