Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần có những tiêu chí đánh giá phẩm chất cụ thể

Tạp Chí Giáo Dục

Theo ông Lê Vinh (Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng), dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có nhiều ưu điểm đáng ghi nhận. Đó là chương trình hướng đến phát triển năng lực người học nhiều hơn; nhiều môn học giải quyết các vấn đề thực tiễn hướng đến mục tiêu đào tạo cho học sinh những kỹ năng căn bản nhất để có thể hòa nhập được với sự phát triển của xã hội, có cơ hội tiếp cận nghề nghiệp từ sớm; có sự thay đổi rất nhiều so với chương trình học trước đây, nhất là bậc THPT. Bên cạnh đó, ông Vinh cho rằng sự phân hóa ở lớp 11 và lớp 12 với việc giảm các môn bắt buộc, tăng các môn học tự chọn là điều kiện để học sinh phát triển được năng lực, tư duy độc lập để giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Tuy nhiên, chương trình lớp 10 còn khá nặng, theo dự thảo không chỉ giảm môn học mà còn tăng. Có một môn rất hay mà dự thảo không đưa thành một môn học bắt buộc, đó là môn giáo dục – kinh tế – pháp luật. Ông Vinh nêu quan điểm: Học sinh đi học rồi chọn nghề nghiệp ở tương lai đều phải làm kinh tế và sống theo pháp luật. Nhưng nếu như ở phổ thông chỉ là môn tự chọn thì sẽ dẫn đến việc em nào không lựa chọn môn này có thể sẽ hổng phần kiến thức này khi ra đời.

Việc kết hợp giảng dạy kiến thức với mục tiêu hình thành phẩm chất và năng lực của học sinh là một điểm mới của dự thảo. Theo ông Vinh, đánh giá năng lực của học sinh sẽ đơn giản hơn rất nhiều so với đánh giá phẩm chất. Vì đánh giá năng lực có sự định lượng, còn phẩm chất thì mang tính chất định tính, rất khó đong đếm. Trong khi hiện nay hầu hết các môn thi đều theo hình thức trắc nghiệm. Nên chăng cần có những tiêu chí cho việc đánh giá phẩm chất một cách cụ thể. Ông Vinh cho hiện nay dự thảo mới chỉ mang tính chất tổng quát với khung chương trình, còn phải được cụ thể hóa bằng các chương trình môn học, rồi mới đến sách giáo khoa. Cho tới lúc đó, mới có thể đánh giá được nó có quá tải hay không. “Chúng ta chỉ có thể đánh giá được các trường sẽ gặp thuận lợi hay khó khăn một khi có chương trình sách giáo khoa. Đơn cử như với môn hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trước đây được xem như là một phương pháp, ở dự thảo này nó trở thành một môn học, tuy nhiên chưa rõ nội dung chương trình môn học sẽ như thế nào. Đó là chưa kể về cơ sở vật chất, lâu nay cơ sở vật chất phục vụ chương trình cũ, bây giờ dự thảo đòi hỏi bổ sung nhiều hơn. Trong một thời gian ngắn có thể xây dựng bổ sung kịp hay không?… ”, ông Vinh băn khoăn.

Ông Vinh nói thêm: “Các nhà chiến lược cần tính toán, phối hợp đồng bộ 3 yếu tố: bộ phận viết chương trình – sách giáo khoa, bộ phận đào tạo giáo viên và điều kiện cơ sở vật chất. Trong đó, chương trình – sách giáo khoa phải có sự tích hợp, khuyến khích được sự sáng tạo của cả giáo viên và học sinh; bộ phận đào tạo giáo viên, nhất là những giáo viên đảm nhận việc dạy những môn mới phải thay đổi phương pháp; còn cơ sở vật chất phải đáp ứng được những yêu cầu của đổi mới thì chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thành công”.

Vĩnh Yên (ghi)

Bình luận (0)