Trong các giải pháp thực hiện giáo dục thông minh (GDTM), cơ chế đóng vai trò chủ đạo vì không có các đơn vị sẽ bị loay hoay trong quá trình thực hiện. Cơ chế phụ thuộc vào tư tưởng, nhận thức của từng lĩnh vực do người lãnh đạo, đứng đầu thực hiện.
Học sinh Trường THCS Lương Định Của (TP.Thủ Đức) trong giờ học tại thư viện thông minh
Nội dung này được tiến sĩ Lê Hồng Sơn – Thành ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM nêu ra tại buổi báo cáo chuyên đề về “Đề án giáo dục thông minh tại TP.HCM” vừa qua.
Kết hợp nhuần nhuyễn giữa ưu điểm GDTM và giáo dục trực tiếp
Theo ông Lê Hồng Sơn, muốn có đô thị thông minh phải có GDTM, con người thông minh và điều kiện trường học thông minh. Hiện nay đi vào thực hiện cụ thể còn nhiều vấn đề tiếp tục bàn bạc, từ lý thuyết gắn với cơ chế vận hành, quá trình thực hiện và các điều kiện cần thiết để có được GDTM.
Mục tiêu chung của GDTM là ứng dụng, phát triển công nghệ số trong giáo dục phổ thông; phát triển nguồn nhân lực cho TP thông minh, hiện đại và hội nhập quốc tế; hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận giáo dục từ học tập và nâng cao trình độ liên tục, suốt đời; nâng cao nhận thức mọi người trong xã hội về tầm quan trọng của GDTM và học tập suốt đời. Các mục tiêu này hình thành và gắn kết với nhau thành một chuỗi không thể tách rời. Điều quan trọng phải làm sao lan tỏa nền tảng của đô thị thông minh đến từng người dân, đầu tiên là các em học sinh.
“Hiện nay, bên cạnh không gian sống, làm việc, học tập thực tế còn tồn tại không gian mạng, tác động rất nhanh, hiệu quả đến con người, kể cả tiêu cực, tích cực. Nhưng nói đến đô thị thông minh thì đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa không gian mạng và không gian thực tế. Do đó, các em học sinh cần có sự định hướng, giáo dục đúng đắn từ sớm, nếu không rất dễ bị lệch hướng. Trách nhiệm này của cả hệ thống chính trị, từ nhà trường, gia đình và xã hội”.
Ông cũng chỉ ra rằng, có nhiều quan niệm về GDTM, bao gồm các lớp đào tạo, tài liệu số, thời gian linh hoạt, không gian học tập mọi lúc mọi nơi. Trong GDTM, công nghệ xuất hiện ở tất cả các khâu, vừa hỗ trợ quản lý giáo dục và quản trị nhà trường, vừa giúp việc dạy và học thuận lợi, hiệu quả, mở rộng không gian học tập, vượt qua giới hạn của một bài giảng thông thường. GDTM là thông qua công nghệ làm nên các phương pháp giảng dạy thông minh, xây dựng chương trình đào tạo có khả năng thích ứng cao của học sinh, từ đó điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp.
Còn theo nhóm nghiên cứu của trung tâm nghiên cứu giáo dục phổ thống của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, GDTM là mô hình giáo dục sử dụng CNTT để thay đổi giáo dục trong tương lai với việc mở rộng thời gian, không gian và phương pháp học tập vượt qua giới hạn của bài giảng trên lớp thông thường.
Tuy nhiên, ông nhìn nhận, dù có thông minh, hiện đại đến đâu cũng không thể tách rời giáo dục trực tiếp. Phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ưu điểm GDTM với ưu điểm của tổ chức dạy học trực tiếp tại lớp học, tại nhóm học.
“Việc dạy học trực tuyến hoàn toàn sẽ khuyết đi những đặc trưng của con người đó là cảm xúc. Muốn phát triển năng lực, hình thành nhân cách cho trẻ nhỏ phải thực hiện giáo dục trực tiếp giữa thầy và trò, môi trường xung quanh và điều này cực kỳ quan trọng. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa GDTM và giáo dục trực tiếp giúp chúng ta có thể thành công trong công tác GDTM”.
