Hiện nay du học Mỹ bậc THPT theo diện học bổng khá ít. Theo quy định của Chính phủ Mỹ, nếu du học sinh quốc tế (bao gồm cả Việt Nam) lựa chọn học trường công lập thì chỉ được phép học 1 năm, sau đó phải chuyển tiếp ra học trường tư thục.
Học sinh Trường THPT Hiệp Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM) tìm hiểu thông tin du học trong chương trình tư vấn tuyển sinh do Báo Giáo dục TP.HCM tổ chức
Xin visa bằng… “cá tính riêng”
Theo ông Lê Công Bình (Giám đốc Công ty du học Gopal Edu), thông thường du học Mỹ khó nhất là “cửa ải” xin visa. Tuy nhiên, xin visa du học bậc THPT lại “dễ thở” hơn so với bậc ĐH do người học ở bậc này cần lộ trình dài để học tập cũng như người học chưa đủ tuổi để “xin làm việc” tại Mỹ. Yếu tố tiên quyết đầu tiên vẫn là khả năng ngoại ngữ của người học, kết quả học tập và tài chính của gia đình.
Ngoài các yếu tố đó, để xin visa thành công, kinh nghiệm được ông Bình đưa ra là người học cần phải có “cá tính riêng” để thuyết phục trong vòng phỏng vấn. “Cá tính riêng ở đây chính là sự tự tin, trưởng thành, tự lập của bản thân, khả năng thể hiện bản thân bằng tiếng Anh một cách lưu loát. Có thể là những bằng cấp các bạn có được hay các hoạt động xã hội các bạn tham gia. Tuy nhiên, cũng có thể là năng khiếu riêng biệt của các bạn…”, ông Bình cho biết.
Do vậy, theo ông Bình, nếu xác định đi du học Mỹ sớm, ngoài việc trang bị tiếng Anh thì người học cần phải mạnh dạn rèn giũa thêm để trang bị những kỹ năng sống. “Các trường học tại Mỹ luôn đánh giá rất cao khả năng hòa nhập của các bạn cũng như khả năng hoạt động cộng đồng, công tác xã hội của người học. Có được những tố chất này là lợi thế của các bạn”, ông Bình cho biết thêm.
Lựa chọn trường học như thế nào?
Cách viết hồ sơ xin học bổng bậc THPT thành công Trước hết, muốn xin học bổng vào trường nào, bạn cần phải thể hiện được sự hiểu biết của mình về ngôi trường đó một cách chi tiết và ấn tượng nhất. Bạn cần phải trả lời được câu hỏi vì sao lại lựa chọn trường học này? Bên cạnh đó, với câu hỏi vì sao lựa chọn du học Mỹ thì người học cần phải nêu ra được hướng đi cụ thể của bản thân, lộ trình học tập cho bản thân đến khi học ĐH sẽ như thế nào. Ngoài ra, cần phải nêu bật được những điểm riêng biệt, những tố chất của bản thân để thuyết phục trường học tại Mỹ vì sao nên lựa chọn bạn… |
Với du học Mỹ từ bậc THPT, đa phần người học thường lựa chọn các trường THPT tư thục. Học bổng ở các trường THPT tư thục cũng khá đa dạng, thường xét dựa trên yếu tố học lực và khả năng tiếng Anh. Bên cạnh đó là vòng phỏng vấn trực tuyến hoặc phỏng vấn trực tiếp. “Dù đi theo diện học bổng hay tự túc thì ở du học ở bậc THPT, người học cũng nên xây dựng được một kế hoạch học tập dài hơi, bài bản để dễ dàng ăn điểm với các trường THPT của Mỹ tại vòng phỏng vấn”, ông Bình nhấn mạnh.
Về tiêu chí lựa chọn trường THPT tại Mỹ, ông Bình cho hay ở Mỹ, mỗi trường THPT có những chương trình học theo các hướng chuyên sâu khác nhau để phù hợp với nhiều đối tượng người học. Có những trường đào tạo ở mức thường nhưng cũng có những trường đào tạo ở những yêu cầu cao hơn. “Trước khi đăng ký học, các bạn hãy tìm hiểu thật kỹ về môi trường học tập cũng như địa điểm của trường để phù hợp với điều kiện sức khỏe của bản thân”, ông Bình lưu ý.
Chọn chỗ ở sao cho phù hợp
Tương tự như du học bậc ĐH, khi du học bậc THPT tại Mỹ, người học có 2 lựa chọn về chỗ ở là ký túc xá hoặc homestay (ở cùng người bản xứ). Về lựa chọn chỗ ở theo diện homestay, ông Bình lưu ý người học cần phải thẳng thắn đề cập những yêu cầu của bản thân đối với gia đình homestay để phía nhà trường có những sắp xếp phù hợp. “Khi ở cùng gia đình người bản xứ, các bạn cần phải hòa nhập trong môi trường sống này. Hãy coi họ như một gia đình của mình, cùng tham gia chung vào những hoạt động, đừng nên tách biệt mình ra. Phải có ý thức bởi người Mỹ rất coi trọng quyền riêng tư. Nếu có những bất đồng nên thẳng thắn trao đổi”, ông Bình khuyên.
Khi sống cùng gia đình người bản xứ, người học sẽ dễ dàng hòa nhập với cuộc sống của người Mỹ từ văn hóa đến ngôn ngữ. Một lưu ý nữa là nên lựa chọn những gia đình bản xứ gần trường để thuận tiện cho việc đi lại.
Yến Hoa
Bình luận (0)