Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Cần chất lượng hơn số lượng

Tạp Chí Giáo Dục

Đầu tư hàng trăm ngàn USD để nâng chất lượng máy móc thiết bị, nâng năng suất, giảm lao động để đối phó với tình trạng khan hiếm lao động

Khi nghe tin Công ty CP Việt Hưng (quận 12 – TPHCM) đầu tư 230.000 USD để lắp đặt một dây chuyền sản xuất áo sơ mi, nhiều doanh nghiệp (DN) cho rằng việc đầu tư quá phiêu lưu. Thế nhưng đến nay, chỉ hơn 2 năm, công ty đã khấu hao xong, đồng thời nhận được nhiều đơn hàng từ thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu… Đầu tư thiết bị hiện đại để tăng năng suất, giảm sử dụng lao động đang là lời giải cho bài toán thiếu hụt lao động của nhiều DN hiện nay.

 

Dây chuyền sản xuất áo sơ mi hiện đại của Công ty CP Việt Hưng. Ảnh: N. DƯƠNG

Tăng năng suất, tăng thu nhập

Chuyền may tự động của Công ty CP Việt Hưng được nhập từ Nhật Bản gồm một hệ thống tự động chuyển sản phẩm qua tất cả 28 công đoạn và ghi nhận số lượng sản phẩm của từng công đoạn, điều khiển bằng máy vi tính. Hệ thống này tự động kiểm tra lỗi của sản phẩm và chuyển toàn bộ thông tin về sản phẩm như số lượng hàng hoàn chỉnh, số lượng hàng lỗi của từng công đoạn và tự động đưa sản phẩm lỗi vào nơi quy định. Những thông tin này liên tục được báo trên máy tính của chuyền trưởng để kịp thời điều chỉnh. Ông Phạm Công Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Hưng, cho biết: “Chuyền may tự động sử dụng 28 lao động, mỗi ngày sản xuất khoảng 3.000 sản phẩm áo sơmi, cao hơn 20% so với chuyền may thông thường. Thu nhập của công nhân (CN) cũng tăng tương ứng”.
Công ty CP May 30-4 cũng vừa đầu tư 100.000 USD để nhập máy móc thiết bị mới. Trong đó có 150 máy may cắt chỉ tự động, giảm thời gian thao tác trên máy và tiết kiệm đáng kể chỉ may. Cùng đợt này công ty cũng nhập về một máy 13 kim để may hàng đặc dụng, máy đóng nút, đánh bọ điện tử. Với những sản phẩm áo ấm, nhiều khi cần may một lúc 5- 7 hoặc 12 đường chỉ thì với máy 2 kim sẽ mất rất nhiều thời gian do phải may nhiều lần. Nhưng với máy 13 kim sẽ dễ dàng điều chỉnh may một lần nhiều đường may cùng lúc tùy vào sản phẩm (không quá 13 đường chỉ). Những máy móc này sẽ nâng năng suất của chuyền sản xuất lên 30%. Theo ông Bùi Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty CP May 30-4, việc đổi mới thiết bị nhằm tăng năng suất, đẩy nhanh thời hạn giao hàng, bảo đảm chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
An tâm gắn bó
Tình trạng thiếu hụt lao động đang đẩy hàng loạt DN đứng trước nguy cơ mất đơn hàng, mất thị trường. Vấn đề này đã được cảnh báo từ lâu nhưng rất ít DN có sự chuẩn bị, bởi suy nghĩ chủ quan rằng thị trường lao động luôn dư thừa.

Tại Công ty Xuân Long (quận Tân Bình – TPHCM), chuyên lắp đặt internet, hai năm qua, công ty đã xây dựng đội ngũ gần 300 lao động lành nghề để làm nòng cốt phát triển mạng lưới dịch vụ của mình tại các tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ. Theo bà Phạm Thị Minh Thấu, Giám đốc Công ty Xuân Long, những CN này đã được công ty đào tạo công phu và có mức thu nhập tương xứng. Họ là lực lượng chính bảo đảm cho toàn bộ hoạt động của công ty nên luôn được chăm lo rất chu đáo.
Từ nhiều năm qua, Tổng Công ty CP May Nhà Bè – TPHCM cũng đã xây dựng đội ngũ khoảng 4.000 CN nòng cốt cho 8 xí nghiệp may veston. Khi công ty nhập công nghệ may veston từ Ý về, chương trình đào tạo CN chuyên dụng cũng được khởi động. Toàn bộ CN được tuyển phải tốt nghiệp THPT, được các kỹ thuật viên may mặc người nước ngoài đào tạo tại công ty. Những CN sử dụng thiết bị máy móc được đưa sang Đức, Mỹ học tập. Toàn bộ 8 xí nghiệp này cung cấp hàng veston cao cấp cho thị trường Mỹ, Nhật, các nước châu Âu. Những CN này tuyệt đối không được đưa sang làm các công việc khác vì sợ “hư” tay nghề. Veston là mặt hàng chiến lược của Công ty May Nhà Bè, chiếm đến hơn 50% doanh thu của công ty.
Tay
nghề cao, thu nhập tốt, các chế độ được bảo đảm… là những điều kiện để lực lượng lao động nòng cốt của các công ty an tâm làm việc. Có lực lượng lao động chủ lực, các công ty an tâm tiếp cận với những khách hàng lớn, khó tính và trong điều kiện hiện nay không thấp thỏm vì thiếu hụt lao động.

Sử dụng đông lao động nhưng tay nghề thấp, công nghệ thấp thì hiệu quả sẽ không cao mà đời sống của CN cũng không bảo đảm. Đầu tư trang thiết bị, nâng cao tay nghề để có lực lượng lao động chất lượng cao sẽ đáp ứng nhu cầu cao của những thị trường khó tính. Đơn hàng của những thị trường này thường có đơn giá sản phẩm cao, vì vậy thu nhập của CN cũng tốt hơn.
Ông Tuấn Nguyên Nghị (Giám đốc điều hành Tổng Công ty CP May Nhà Bè)

Bài và ảnh: Phạm Hồ (nld)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)