Đường sắt được xem là phương tiện giao thông có độ an toàn khá cao, nhưng với đường sắt Việt Nam, có tuổi thọ cả trăm năm, nhiều cây cầu cũng “già” cỡ như vậy. Đặc biệt, có nhiều cầu dùng chung cho cả đường sắt và đường bộ, trong nội ô một số thành phố đông dân lại có những đường giao cắt “chết người”. Một quan chức của ngành đường sắt cho rằng đó là thực tế của ngành đường sắt Việt Nam. Và độ an toàn đường sắt hoàn toàn lệ thuộc vào con người. Vì thế khi nhân viên gác chắn cầu Ghềnh (Biên Hòa, Đồng Nai) đêm mùng 4 Tết Tân Mão lơ là, lập tức tai nạn xảy ra. Đường sắt Việt Nam là phương tiện vận chuyển quan trọng, nhất là trong những dịp lễ, tết, mật độ chạy tàu dày đặc, sức vận chuyển tăng cao. Ngoài vai trò quan trọng trong vận chuyển hành khách, đường sắt còn có nhiệm vụ quốc phòng rất quan trọng. Do vậy, theo tôi trước mắt Nhà nước nên đầu tư hiện đại ngành đường sắt. Theo tính toán của các chuyên gia, chỉ cần một phần kinh phí trong việc xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam, chúng ta đủ sức hiện đại hóa ngành đường sắt. Trong khi đó, giá vé vận chuyển hành khách của ngành đường sắt thấp, phù hợp với mức thu nhập trung bình của người dân, chắc chắn việc đầu tư hiện đại hóa ngành đường sắt không thể bị lỗ, lại được xã hội đồng thuận cao. Hy vọng trong tương lai rất gần chúng ta có một hệ thống đường sắt hiện đại, để không còn xảy ra những tai nạn như đã xảy ra ở cầu Ghềnh vừa qua.
Lê Lôi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)
Bình luận (0)