Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần có lộ trình để trường đại học bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư

Tạp Chí Giáo Dục

'Cần đánh giá lại các trường, sau khi báo cáo nếu thấy hợp lý thì giao việc xét và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư cho các trường có đủ năng lực", Cục phó Nhà giáo Nguyễn Hải Thập nói.

Cục phó Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Hải Thập cho biết, sau khi được Thủ tướng giao thí điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm, Đại học Tôn Đức Thắng đã ban hành quyết định, quy định tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ chuyên môn của nhà trường, trong đó có giáo sư, phó giáo sư.

"Sau khi trường ban hành văn bản, chúng tôi đọc và thấy nhiều lỗi kỹ thuật. Hiện trường chưa thực hiện và cũng đã tạm dừng việc này, có báo cáo xin ý kiến của Bộ Giáo dục và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam", ông Thập thông tin.

6c-shku-7016-1443022426-9348-1443057583.

Cục phó Nhà giáo Nguyễn Hải Thập.

Theo Cục phó Nhà giáo, nhà nước có hệ thống văn bản quy định hướng dẫn việc công nhận chức danh giáo sư. Các trường trước mắt thực hiện theo quy định của nhà nước, nếu có làm theo hướng mới trước hết phải xin ý kiến Thủ tướng xem hiện nay thực hiện bổ nhiệm chức vụ giáo sư trong trường đại học có phù hợp không. Việc này cũng giống như trong gia đình có nhiều người con, có người có đủ tiềm lực, nhưng có người chưa đủ để bố mẹ cho ở riêng.

Trước băn khoăn về việc các nước tiên tiến giáo sư, phó giáo sư là chức vụ, còn ở Việt Nam là chức danh, ông Thập cho hay, từ ngữ khi dịch từ nước ngoài về sẽ được Việt hoá đi. Chức vụ tức là quản lý và có phụ cấp, như vụ trưởng, cục trưởng. Còn chức danh là chức danh nghề nghiệp, làm nghề nào thì có chức danh đó. Hiện nay trong Luật viên chức nói là chức danh nghề nghiệp của viên chức, Đại học Tôn Đức Thắng là trường công nên giảng viên ở đấy là viên chức, vì vậy gọi chức danh nghề nghiệp là đúng.

"Chúng ta không nên tranh luận từ ngữ nữa mà gọi là chức danh. Ở nước ta, sau khi bổ nhiệm chức danh xong còn công đoạn bổ nhiệm vào vị trí làm việc (ngạch) nữa. Khi bổ nhiệm vào ngạch thể hiện rõ chức danh. Danh là danh dự tôn kính, chức là vị trí trong nghề nghiệp thể hiện sự cao thấp", ông Thập nói.

Tuy nhiên, qua sự việc của Đại học Tôn Đức Thắng, ông Thập cũng cho rằng, về phía quản lý nhà nước, các cơ quan cần xem xét, đánh giá tác động của những văn bản hiện hành liên quan đến việc phong giáo sư, phó giáo sư xem đã ổn chưa, tích cực và hạn chế thế nào. Nếu việc bổ nhiệm tích cực thì phát huy, nếu còn hạn chế thì cần khắc phục.

Bên cạnh đó, theo ông Thập, cũng cần đánh giá xem trường đại học nào đủ năng lực để xét và bổ nhiệm giáo sư. Nhưng muốn làm việc này cần có lộ trình, phải quy định trong văn bản chứ không nói miệng. "Tóm lại là cần đánh giá lại các trường, sau khi các trường báo cáo nếu thấy hợp lý thì triển khai, trái pháp luật thì dừng", Cục phó Nhà giáo nói.

Đại học Tôn Đức Thắng đang thực hiện phong giáo sư, phó giáo sư cho cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài nhà trường. Trường đã làm xong bước thứ nhất là ban hành quyết định, bước thứ hai là sẽ xây dựng quy trình, thủ tục và ra thông báo để cán bộ, viên chức trong trường và các nhà khoa học bên ngoài cũng có thể nộp đơn đăng ký bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư.

Theo Lan Hạ/ VNE

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)