Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cần chủ động phòng sốt xuất huyết

Tạp Chí Giáo Dục

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính đến đầu tháng 8-2015, TP đã có 6.104 ca sốt xuất huyết (SXH), tăng 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 7 đã có 848 ca nhập viện điều trị. Điểm đáng lưu ý là dịch đang có xu hướng gia tăng ở TP, các tỉnh thành phía Nam và chuẩn bị bước vào đỉnh dịch.

Thiếu kiến thức về dịch bệnh

Đó là lời thú nhận của chị Nguyễn Thị Bé Sáu ngụ Châu Đốc, An Giang. Người mẹ trẻ có đến 3 mặt con nhưng chưa hề biết tới bệnh SXH “vì nuôi hai đứa đầu chưa gặp bệnh này lần nào. Vì vậy, khi con gái nhỏ hơn 8 tháng sốt cao trên 39 độ trong 3 ngày liền, kèm co giật, rồi nổi ban mà tôi cũng không biết con bị SXH nên chỉ cho uống thuốc giảm sốt, lau mát nhưng sốt không giảm. May là tôi đã đưa con đến Bệnh viện Nhi đồng 1 và được BS cứu chữa kịp thời”.

Chị Nguyễn Thị Bé Sáu

Chị Sáu cho biết vì điều kiện nên người dân nông thôn ít xem ti vi, không đọc sách báo, lại không có internet nên các kiến thức về y tế, sức khỏe rất hạn chế. Do đó, đây là lần đầu tiên trong đời chị mới được biết “SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do virus dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Việc thiếu hiểu biết về cách phòng tránh theo tôi cũng là nguyên do khiến một số trường hợp bệnh nhân bị SXH ở các tỉnh xa tử vong vì đưa đến bệnh viện quá trễ”.

Chị Nguyễn Ngọc Trinh

Thờ ơ với các biện pháp phòng tránh

Cùng ở phòng 317 của Khoa SXH (Bệnh viện Nhi đồng 1) với mẹ con chị Sáu, chị Nguyễn Ngọc Trinh và con trai Nguyễn Minh Trọng (5 tuổi) chấp nhận ở chung giường với một bệnh nhi khác, tuy trong phòng có đến 9 giường nhưng giường nào cũng đông bệnh nhi và thân nhân. Mong muốn duy nhất lúc này là đứa con trai 5 tuổi mau khỏi bệnh vì tuần tới lớp bé đã vào học. Thấy con bị bệnh, người mẹ trẻ rất thắc mắc vì “trạm y tế đã cử người xuống phun thuốc mà không hiểu tại sao con tôi vẫn bị SXH?”. Tuy nhiên, sau khi xem tờ thông tin tại bảng thông báo của Khoa SXH ở bệnh viện, chị thú nhận rằng đa phần người dân trong xóm chị chẳng chuẩn bị gì để phòng tránh căn bệnh trên, mà tất cả chỉ trông chờ vào đợt phun thuốc của trạm y tế xã. Trong khi nội dung tờ thông tin cho biết rằng, việc phòng tránh còn phụ thuộc vào nhiều biện pháp chủ động của người dân như phát quang bụi rậm, diệt lăng quăng ở những chỗ nước tù đọng, cho trẻ ngủ mùng cả ban đêm lẫn ban ngày…

Các biện pháp phòng chống SXH

Trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết nặng điều trị tại Phòng Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: H.Tr

Bài, ảnh: Bích Vân

 

Theo khuyến cáo của Trung tâm Truyền thông – Giáo dục sức khỏe (Sở Y tế TP.HCM) phụ huynh cần lưu ý, bệnh SXH có các triệu chứng thường gặp như khởi phát bệnh với sốt cao đột ngột và không giảm với thuốc hạ sốt, xuất huyết dạng chấm hoặc màng dưới da. Tuy nhiên, khi thấy bệnh trở nặng với các triệu chứng như trẻ mệt nhiều, vẻ âu lo bứt rứt, li bì, vật vã, tay chân lạnh, đau bụng nhiều, ói nhiều, da nổi mẩn, phát ban, đổi màu bầm, môi tím lại… thì cần đưa trẻ nhập viện kịp thời ở cơ sở y tế gần nhất.

 

BS Nguyễn Trí Dũng

BS Nguyễn Trí Dũng – Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP: “SXH hoành hành cả nội thành lẫn ngoại thành”

BS Nguyễn Trí Dũng lưu ý dịch SXH năm nay đến sớm hơn 2 tháng so với dự kiến và đang lan rộng ở nhiều tỉnh thành phía Nam. Riêng tại TP.HCM, cả nội và ngoại thành đều có ca SXH tăng cao như quận 1, 2, 3, 7, 10, 12, Bình Thạnh, Bình Tân, Cần Giờ, Nhà Bè và Củ Chi. Nói về dịch SXH năm nay, BS Nguyễn Trí Dũng cho biết nguyên nhân đầu tiên là do mùa dịch năm trước kết thúc muộn nên kéo sang đầu năm nay. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác là do các hộ gia đình còn sử dụng nhiều vật dụng trữ nước (lu, khạp) nhưng cũng chứa đầy lăng quăng, hoặc để vật dụng phế thải đọng nước mưa xung quanh nhà; nhiều công trình, nhà cửa bỏ hoang, rậm rạp cũng là nơi sinh trưởng, phát triển của muỗi truyền bệnh SXH.

 

BS Nguyễn Đắc Thọ

BS Nguyễn Đắc Thọ – Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM: “Trường học cần chủ động phòng bệnh”

Theo cảnh báo từ Trung tâm Y tế dự phòng TP, kết quả kiểm tra trong những tháng đầu năm 2015 phát hiện dụng cụ chứa nước tại nhà vệ sinh của 215 trường trên địa bàn TP còn nhiều lăng quăng, dễ có nguy cơ lây truyền SXH. Các chuyên gia y tế dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh SXH sẽ có nguy cơ tăng cao, đặc biệt vào đầu năm học mới vì có nhiều nhóm trẻ, học sinh tập trung đến trường sẽ khiến nguy cơ dịch bệnh lây lan mạnh hơn. 

Nhằm phòng tránh dịch bệnh trong môi trường học đường, BS Nguyễn Đắc Thọ yêu cầu các trung tâm y tế quận, huyện phối hợp với ngành giáo dục tổ chức truyền thông học đường nhằm trang bị những kiến thức cần thiết giúp học sinh phòng tránh SXH, đồng thời thường xuyên phun hóa chất, diệt lăng quăng mỗi tuần trong trường học để đảm bảo môi trường học an toàn cho các em. Riêng đối với các vùng trọng điểm có nguy cơ, ổ dịch, cần đi kèm với việc phun hóa chất diệt muỗi từ 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7 ngày.

Theo thông tin từ phòng nhận bệnh của Khoa SXH Bệnh viện Nhi đồng 1, tính đến ngày 11-8, bệnh viện đang điều trị cho 76 ca SXH, dự báo tình hình bệnh dịch sẽ tăng trong thời gian sắp tới.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)