Cần có cơ chế thực hiện GDTM
GDTM tại TP.HCM đã và đang được triển khai thực hiện. Nổi bật phải kể đến trung tâm điều hành GDTM được xây dựng tại Sở GD-ĐT, hướng tới việc đảm bảo khả năng tích hợp, chia sẻ dữ liệu với trung tâm điều hành đô thị thông minh của TP. Đây là mô hình thí điểm bao gồm việc xây dựng, quản lý hệ thống, báo cáo bằng công cụ thông minh; quản lý, tổ chức các cuộc họp thông minh; tích hợp và triển khai hệ thống văn bản thông minh; hệ thống giám sát thời gian qua camera trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo; tạo hệ sinh thái trực tuyến phục vụ giảng dạy, nghiên cứu; tạo nền tảng xây dựng xã hội học tập…
TP cũng có 5 trường THPT thí điểm mô hình trường học thông minh gồm THPT chuyên Lê Hồng Phong, THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Hiền và THPT Nguyễn Du. Bên cạnh đó, nhiều trường học khác tại một số quận, huyện cũng có sự chủ động đầu tư cơ sở vật chất, con người để thực hiện trường học thông minh, GDTM.
GDTM tại TP.HCM còn thể hiện qua việc thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục, nhằm đạt được mục đích quản lý đơn giản, hiệu quả, tiết kiệm thời gian; tạo môi trường tương tác giữa nhà trường – phụ huynh một cách thường xuyên, thuận lợi phân bổ tài nguyên hiệu quả…
Tuy nhiên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy nhìn nhận việc thực hiện còn gặp khó khăn, trong đó có con người. Con người là yếu tố quan trọng nhưng đang thiếu rất nhiều vì không có biên chế, định biên chuyên trách CNTT. Các trường phải phân công giáo viên kiêm nhiệm nên không đủ thời gian, tâm huyết, công sức tập trung thực hiện. Ngay cả việc đổ dữ liệu vào phần mềm có sẵn cũng không đầy đủ, ảnh hưởng đến kho học liệu phục vụ người học. Cho nên phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng nhu cầu thực hiện GDTM là rất quan trọng. Mặt khác, cơ sở vật chất, đường truyền chưa đồng bộ, không thống nhất nên quá trình thực hiện cũng khó khăn. “GDTM thực hiện trong điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, có kết nối internet; khả năng ứng dụng CNTT vào quản lý, giảng dạy và học tập; sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, ban giám hiệu và giáo viên, giáo viên và giáo viên phải từ các nền tảng công nghệ… Nhưng hiện giờ vẫn đang trong quá trình tiếp tục bổ sung, điều chỉnh, thay đổi”.
Theo ông Lê Hồng Sơn, giải pháp thực hiện GDTM gồm có cơ chế; phát triển hạ tầng CNTT giáo dục; xây dựng hệ thống trung tâm học tập cộng đồng; xây dựng và phát triển nguồn nhân lực; hợp tác quốc tế, tuyên truyền và phổ biến nâng cao nhận thức về GDTM… Trong đó, cơ chế đóng vai trò chủ đạo vì không có các đơn vị sẽ bị loay hoay trong quá trình thực hiện. Cơ chế phụ thuộc vào tư tưởng, nhận thức của từng lĩnh vực do người lãnh đạo, đứng đầu thực hiện.
“Thực hiện GDTM cần đến “kiềng 3 chân” gồm con người, sau đó là các điều kiện tài chính, kinh phí, ngân sách, cơ sở vật chất; và cơ chế để vận hành. Không cơ chế, không có sự xác định, sự chỉ đạo, chỗ dựa vững chắc thì khó thực hiện “kiềng 3 chân””.
“Cùng với đó, phải có chính sách hỗ trợ phát triển GDTM. Cho được cơ chế nhưng phải tạo được chính sách. Chính sách phải thông thoáng chứ không thể mỗi nơi thực hiện một khác, mỗi trăn trở khác nhau. Nếu như thế sẽ mất đi tính đồng bộ”.
Phú Cát
Bình luận (0)