Diễn đàn “Văn hóa nghề – Thước đo nguồn nhân lực” được khởi động từ tháng 7 đến nay thu hút hàng chục ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý doanh nghiệp. Từ những bài viết đã đăng tải, cũng như qua nhiều ý kiến gửi đến diễn đàn, cho thấy nâng cao văn hóa nghề cho người lao động trở thành vấn đề có tầm quốc gia.
Đừng để phải trả giá
Ông Đàm Hữu Đắc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng VN có nguồn lao động trẻ dồi dào, với 46 triệu lao động, tạo ra lợi thế để thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế, những ưu điểm của lao động VN như tính thông minh, sáng tạo, cần cù, chịu khó, nhanh nhẹn, hoạt bát, thích nghi nhanh với môi trường lao động công nghiệp càng phát huy bao nhiêu thì những yếu kém như tính vô kỷ luật, tùy tiện, cẩu thả… càng bộc lộ bấy nhiêu.
Đây cũng là chủ đề mà diễn đàn tập trung bàn thảo nhiều nhất. Hầu hết ý kiến cho rằng những hạn chế như nói trên là hệ quả của sự thiếu hiểu biết, không coi trọng về văn hóa nghề của người lao động. Nói như ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử VN, vì thiếu văn hóa nghề nên mới phát sinh hiện tượng phổ biến: Lao động sẵn sàng bỏ việc, nghỉ việc mà không ý thức được hậu quả, thiệt hại cho nhà sản xuất. Ông Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế VN, nhận xét: “Bản sắc văn hóa trong lao động” của phần lớn lao độngVN chẳng khác bao nhiêu với “bản sắc văn hóa lao động” của nông dân tự do, tự tại: Thiếu tác phong, kỷ cương làm việc, hành xử tùy tiện, khiếu nại, đình công trái pháp luật; thậm chí vi phạm pháp luật.
Thông qua các bài viết, ý kiến tham gia diễn đàn, các chuyên gia đưa ra khuyến cáo chúng ta sẽ phải trả giá đắt nếu chiến lược phát triển kinh tế không vận hành trên nền tảng của nguồn nhân lực, gắn đào tạo chuyên môn tay nghề với nâng cao nhận thức, coi trọng giá trị lao động cho người lao động.
Định chuẩn giá trị nghề nghiệp
Từ bài viết nói về những quan điểm sai lầm của thanh thiếu niên trong định hướng nghề nghiệp trên diễn đàn, GS-TS Đặng Cảnh Khanh cho rằng phải quan tâm đến định hướng về chuẩn mực và giá trị lao động cho người lao động. Chúng ta không chỉ giáo dục về kỹ thuật, công nghệ và nâng cao nghiệp vụ chuyên môn đơn thuần mà phải giáo dục về các chuẩn mực và giá trị lao động, giáo dục về ý thức nghề nghiệp, nâng cao khả năng sáng tạo trong lao động. Thước đo nguồn nhân lực phải bao gồm các yếu tố trên.
Đó cũng là lý do mà các nhà nghiên cứu, chuyên gia cho rằng phải đưa nội dung dạy văn hóa nghề vào trường học. Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng Phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB-XH TPHCM, nên đưa những nội dung cơ bản về văn hóa nghề vào chương trình dạy nghề theo hình thức lồng ghép, ngoại khóa, chuyên đề… tùy theo trình độ, thời gian và yêu cầu cụ thể của từng lĩnh vực đào tạo và sử dụng lao động. Ông Lê Phụng Hào, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh Đô, cho rằng đào tạo và dạy nghề không chuyển hướng kịp theo yêu cầu phát triển kinh tế thị trường, còn dạy văn hóa nghề gần như là con số 0. Cần có một chương trình quốc gia về đào tạo văn hóa nghề.
Ông Dương Trung Quốc lưu ý việc xây dựng những chương trình đào tạo về văn hóa bên cạnh những chương trình đào tạo kỹ năng nghề nghiệp phải được xây dựng thành những chương trình chính quy. Giáo dục văn hóa nghề không chỉ giới hạn trong những chương trình mang tính giáo khoa của các cơ sở dạy nghề mà còn là một cuộc vận động xã hội với vai trò của Công đoàn, các hội nghề nghiệp, các tổ chức đoàn thể liên quan đến đối tượng thanh niên, phụ nữ; đồng thời có sự phối hợp của doanh nghiệp hay các tổ chức sử dụng lao động. GS-TS Đặng Cảnh Khanh đúc kết: Phải bắt đầu việc giáo dục các chuẩn mực và định hướng giá trị lao động mới, không chỉ từ các trường đào tạo nghề nghiệp mà ngay từ những giai đoạn học tập đầu tiên, từ trường phổ thông. Phải xây dựng các chuẩn mực và giá trị nghề nghiệp, nếp sống mới trong xã hội theo quy chuẩn của xã hội công nghiệp, tạo dựng cho lớp trẻ quen dần với một môi trường sống công nghiệp, nhận thức, tư duy và hành động theo phong cách của người lao động công nghiệp.
Đừng xem giá rẻ là một lợi thế Ông Dương Trung Quốc cho rằng những năm qua, chính sự đa dạng của các nhà đầu tư đến từ rất nhiều quốc gia khác nhau mang theo những khái niệm và ứng xử văn hóa khác nhau, một mặt nào đấy phát sinh những xung đột về “văn hóa” giữa giới chủ và người lao động. Chính sự xung đột này cũng tạo nên những tác động tiêu cực vào môi trường đầu tư, gây nghi ngại cho nhà đầu tư nước ngoài. Về vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế Hồng Lê Thọ, nếu chỉ xem lao động giá rẻ là một lợi thế để cạnh tranh, thu hút đầu tư nước ngoài sẽ là một sai lầm. Tỉ lệ vốn FDI đăng ký và giải ngân hằng năm còn chênh lệch lớn một phần nguyên nhân do chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư về chất lượng nguồn nhân lực. |
DUY QUỐC (nld)
Bình luận (0)