Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần có chương trình khoa học giáo dục kế tiếp

Tạp Chí Giáo Dục

Vấn đề này được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc nêu ra tại hội thảo xây dựng và hoàn thiện khung chương trình khoa học giáo dục đến năm 2030, do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức chiều 11-11.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết chương trình khoa học giáo dục giai đoạn 2016-2021 đã triển khai thực hiện với những kết quả đạt được đóng góp tích cực vào việc nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện chính sách, chiến lược đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT, điều hành của ngành giáo dục.

Những kết quả của chương trình khoa học giáo dục đã đóng góp tích cực vào đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT đòi hỏi có giai đoạn kế tiếp để thực hiện chương trình giáo dục giai đoạn 2025-2030

“Chương trình giai đoạn này đóng góp vào sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29; xây dựng Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29; ban hành Luật Giáo dục 2019, Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018 và một số nghị quyết của Quốc hội, cũng như nhiều nghị định, các thông tư, dự thảo chiến lược giáo dục”, ông Phúc cho hay.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc, Kết luận 91 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 đặt ra nhiệm vụ phải có nghiên cứu, bằng chứng khoa học, cơ sở thực tiễn để thực hiện tốt đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT của đất nước và mục tiêu đã nêu đến năm 2030 giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến khu vực. Chương trình khoa học giáo dục giai đoạn 2016-2021 đã kết thúc đòi hỏi có giai đoạn kế tiếp để thực hiện chương trình giáo dục giai đoạn 2025-2030. Ban chủ nhiệm chương trình đã xây dựng dự thảo khung chương trình với ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ sở giáo dục, các cơ quan quản lý giáo dục. Theo đó, Bộ GD-ĐT đã họp cho ý kiến, Ban Cán sự Đảng Bộ GD-ĐT cũng đã họp và có nghị quyết thông qua định hướng khung chương trình.

“Việc tiếp tục đóng góp ý kiến xây dựng hoàn thiện khung chương trình là vô cùng quan trọng. Đây là cơ sở để Bộ Khoa học và Công nghệ chốt lại ban hành một khung chương trình thực sự vừa đúng, vừa trúng và phù hợp với những điểm mới nhất của Kết luận 91 để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT”, ông Phúc nói.

Theo dự thảo khung chương trình, mục tiêu phát triển khoa học giáo dục góp phần giải quyết những vấn đề về lý luận và thực tiễn đặt ra trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT Việt Nam đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Mục tiêu cụ thể nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho quá trình hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách nhằm phát triển giáo GD-ĐT. Đề xuất được các giải pháp hiệu quả nhằm phát triển hệ thống giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của mọi đối tượng người học, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục đến năm 2030 và các năm tiếp theo. Góp phần phát triển đội ngũ các nhà nghiên cứu về khoa học giáo dục tại Việt Nam.

Chương trình tập trung vào 6 nhóm nội dung chính: Nghiên cứu luận cứ khoa học cho quá trình hoàn thiện thể chế, xây dựng chính sách giáo dục; nghiên cứu phát triển hệ thống, mạng lưới và mô hình giáo dục; nghiên cứu phát triển chương trình, đổi mới phương thức giảng day, kiểm tra đánh giá trong giáo dục; nghiên cứu các vấn đề về văn hóa và quan trị trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông; nghiên cứu các vấn đề về giáo dục đại học; nghiên cứu về dự báo và chiến lược phát triển giáo dục.

N.Trinh

Bình luận (0)