Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần chỉ tiêu vừa sức với ĐBSCL

Tạp Chí Giáo Dục

Vừa qua, Hội nghị tổng kết phát triển GD-ĐT và dạy nghề vùng ĐBSCL giai đoạn 2011-2015 đã diễn ra tại TP.Cần Thơ. Tại đây, lãnh đạo bộ ngành và địa phương đã thừa nhận sự bất cập giữa chỉ tiêu đề ra và điều kiện thực hiện tại các tỉnh, thành Tây Nam bộ này…

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện QĐ 1033, GD-ĐT, dạy nghề vùng ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến: Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đạt 99% (vượt chỉ tiêu đề ra là 98%). Tỷ lệ nhập học cấp tiểu học đạt gần 99%. Số trường trung cấp nghề 34 (kế hoạch là 35). Từ năm 2012 Bộ GD-ĐT xây dựng chính sách đặc thù trong tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính qui. Với cơ chế này từ năm 2012 đến 2014 các cơ sở đào tạo đóng trên địa bàn vùng Tây Nam bộ xét tuyển thêm 600 sinh viên trình độ ĐH, CĐ; Những cơ sở ngoài địa bàn đã tuyển bổ sung 1.310 chỉ tiêu ĐH và 1.520 chỉ tiêu thạc sĩ để đào tạo nhân lực cho vùng. Hiện tỷ lệ sinh viên/vạn dân gần 190, đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 vừa qua, có 134.904 thí sinh đăng ký thi tại cụm thi ĐH (đạt 75,3%), cao hơn mức trung bình cả nước (72,26%), trong đó 103.796 thí sinh đạt kết quả trên ngưỡng đầu vào CĐ (12 điểm), đạt 88,71% so với tổng số thí sinh dự thi ở cụm ĐH. Tỷ lệ thí sinh đạt kết quả trên ngưỡng đầu vào ĐH, CĐ vùng ĐBSCL tương đương tỷ lệ trung bình cả nước (88,34%)…

Bất cập giữa chỉ tiêu và điều kiện thực hiện

Tuy nhiên, một số chỉ tiêu chưa đạt như: Tỉ lệ huy động trẻ dưới 36 tháng tuổi đạt thấp (dưới 10%); tỉ lệ học THPT dưới 50% (bình quân cả nước là 60%); tỉ lệ học sinh bỏ học còn cao. Về đào tạo nghề, số trường CĐ nghề mới đạt 17/22 trường (chiếm 78%), tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 35,2%, dù tăng 23,5% so với năm 2010 nhưng vẫn thấp so với bình quân chung cả nước (40,6%). Qui mô tuyển sinh dạy nghề chỉ đạt 56% chỉ tiêu, trong đó hầu hết là trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng. Ngành mầm non thiếu nhiều phòng học. Toàn vùng còn 1.905 phòng học tạm và 2.608 phòng học nhờ. Tình trạng phòng học xuống cấp trầm trọng khá phổ biến. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đánh giá: Vấn đề cơ sở vật chất trường lớp là khó khăn lớn nhất của ĐBSCL. Ngoài ra đội ngũ giáo viên còn nhiều bất cập về số lượng, chất lượng. Đặc biệt, thiếu giáo viên mầm non và tiểu học để đáp ứng yêu cầu học 2 buổi/ngày, nhưng thừa giáo viên THCS và THPT. Các cơ sở đào tạo sư phạm địa phương thiếu giảng viên đầu ngành trình độ cao, thừa giảng viên trình độ trung bình và thấp; trình độ nghiệp vụ chuyên môn của giáo viên khi ra trường chưa theo kịp đòi hỏi của xã hội.

