Nên có những chiến lược ngắn hạn để thực hiện các mục tiêu, xác định đúng vai trò của giáo dục người lớn và giáo dục thường xuyên, phát triển đội ngũ học sinh phát triển toàn diện về thể chất và văn hóa… đây là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo góp ý cho dự thảo Chiến lược giáo dục do Hội Người cao tuổi và Hội Khuyến học tổ chức ngày 7-1.
GS. TS Phạm Tất Dong |
GS. TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam: “Giáo dục không chính quy cần được coi là một mũi nhọn”
Trước hết là ở cách đặt vấn đề, khi đọc bản chiến lược nhiều người đọc sẽ có cảm nhận đây là chiến lược của ngành giáo dục hơn là chiến lược của quốc gia. Tại sao lại như vậy? Vì Bộ đã đi quá sâu vào các vấn đề chuyên môn mà không đi ở tầm lớn, tầm quốc gia. Bàn đến những vấn đề sâu quá không cần thiết mà ở đây nó phải là một chiến lược quốc gia chứ không phải của chỉ của ngành giáo dục, nếu đặt vấn đề như thế thì cái cốt lõi của nó sẽ khác đi.
Thứ hai, đã là một chiến lược thì nó phải thể hiện được lực lượng tham gia chiến lược như thế nào. Ở đây, bóng dáng của những lực lượng có khi là chủ công lại không thấy rõ cho nên phải làm thế nào trong chiến lược này người đọc cảm thấy các ngành chức năng giáo dục và đào tạo, các lực lượng kinh tế và lực lượng xã hội, các tổ chức xã hội chính trị và các tổ chức nghề nghiệp nghĩa là toàn xã hội, những ngành có liên quan đến giáo dục đều thấy rằng mình phải có vị trí trong việc tham gia chiến lược này, làm như thế thì nó mới trở thành chiến lược quốc gia.
Đặc biệt phải làm rõ hai mũi giáp công đều quan trọng, thứ nhất là giáo dục chính quy là quan trọng nhưng cái thứ hai là giáo dục không chính quy cũng cần được coi như một cuộc cách mạng thì mới có thể coi như tháo gỡ được vấn đề của chiến lược. Hai mũi giáp công phải cân đối trong chiến lược này thì mới được vì đây là chiến lược nhân lực cho thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Thứ ba, bản dự thảo lần thứ 14 tuy đã có những chỉnh sửa nhất định nhưng vẫn viết như một kế hoạch giáo dục chứ không phải là chiến lược giáo dục, tức là, đề ra nhiều thứ và chi tiết từ giáo dục mầm non đến đại học và sau đại học thì như thế tính đột phá của một chiến lược và không thấy. Vì trong một chiến lược bao giờ cũng phải nói đến mục tiêu tiến tới và để tiến tới mục tiêu ấy thì có mấy mục tiêu ưu tiên chứ không phải tất cả đều ưu tiên. Tính toán cụ thể về những vấn đề đặt ra trong một chiến lược và không chỉ chuẩn bị về tư tưởng chỉ đạo mà phải có các lực lượng tiến hành. Từ nay đến 2020 chúng ta đang đứng trước yêu cầu của công nghiệp hóa, một yêu cầu rất bức bách của một nước công nghiệp mới đòi hỏi nguồn nhân lực mới, đây là một yêu cầu mà chiến lược phải chú ý.
GS Nguyễn Cảnh Toàn, nguyên Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội: “Chúng ta đang đánh giá thấp học sinh của ta”
GS Nguyễn Cảnh Toàn |
Chiến lược chưa đánh giá đúng mức khả năng tự học của con người, và đó cũng là một nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Nếu như một đứa trẻ, phải có lộ trình cai sữa, thực hiện từng bước từ việc thôi bú, ăn cháo, ăn cơm… thì bây giờ trong các trường phổ thông cũng phải có lộ trình “cai dạy”. Phải tăng cường khả năng tự học của học sinh sau lớp 9. Không phải là không cần thầy có thầy nhưng phải học như thế nào, không ỷ lại vào thầy, tranh thủ thầy một cách tích cực nhất.
