Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần chuẩn bị gì khi trẻ vào lớp 1?

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi vào lớp 1. Ảnh: H.Triều
Những năm gần đây, hầu hết các bậc phụ huynh có con ở tuổi vào lớp 1 thường chuẩn bị trước cho con mình bằng cách cho… học trước chương trình lớp 1.
Mới năm tuổi, cá biệt có trẻ mới bốn tuổi đã phải gò lưng viết chữ, đọc bài… Phụ huynh có con sáng dạ thì tự hào con mình học nhanh, học tốt. Còn phụ huynh có con tiếp thu chậm thì lo lắng, ép trẻ học nhiều hơn.
Nếu chú ý các bậc phụ huynh sẽ thấy, không phải tự dưng mà từ xưa đến nay đều có quy định trẻ sáu tuổi mới vào lớp 1. Quy định đó là dựa trên đặc điểm về thể chất, tâm sinh lý… của trẻ. Ở tuổi lên sáu, trẻ mới phát triển đầy đủ về thể lực, trí lực để có thể tiếp thu kiến thức văn hóa một cách tốt nhất, hoàn thiện nhất. Cho trẻ học quá sớm dẫn đến nhiều hậu quả mà phụ huynh không ngờ tới.
Về mặt thể chất, trẻ ngồi học quá sớm dễ bị cong vẹo cột sống, lệch vai, vẹo cổ, cận thị,… Về mặt trí lực, đối với trẻ tiếp thu được khi học trước tuổi thì lúc vào lớp 1 sẽ chán học vì phải học lại những điều các em đã biết rồi. Các em sẽ ít tập trung chú ý nghe cô giáo dạy. Có cháu còn sinh tính tự cao, kiêu ngạo với bạn vì biết trước bạn, luôn nghĩ là mình giỏi hơn bạn (thực tế có thể là do bạn chưa học trước). Đối với trẻ chưa tiếp thu được thì ngán ngẩm việc học vì phải ngồi một chỗ cả giờ, trẻ sẽ sợ học, không thích học, xem việc học là khó khăn, luôn muốn trốn tránh.
Chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 là điều hết sức cần thiết. Bởi suốt những năm học ở mầm non, các cháu chỉ học những điều đơn giản trong cuộc sống thông qua vui chơi, ca hát, nhảy múa, nghe kể chuyện… và được ở bên cô giáo mầm non dịu hiền như cô Tấm. Chính vì thế, nếu không chuẩn bị trước, khi vào lớp 1 các cháu sẽ bị hụt hẫng trước môi trường lạ, thầy cô, bạn bè đều không quen thuộc… Chưa nói đến các cháu phải ngồi gò bó suốt mấy giờ liền trong lớp, phải tập trung lắng nghe cô giáo hướng dẫn để làm theo cho đúng… Với trẻ, tất cả những điều đó thật là khó khăn, vất vả. Thế nên, phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi vào lớp 1. Theo đó, cha mẹ nên chở con mình ngang qua trường tiểu học mà sắp tới cháu học (nếu vào được trong trường càng tốt), giới thiệu những đặc điểm nổi bật của trường cho trẻ quan sát. Phụ huynh cũng có thể kể cho các cháu nghe những kỷ niệm đẹp về bạn bè, thầy cô ở lớp 1; những bài học, những lời giảng từ lớp 1 mà mình còn nhớ để các cháu có ấn tượng tốt và mong muốn được vào học trường tiểu học. Những tháng hè, sau khi chấm dứt lớp lá, phụ huynh cần tập các cháu thói quen ngồi vào bàn học khoảng 10 phút/ngày, sau đó tăng dần lên đến 30 phút để khi vào học cháu không cảm thấy bực bội phải ngồi một chỗ quá lâu. Phụ huynh chỉ cần cho các cháu viết các chữ cái mà các cháu đã được làm quen ở chương trình lớp lá. Cần chú ý tư thế ngồi, cách cầm bút cho đúng để phòng tránh các bệnh học đường thường gặp. Mỗi khi học xong, phụ huynh cũng cần tập cho trẻ cất mọi thứ vào cặp, hướng dẫn trẻ ngăn nào đựng sách vở, ngăn nào đựng bút… Tạo được thói quen ngăn nắp này, khi vào lớp 1, các cháu sẽ không để quên đồ dùng học tập và lấy hay cất mọi thứ thật nhanh chóng theo yêu cầu của giáo viên. Ngoài ra, phụ huynh cũng cần tập cho trẻ cách cầm sách, vở khi đọc cho đúng để không hại mắt và làm rách sách vở. Hướng dẫn trẻ viết bảng, bôi bảng cũng là điều cần chú ý, nhất là viết bảng phấn, vì nếu không đúng cách, bụi có thể vào mắt.
Gia đình cần sắp xếp một góc học tập cho trẻ ở nhà và cùng trẻ để mọi thứ ngăn nắp, thuận lợi khi học, có thể cùng trang trí góc học tập thật xinh xắn như ý của trẻ. Được như thế chắc chắn trẻ sẽ rất thích thú, nôn nóng được học khi chỗ học tập riêng của mình được trang trí đẹp mắt. Một điều cũng hết sức quan trọng cần tập cho trẻ là việc vệ sinh cá nhân. Bởi suốt những năm ở mầm non và ở nhà, việc làm vệ sinh của các cháu đều có cha mẹ hay các cô giúp đỡ. Khi vào lớp 1, cháu phải biết tự xử lý mỗi khi đi vệ sinh xong. Rất nhiều trẻ đã khóc òa không biết làm sao sau khi đi vệ sinh.
“…Ngày đầu tiên đi học, mẹ dắt tay đến trường, em vừa đi vừa khóc, mẹ dỗ dành yêu thương…”. Nếu các bậc phụ huynh chuẩn bị chu đáo cho các cháu, chắc chắn rằng hình ảnh đó sẽ không còn mà ngược lại, các cháu sẽ luôn nôn nóng được đến trường, được vào lớp 1, được làm quen với thầy cô, bạn mới.
Lê Phương Trí

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)