Trả lời phỏng vấn của báo giới bên hành lang Quốc hội sáng 28-10 về dư luận xung quanh công tác cán bộ, ĐBQH, Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhận định, cần có những quy định để xử lý việc bổ nhiệm người thân – mà ông coi là những “biến tướng” rất tinh vi của tham nhũng.
Luật sư Trương Trọng Nghĩa
Ông Trương Trọng Nghĩa nói: “Chúng ta lâu nay dựa vào công tác tổ chức cán bộ và tin tưởng rằng đã có cơ quan tổ chức Đảng làm theo quy trình nghiêm minh, khách quan, rất chặt chẽ rồi. Do đó, không có hiện tượng đưa người thân thích, tạo thành mối quan hệ thân tộc trong bộ máy Đảng và Nhà nước được. Nhưng hiện nay rõ ràng vẫn có tình trạng này. Vì vậy, về mặt Đảng cần bổ sung những quy định đối phó những biến tướng đó. Luật pháp cũng phải như vậy. Luật Phòng chống tham nhũng đang được sửa đổi và tôi cho rằng phải đưa vào luật này những quy định ngăn chặn hình thành mối quan hệ thân thích, dòng tộc trong bộ máy của Đảng và Nhà nước”.
* PHÓNG VIÊN: Liệu có nên đặt vấn đề cấm bổ nhiệm những người trong một đại gia đình ở cùng một địa phương, như thời xưa đã từng quy định không, thưa ông?
– Đại biểu TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA: Muốn đưa ra giải pháp hợp lý và có khoa học thì phải nghiên cứu cẩn thận. Chúng ta cũng cần tham khảo thêm quy định của các nước để nghiên cứu áp dụng. Một giải pháp đơn giản như thế có thể đáp ứng một tình thế nào đó nhưng không giải quyết rốt ráo được vần đề, vì ở đây cũng không loại trừ có những trường hợp ngẫu nhiên anh em cùng làm một cơ quan, vợ chồng cùng làm trong một sở hay một bộ. Đôi khi đó là ngẫu nhiên, bình thường và cũng không có tác hại gì.
* Còn việc tự bổ nhiệm người thân thì sao?
– Những gì dính đến chuyện người thân bổ nhiệm lẫn nhau thì phải có quy định để xử lý. Ở đây chúng ta cũng phải xử lý cả những trường hợp khách quan như một ông bộ trưởng có con thích ngành nghề của bố và có năng lực thì sau quá trình phấn đấu đến một lúc nào đó có thể được ông bố bổ nhiệm vị trí xứng đáng. Như tôi đã nói ở trên, cần nghiên cứu căn cơ thấu đáo, rút kinh nghiệm từ các nước để có quy định chặt chẽ nhưng không cực đoan.
* Ông nghĩ thế nào về vai trò người đứng đầu trong công tác này?
– Có một chân lý hàng nghìn năm nay, từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, là cứ ở trên ngay ngắn chặt chẽ, nghiêm khắc trăm phần trăm thì ở dưới sai phạm, nhũng nhiễu, tham nhũng, hành vi trái pháp luật sẽ giảm rất nhiều. Còn ở trên chỉ không chặt chẽ, thiếu nghiêm túc "một li" thôi thì ở dưới có thể sẽ “đi 1 dặm”. Dựa trên nguyên tắc này, tôi cho là vừa qua việc xử lý người đứng đầu chưa thật chặt chẽ, nghiêm túc.
*Xin cảm ơn ông!
ANH PHƯƠNG ghi/ SGGP
Bình luận (0)