Với các cấp học khác cũng vậy, phải làm thế nào rút ngắn thời gian thầy dạy, để học sinh quen tự học. Ngày xưa nhiều người vẫn thi đậu bằng tiến sĩ nhờ việc tự học. Và cũng phải trang bị cho người học khả năng tự mình tìm những kiến thức khi cần đến những kiến thức đó.
Rẻ tiền nhất là làm quen với tự học. Mỗi người học là phải tự học, khả năng tự học nhân cách hóa thành một ông thầy bên trong. Thì bao nhiêu người học có bấy nhiêu thầy trong, không phải tốn công đào tạo, gần với người học, trừ giấc ngủ. Một người thầy “trong” gấp 100 lần người thầy ngoài.
Chúng ta đang đánh giá thấp học sinh của ta. Chúng có thể giỏi hơn, học cao hơn nữa nhưng người lớn dạy cho chúng cách học lạc hậu cho nên chúng không thông minh như khả năng vốn có. Nếu biết cách dạy, làm cho trẻ con trở nên năng động sáng tạo, còn không sẽ làm cho chúng bị động. Các thầy cô đã chặn mất con đường tiếp tục suy nghĩ tìm ra cái mới của học trò.
PSG.TS Đặng Quốc Bảo: “Nên có những chiến lược cụ thể”
Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục có thời hạn đến 2020, theo tôi từ nay đến năm 2020 thì quá dài, mà trước mắt cần có những chiến lược có tính chất cụ thể với cách tiếp cận mới hơn khi hệ thống giáo dục quốc dân của chúng ta đã thống nhất. Đầu tiên là chiến lược cho đại học và nhân lực phục vụ cho hội nhập, điều thứ hai là chiến lược nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập và nền giáo dục mở. Thứ ba là chiến lược phát triển thể chất và nhân cách con người Việt Nam từ mầm non trở đi. Thứ tư là chiến lược về các nguồn lực cho giáo dục.
Năm 1967 khi Bác Hồ về thăm Thanh Hóa đã từng dạy, giáo dục cần làm sao để cho mỗi công dân trở thành một tiểu giáo viên, cho mỗi gia đình trở thành một gia đình học hiệu đây chính là nhân tố để hướng tới xây dựng một xã hội học tập. Và khi nói tới xã hội học tập là phải đảm bảo 3 yếu tố gia đình học tập, tổ chức học tập và xã hội học tập. Hiện nay có thể thấy vai trò của gia đình đang bị gạt ra rìa khỏi nội dung chương trình giáo dục.
PGS.TS Phạm Đình Thái: “Nên chú trọng phát triển giáo dục cộng đồng”
Mục tiêu chiến lược đưa ra đến 2020, 98% số người từ 15 tuổi trở lên biết chữ nhưng vấn đề đặt ra là trở lên đến bao nhiêu 25, 35 tuổi thì không rõ ràng, điều này là duy ý chí. Theo con số thống kê vừa qua, Hà Nội còn có hàng trăm ngàn người còn mù chữ sau đó điều chỉnh là 35.000, đây là riêng Hà Nội, từ ví dụ này có thể minh chứng sự xa vời và không khả thi của mục tiêu mà chiến lược đề ra… Nếu các chỉ tiêu chỉ nêu lên cho đẹp thì rất dễ dẫn đến bệnh thành tích, và sản phẩm cuối cùng sẽ là sản phẩm giả mà điều này không cho phép xảy ra trong quá trình đào tạo con người. Hay mục tiêu với bậc đại học cũng vậy, 4 trường trong top 200 trường tốt nhất thế giới thì mục tiêu này có thể thấy là quá lãng mạn, xa vời.
Nếu ta đánh giá lại cụ thể các cấp học thì thấy rằng chúng ta cần xây dựng các mục tiêu này cụ thể, thận trọng hơn và kèm theo các điều kiện để thực hiện được các mục tiêu đó. Trong chiến lược này không phải đi sâu vào vấn đề đầu tư nhưng cũng phải gắn với vấn đề đầu tư.
Nghiêm Huê (lược ghi)
Bình luận (0)