Phụ huynh cần có kiến thức về ăn dặm để nuôi con một cách tốt nhất. Ảnh: M.N |
Theo lời khuyên của các chuyên gia dinh dưỡng thì trẻ cần được ăn dặm từ khi 6 tháng tuổi và kết thúc khi được 24 tháng tuổi. Tuy nhiên, không ít phụ huynh cho trẻ ăn dặm quá sớm, kết thúc quá trễ đã ít nhiều ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ…
10 tuổi vẫn không biết… nhai
Hết hè, Bo sẽ lên lớp 6, vậy mà đến nay cậu bé vẫn không biết… nhai. Mẹ của Bo – chị Thanh Vân (P.2, Q.3, TP.HCM – cho biết: “Hồi mới sinh ra, Bo chỉ nặng 2,5kg, tôi lại ít sữa nên mới 5 tháng là má tôi bắt đầu cho bé ăn dặm. Tất cả thực phẩm bà đều nấu chín, sau đó bỏ vào máy xay nhuyễn và ép bé ăn. Má tôi khéo chăm trẻ nên từ khi được ăn dặm, bé Bo tăng cân thấy rõ. Khi Bo được 1 tuổi, thay vì cho ăn cháo, rau thái nhỏ, thịt cá băm nhỏ thì má tôi vẫn cho tất cả vào máy xay nhuyễn. Bo lên 2, trong khi con người ta đã ăn được cơm nát thì bé vẫn tiếp tục ăn cháo xay. Đến 3 tuổi, đi học mẫu giáo phải ăn cơm nên ngày nào bé cũng ói. Đi học về là kêu bà ngoại cho ăn cháo xay. 5 tuổi, các bạn trong lớp ăn cơm như người lớn, con tôi vẫn tiếp tục ăn cháo xay, ăn cơm thì chan canh vào nuốt. Bây giờ cũng vậy, Bo chỉ thích ăn thức ăn mềm như cháo, phở, bánh canh. Ăn cá thì không biết lừa xương, mấy lần phải đi bệnh viện vì hóc xương cá. Ăn thức ăn cứng hay dai nếu không nuốt được thì nhả ra… Mấy năm học tiểu học (Bo học bán trú), hôm nào ăn cơm mà không có canh thì Bo chỉ ngồi nhìn các bạn ăn. Sang năm vào lớp 6, tôi không biết con mình sẽ ăn uống như thế nào”.
Một trường hợp khác cũng sợ… nhai, đó là bé Như Anh (con chị Quỳnh Hoa – P.Cầu Kho, Q.1). Chị Quỳnh Hoa cho biết, con chị ăn dặm từ khi bé tròn 4 tháng tuổi. Do chị đi làm xa, buổi trưa không về nhà cho con bú được nên phải cho ăn dặm để bổ sung đủ lượng kcal cần thiết. Ăn được mấy tháng đầu thì bé bắt đầu chán ăn, ăn ít và đến bây giờ thì rất biếng ăn. “Hơn ba tuổi rồi mà con tôi chỉ uống sữa hộp, ăn phô mai, không ăn cơm, cũng không ăn cháo. Ba mẹ làm cách nào bé cũng không ăn, cứ đút cháo, cơm vào miệng là bé tìm cách nhả ra. Sắp đi học mầm non rồi mà ăn uống kiểu này thì trường nào dám nhận…”, chị Quỳnh Hoa rầu rĩ.
Ăn dặm đúng cách: Không khó
Chỉ vì thiếu kiến thức về ăn dặm mà nhiều phụ huynh đã làm khổ con mình. Trẻ không chỉ biếng ăn, suy dinh dưỡng mà còn không biết nhai, không biết ăn cơm như hai trường hợp nói trên.
Theo BS.TS Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng quốc gia, từ 6 tháng tuổi năng lượng từ sữa mẹ chỉ đủ cung cấp khoảng 450kcal/ngày, trong khi đó trẻ cần khoảng 700kcal/ngày. Do vậy, thức ăn bổ sung là cần thiết để bù đắp năng lượng bị thiếu hụt. Lượng thức ăn trong các bữa ăn dặm phải tăng lên khi trẻ lớn lên (tăng về số lượng và độ đậm đặc). Nếu không đảm bảo đủ bữa ăn dặm trẻ sẽ còi cọc, phát triển chậm. Ngoài ra, ăn dặm từ 6 tháng tuổi còn để cung cấp đủ lượng sắt cần thiết cho trẻ do lượng sắt dự trữ không còn.
“Để phát triển tốt, trẻ bắt đầu ăn dặm vẫn cần được tiếp tục bú sữa mẹ hàng ngày ít nhất 3-4 lần và ăn từ 2 bữa/ngày rồi tăng dần lên 3-4 bữa bột/ngày khi gần 1 tuổi. Bột, cháo phải nấu với đủ 4 nhóm thực phẩm gồm: Bột đường, chất đạm, chất béo, chất xơ và vitamin”, BS.TS Nga khuyến cáo.
Những sai lầm phụ huynh nên tránh khi cho trẻ ăn dặm là không nên cố ép ăn hết chén, trẻ sẽ chán và sợ ăn. Cũng không nên nấu quá nhiều thịt, cá, tôm, cua vì nếu lượng đạm nhiều sẽ làm trẻ bị rối loạn tiêu hóa. Không chỉ vậy, khi trẻ đã mọc nhiều răng thì không nên xay nhuyễn thức ăn, điều đó khiến trẻ không được học nhai, chỉ biết nuốt chửng. Thời gian ăn cũng không nên kéo dài, 30 phút là đủ…
Kim Anh
Bình luận (0)