Các bé Trường Mầm non Sao Sáng (TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đang tham gia hoạt động ngoài trời. Ảnh: V.V

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga là: Một số cơ chế tài chính chậm được sửa đổi cho phù hợp thực tiễn; thiếu chính sách đặc thù đủ mạnh để đầu tư phát triển giáo dục và dạy nghề cho vùng. Chẳng hạn, quyết định về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi được ban hành trong bối cảnh kinh tế khó khăn; ngân sách các địa phương đầu tư cho ngành học này tuy có tăng đáng kể nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực gặp nhiều khó khăn. Chưa có dự án hỗ trợ giáo dục mầm non vùng khó và ĐBSCL. QĐ số 1625/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phân bổ kinh phí đầu tư xây dựng trường học, nhà công vụ cho các huyện nghèo theo qui định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP với tổng kinh phí hơn 2.000 tỷ đồng. ĐBSCL dù gặp khó khăn nhất nước về cơ sở vật chất trường lớp nhưng không huyện nào thuộc diện này. Theo số liệu của Bộ Tài chính, năm 2014 ĐBSCL chỉ có 42.684/265.558 trẻ mẫu giáo (tỷ lệ 16%) được hưởng chế độ ăn trưa theo QĐ số 60/2011/QĐ-TTg, trong đó Vĩnh Long không trẻ nào; Long An có 23 trẻ, Cần Thơ có 31 trẻ được hưởng chế độ này… Hỗ trợ từ Trung ương chưa đủ để cải thiện cơ sở vật chất cho ngành học này khiến nơi đây thiếu phòng học trầm trọng và là vùng trũng giáo dục mầm non của cả nước. Chưa có chính sách đủ mạnh để phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPT vào học nghề, nên các trường nghề gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh. Thiếu một cơ chế đặc thù cho dạy nghề của vùng.

Vấn đề bất cập giữa chỉ tiêu đề ra và điều kiện thực hiện là bức xúc lớn nhất được các đại biểu đề cập tại hội nghị. Theo đại diện tỉnh Kiên Giang, địa bàn tỉnh rộng nhất vùng, có nhiều đảo, với bờ biển dài hơn 200km. Tỉnh phải cần 700 tỷ đồng và hơn 800 giáo viên mầm non mới đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, nhưng tỉnh không đủ khả năng đáp ứng. Ngoài ra theo qui định, trẻ phải học 2 buổi/ngày nhưng có những xã dân cư chỉ có 300 người/km2, nhiều lớp học chỉ có từ 7 đến 8 cháu, trong khi phụ huynh không có nhu cầu cho con học 2 buổi, địa bàn sông nước đi lại khó khăn. Đa số phụ huynh đưa con đến rồi ở lại chờ cả ngày để rước con về. Rảnh rỗi, nhiều người tụ tập nhậu hoặc đánh bạc. Nếu không phải ông bà, mà cha mẹ trực tiếp đưa đón con kiểu này thì rất lãng phí sức lao động và góp phần tăng tệ nạn xã hội.

Cần một giải pháp đồng bộ

Thứ trưởng Bùi Văn Ga kiến nghị Chính phủ ưu tiên xây mới 1.491 phòng học (khoảng 1.789,2 tỷ đồng) để giúp trẻ 5 tuổi có đủ phòng học. Ưu tiên phân bổ vốn trong chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới cho ĐBSCL. Ưu tiên nguồn vốn ODA; kinh phí xây dựng cơ bản tập trung và trái phiếu Chính phủ để bố trí một dự án đầu tư GD-ĐT cho khu vực. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cũng đề xuất: “Tôi đề nghị các chỉ tiêu ở giai đoạn tới đối với ĐBSCL nên vừa sức và cần có một cơ chế mới trong thực hiện”.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị: Nhà nước xây trường học hoàn chỉnh, đội ngũ giáo viên thực hiện xã hội hóa để hoạt động. Không nên bao cấp tất cả. Nếu cứ tiếp tục bao cấp toàn bộ như hiện nay thì sẽ vừa thiếu trường vừa thiếu giáo viên… “Chúng ta cần tiếp tục ban hành văn bản thay thế QĐ 1033, trong đó các chỉ tiêu không nên cao quá, đồng thời có giải pháp cụ thể để thực hiện. Tôi sẽ cùng lãnh đạo các tỉnh ngồi lại với các bộ: Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính, Nội vụ… để bàn bạc trước khi ban hành văn bản thay thế QĐ 1033”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)