Sự kiện giáo dụcTin tức

Cần có chính sách cho giáo viên mầm non

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Cần có chính sách cho giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục (CSGD) dân lập, tư thục địa bàn KCN. Đó là kiến nghị của ngành GD TP.Đà Nẵng tại hội nghị trực tuyến về sơ kết 2 năm thực hiện Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ, do Bộ GD-ĐT tổ chức, ngày 20-10.


Cần có chính sách hỗ trợ GV MN ở các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục trên địa bàn có KCN (ảnh minh họa)

Báo cáo tham luận tại hội nghị, Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng cho biết, hiện toàn thành phố có 202 trường mầm non. Trong đó 71 trường công lập, 131 trường ngoài công lập và có 734 cơ sở GDMN độc lập, trong đó 233 nhóm trẻ độc lập quy mô tối đa 7 trẻ thu nhận 13.723 trẻ và 501 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập quy mô trên 7 trẻ thu nhận 14.668 trẻ.

Đà Nẵng có 6 KCN tập trung tại 4 quận, huyện: Liên Chiểu, Sơn Trà, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang, số lượng cơ sở GDMN ở KCN là 108 trường/202 (chiếm tỷ lệ 53,4%). Trong đó, 37/71 trường công lập (chiếm tỷ lệ: 52,1); 71/131 trường tư thục (chiếm 54,2%). Riêng số lượng trẻ mầm non ra lớp tại các cơ sở GDMN địa bàn KCN: 34.229 trẻ. 

Thời gian qua, Đà Nẵng đã thực hiện tốt các chính sách dành cho trẻ em mầm non, giáo viên mầm non trên địa bàn. Theo quy định, chính sách hỗ trợ được thực hiện theo thời gian thực học của trẻ tại cơ sở GDMN. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19, các cơ sở GDMN tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch. Do đó, chính sách đối với trẻ em và giáo viên không thực hiện đối với học kỳ II năm học 2020-2021 và học kỳ I năm học 2021-2022. Hầu hết các quận, huyện trẻ đến trường vào tháng 3-4/2022, các cơ sở GDMN mới tiến hành thủ tục hồ sơ, việc duyệt dự toán ngân sách bị chậm so với quy định. Hiện nay, thành phố đã cấp kinh phí về các quận, huyện, các đơn vị đang thực hiện việc hỗ trợ chính sách đối với giáo viên và trẻ trong học kỳ II  năm học 2021-2022.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT nhìn nhận, Đà Nẵng là địa phương có nhiều tiềm năng, thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào địa bàn khu công nghệ cao và các khu công nghiệp. Chính vì vậy, các cấp lãnh đạo thành phố dành sự quan tâm đặc biệt đối với địa bàn này.Sự ra đời của Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND, ngày 12-8-2021 là sự cụ thể hóa, thể hiện rõ nét sự quan tâm đầu tư cho GDMN. Sau khi HĐND thành phố ban hành Nghị quyết, bên cạnh sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo thành phố, các đơn vị, sở ngành đã có sự phối hợp trong triển khai thực hiện. Theo đó, các UBND quận, huyện đã chỉ đạo triển khai gói hỗ trợ đến đúng đối tượng. 

Tuy nhiên, đối với giáo viên mầm non giảng dạy tại các cơ sở giáo dục mầm non đóng trên địa bàn huyện Hòa Vang thì không được hưởng hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP và tại điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 38/2021/NQ-HĐND vì trên địa bàn huyện Hòa Vang không có khu công nghiệp mặc dù huyện Hòa Vang đón nhận dạy dỗ và chăm sóc đa số trẻ là con công nhân làm việc tại các khu công nghiệp của quận Liên Chiểu và Cẩm Lệ. Đây là một bất cập và cũng là thiệt thòi đối với giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục trên địa bàn huyện Hòa Vang. Vì vậy, đề nghị Bộ GD-ĐT tham mưu Chính phủ điều chỉnh Điều 10 Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ về đối tượng đối với giáo viên mầm non làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục: mở rộng địa bàn có khu công nghiệp thuộc địa bàn cấp tỉnh, thành phố.

Vĩnh Yên

 

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)